zalo
Mẹ bầu tuần 40 - Đếm ngày đón con chào đời!
Thai kỳ

Mẹ bầu tuần 40 - Đếm ngày đón con chào đời!

Thúy Anh
Thúy Anh

07/06/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Mẹ bầu tuần 40 có ngày dự sinh đã cận kề. Mẹ cần chuẩn bị rất nhiều thứ và theo dõi sát sao các dấu hiệu sắp sinh để chuẩn bị cho hành trình vượt cạn sắp xảy ra.

Sự phát triển của thai nhi 40 tuần tuổi

Em bé ở tuần 40 của thai kỳ đã hoàn thiện về nhiều mặt, có thể phát triển hoàn toàn bình thường ở môi trường bên ngoài nếu được sinh ra. 

  • Cân nặng trung bình từ 2,8 kg đến 3,5 kg và độ dài khoảng 45cm đến 50cm tính từ đầu đến mông, tương đương với một quả bí ngô.

  • Làn da thường có màu đỏ tím, sau đó sẽ chuyển sang đỏ hồng trong khoảng một vài ngày sau khi sinh; Dạ tay và chân có thể hơi xanh vì tuần hoàn máu vẫn chưa hoàn thiện nên không cung cấp đủ oxy và hồng cầu.

  • Nhau thai vẫn không ngừng cung cấp các kháng thể để tăng cường sức đề kháng giúp chống lại nhiễm trùng trong 6 tháng đầu đời sắp tới. 

  • Tầm nhìn chỉ tập trung được với khoảng cách tương đương 2,5cm.

  • Thính giác phát triển hoàn thiện, nghe và nhận biết được giọng nói quen thuộc của người thân.

  • Ngôi thai thuận, đầu hướng về phía dưới tử cung để chuẩn bị cho cơn chuyển dạ sắp xảy ra.

  • Thai gò nhiều cho đến ngày sinh khoảng 10 lần trong 1 giờ.

 Thai nhi 40 tuần tuổi đã phát triển hoàn thiện. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Những thay đổi trên cơ thể phụ nữ mang thai 40 tuần

Khi đã mang thai được 40 tuần tuổi, giây phút mẹ được gặp bé yêu đã gần kề. Tuy nhiên, trước khi gặp con, cơ thể mẹ phải trải qua nhiều thay đổi để chuẩn bị cho việc chuyển dạ sắp tới.

  • Xương, cơ và các khớp tiếp tục thả lỏng, đặc biệt là dây chằng trong xương chậu để có khả năng mở lớn khi sinh.

  • Cảm nhận rõ sức ép của thai nhi lên vùng chậu và thấy đau ở phần lưng dưới khiến mẹ khó tìm thấy vị trí nằm ngủ thoải mái.

  • Chảy dịch nhầy cổ tử cung màu nâu hoặc pha chút máu do nút nhầy cổ tử cung bắt đầu mở ra.

  • Cảm nhận rất dễ dàng những cơn co thắt tử cung với chu kỳ kéo dài khoảng một phút hoặc có thể lâu hơn, khiến cơn đau lan tỏa từ dạ dày, bụng dưới, lưng và vùng trên của đùi.

Một số thay đổi khi mang thai tuần thứ 40. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các triệu chứng có thể gặp

Cùng với sự phát triển của thai nhi và sự ảnh hưởng của cơn chuyển dạ đang diễn ra, mẹ bầu tuần 40 xuất hiện rất nhiều triệu chứng khác nhau.

Mất ngủ

Bà bầu ở tuần 40 phải chịu sự nặng nề của vùng bụng, đau mỏi lưng và hông, các cơn co thắt tử cung… khiến mẹ mệt mỏi; Cộng với tâm lý vừa lo lắng chuyện sinh nở có suôn sẻ hay không, vừa háo hức chờ đợi được gặp con làm thai phụ dễ bị rối loạn giấc ngủ. 

Phụ nữ mang thai sẽ rất khó để ngủ ngon trong giai đoạn này. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy yên tâm vì mất ngủ là một hiện tượng sinh lý bình thường của một người sắp hạ sinh em bé.

Chuột rút

Chuột rút khiến các cơ bị co thắt đột ngột gây đau nhức, thường bị ở bàn chân, bắp chân và đùi. Nguyên nhân có thể do cơ thể thai phụ không được cung cấp đủ canxi. Mặt khác, thai nhi đã lớn làm chèn ép các cơ, dây thần kinh khiến việc tuần hoàn máu bị hạn chế. 

Mẹ bầu tuần 40 rất dễ bị tình trạng này. Tuy nhiên, hiện tượng này không gây nguy hiểm gì đối với người đang mang thai và sẽ tự hết khi kết thúc thai kỳ.

Đau xương chậu

Mẹ bầu ở giai đoạn cuối thai kỳ bị đau xương chậu do đầu thai nhi đã chúc về gần sát cổ tử cung và ép sát vùng chậu. Điều này khiến cho vùng hông và bàng quang của chị em bị chèn ép dẫn đến triệu chứng đau xuất hiện.

Các chuyên gia khuyến khích thai phụ nên massage trong những tuần mang thai cuối để giảm những cơn đau do thai nhi chèn ép.

Tiêu chảy

Nếu như những tuần đầu khi mang thai mẹ bầu dễ bị táo bón, thì ở tuần 40 của thai kỳ, phụ nữ mang bầu dễ bị tiêu chảy. Điều này có thể do thai nhi chèn ép vùng bụng, cộng với các cơn co thắt tử cung kích thích nhu động ruột tăng khiến mẹ bị tình trạng này.

Đây chỉ là dấu hiệu của việc chuyển dạ sắp diễn ra nên bà bầu đừng lo lắng. Sau khi sinh em bé, cơ thể của mẹ sẽ trở lại bình thường.

Cổ tử cung giãn rộng

Cổ tử cung của phụ nữ mang thai dài khoảng 3cm đến 5cm, khi mẹ bầu mang thai 40 tuần, nó có dấu hiệu mở rộng ra, niêm mạc cũng dần mỏng đi cho đến khi bị xóa hoàn toàn 100% là thời điểm sinh đã tới.

Quá trình trên sẽ diễn ra một cách từ từ, có thể mất vài giờ hoặc vài ngày. Đây chính là dấu hiệu của sự chuyển dạ sớm và tích cực.

Cơn gò bụng giả

Cơn gò bụng giả còn được gọi là cơn co thắt Braxton Hicks. Nếu mẹ bầu 40 tuần chuyển dạ nhưng chưa sinh ngay sau đó thì hiện tượng này xuất hiện khá nhiều. Chúng có vai trò như những cơn chuyển dạ giả với các cơn đau không tăng về tần suất và mức độ đau, giúp mẹ làm quen với cơn chuyển dạ thật sự sau này.  

Cơn gò Braxton Hicks không gây nguy hiểm. Thai phụ hãy chịu khó đi bộ nhẹ hoặc thay đổi tư thế nằm để giảm triệu chứng này. 

Hiện tượng cơn gò bụng giả. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Thai nhi giảm cử động

Em bé 40 tuần tuổi vẫn đang di chuyển liên tục bên trong tử cung của mẹ. Tuy nhiên, mẹ bầu sẽ cảm thấy những cử động ấy có phần giảm so với những tuần trước. Nếu bé cử động với tần suất khoảng 10 lần trong 1 giờ thì bà bầu không phải lo lắng.

Những lưu ý đối với mẹ bầu tuần thứ 40

Mẹ bầu tuần 40 đang trong giai đoạn chuyển dạ nên cần lưu ý rất nhiều thứ để chuẩn bị tốt nhất cho việc sinh nở sắp diễn ra.

Chế độ dinh dưỡng

Việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng là điều hết sức cần thiết cho phụ nữ mang thai 40 tuần. 

Thực phẩm nên bổ sung

Bà bầu nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: 

  • Cung cấp chất xơ với các thực phẩm như bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, mì ống và gạo, cũng như các loại trái cây và rau quả khác.

  • Cung cấp vitamin mỗi ngày từ các thực phẩm như cam, nho, dâu, mật ong, đu đủ, bông cải xanh, súp lơ, cà chua và các loại rau xanh. 

  • Đảm bảo lượng protein với các thực phẩm có trong thịt gia cầm, cá, trứng hoặc các loại hạt.

  • Bổ sung canxi có trong sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Thực phẩm nên tránh

Mẹ bầu tuần 40 cần tránh ăn các thực phẩm sau để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi:

  • Thức uống có cồn và caffeine có trong các thực phẩm như cà phê, trà đen, soda, đặc biệt là sô cô la đen; lượng caffeine tiêu thụ trong một ngày của thai phụ nên ít hơn 300 mg.  

  • Các loại thực phẩm còn sống như thịt sống, cá sống, nhất là động vật có vỏ như hàu và nghêu.

Một số xét nghiệm và kiểm tra cần làm

Khi thai nhi 40 tuần, mẹ cần làm một số xét nghiệm và kiểm tra sau đây để biết chắc chắn về tình trạng của bản thân và thai nhi. 

  • Siêu âm kiểm tra cổ tử cung có mềm hơn không và giãn ra bao nhiêu.

  • Siêu âm đánh giá chất lượng nước ối có đủ tốt cho quá trình chuyển dạ sinh thường hay không.

  • Siêu âm tổng thể về em bé như nhịp tim, hệ bài tiết…

  • Xét nghiệm nước tiểu để đánh giá về tình trạng viêm nhiễm, vi khuẩn, đường huyết nhằm kịp thời phát hiện các bệnh lý của tiền sản giật.

  • Xét nghiệm máu để biết tình trạng của mẹ như đường huyết, bạch cầu, hồng cầu, nhóm máu…

Một số kiểm tra cần làm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trường hợp quá ngày dự sinh

Theo thống kê chung, khoảng 70% bà bầu sẽ hạ sinh em bé từ tuần 40 trở lại và chỉ 30% mang thai đến tuần thứ 41. Mẹ không nên quá lo lắng nếu sau 40 tuần mà vẫn chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu sinh nào.

Nếu quá ngày dự sinh, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng cổ tử cung của thai phụ, thảo luận và lựa chọn một phương pháp giục sinh phù hợp. Nếu cổ tử cung chưa có dấu giãn ra, bác sĩ sẽ dùng hormone hoặc phương pháp cơ học như kích thích đầu vú hoặc tách màng ối để kích thích chuyển dạ. Nếu những cách này không có tác dụng, mẹ sẽ được chỉ định sinh mổ.

Khi sử dụng phương pháp giục sinh, nếu thấy thai nhi chuyển động chậm lại hoặc có dịch chảy ra từ âm đạo, bà bầu hãy báo ngay cho bác sĩ.

 Trường hợp quá ngày dự sinh sẽ được bác sĩ theo dõi và chỉ định phương pháp phù hợp. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Dấu hiệu cần nhập viện ngay

Tuần thứ 40 của thai kỳ là lúc bé đã sẵn sàng đến với thế giới bên ngoài cơ thể mẹ. Nếu thai phụ thấy có các dấu hiệu sau thì cần nhập viện ngay:

  • Vỡ ối: Nước ối có thể chảy ra ồ ạt cùng một lúc hoặc chỉ rỉ một lượng nhỏ, thường có màu trắng đục hoặc vàng rơm, xanh nhạt và không mùi.

  • Có máu báo: Xuất hiện vài vệt máu hồng đi kèm với chất nhầy dạng sền sệt được tiết ra từ âm đạo.

  • Cơn co thắt mạnh và dồn dập: Bụng bị gò căng cứng, các cơn co thắt xuất hiện đều đặn sau mỗi 4 đến 5 phút và càng ngày càng đau dữ dội.

  • Đi ngoài nhiều lần: Buồn đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, thậm chí là tiêu chảy.

Một số dấu hiệu cần nhập viện ngay. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Xem thêm: Điều gì sẽ xảy ra khi mẹ bầu 39 tuần ra dịch màu trắng?

Lời khuyên từ chuyên gia khoa sản

Chuyên gia khoa sản khuyên mẹ bầu tuần 40 cần lưu ý những điều sau:

Không đi xa

Mẹ mang thai ở tuần 40 là thời điểm cơn chuyển dạ thật có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, bà bầu không nên đi xa nhà để đảm bảo cho việc sinh nở diễn ra thuận lợi, đặc biệt nếu bản thân thuộc trường hợp dưới đây:

  • Mang song thai hoặc đa thai.

  • Bị tiểu đường.

  • Bị bệnh cao huyết áp.

  • Nhau thai bất thường.

  • Nguy cơ bị sinh non.

  • Có tiền sử bệnh đông máu.

Kiểm tra xương chậu

Lúc thai nhi được 40 tuần tuổi, mẹ bầu nên đến bệnh viện làm các kiểm tra và xét nghiệm cần thiết, nhất là kiểm tra vùng xương chậu. Điều này giúp bác sĩ xác định các điều kiện sinh của bà bầu có thuận lợi không.

Giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn

Hàu hết mẹ bầu tuần 40 nào cũng hồi hộp, lo lắng về việc sinh nở sắp tới có thuận lợi hay không. Tuy nhiên, mẹ đừng quá căng thẳng vì sẽ khiến nhịp tim đập nhanh, gây rối loạn tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở.

Nên giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Chuẩn bị đồ sinh

Bà bầu mang thai ở tuần 40 nên chuẩn bị sẵn các đồ sinh như: Tã, bỉm, sữa cho trẻ, dụng cụ ăn, uống cho mẹ và bé, băng vệ sinh, giỏ đựng đồ, phích nước nóng, chậu, khăn, bàn chải đánh răng…

Tập luyện nhẹ nhàng

Để giải tỏa căng thẳng và cơ thể thoải mái hơn, giúp việc sinh nở được thuận lợi, mẹ bầu 40 tuần nên tập thể dục nhẹ nhàng bằng cách đi bộ chậm rãi; Thực hiện những bài tập nhẹ có sự tư vấn của bác sĩ sẽ tốt cho việc sinh hơn là ngồi một chỗ không vận động.

Lời khuyên dành cho bố

Phụ nữ mang thai rất cần sự quan tâm, chia sẻ từ người thân. Bố có thể giúp mẹ giảm bớt lo âu và sự mệt mỏi của cơ thể bằng những cách sau:

  • Cố gắng bên mẹ nhiều nhất có thể để sẵn sàng đưa thai phụ đến viện ngay khi có dấu hiệu chuyển dạ.

  • Hãy lắng nghe, chia sẻ để giúp giảm stress cho mẹ bầu.

  • Mát xa nhẹ nhàng cơ thể mẹ.

  • Đọc thêm tài liệu về chăm sóc trẻ sơ sinh và sản phụ.

  • Cùng mẹ thai giáo bằng cách cho bé nghe những bài hát, câu chuyện ngắn ngay từ khi còn trong bụng mẹ. 

Nếu bạn chưa biết tìm nguồn nào để hỗ trợ cho quá trình thai giáo, hãy tham khảo phần mềm VMonkey có các bài hát, câu chuyện bằng tiếng Việt và Monkey Stories có bài hát, câu chuyện bằng tiếng Anh.

Các phần mềm tại Monkey hỗ trợ bố mẹ trong quá trình thai giáo. (Ảnh: Monkey)

Những thay đổi trên cơ thể mẹ bầu tuần 40 làm mẹ khá mệt mỏi, nhưng vì con yêu, các mẹ hãy cố gắng, bình tĩnh, tìm đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra và chuẩn bị tốt nhất cho việc sinh nở. Chúc mẹ vượt cạn thành công!

40 Weeks Pregnant - Truy cập ngày 4/06/2022

https://www.babycenter.com/pregnancy/week-by-week/40-weeks-pregnant

40 Weeks Pregnant - Truy cập ngày 4/06/2022

https://www.whattoexpect.com/pregnancy/week-by-week/week-40.aspx

40 Weeks Pregnant: Your Baby, Your Body, and More - Truy cập ngày 4/06/2022

https://www.healthline.com/health/pregnancy/40-weeks-pregnant

Thúy Anh
Thúy Anh

Với kinh nghiệm 3 năm viết bài đa lĩnh vực và thực hành nuôi dạy con thông qua ứng dụng Monkey hàng ngày. Tôi mong muốn chia sẻ những kiến thức dạy trẻ tốt nhất cho các phụ huynh đang đọc bài viết của mình

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey