Trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thường chưa xác định được rõ ràng các cảm xúc của mình. Việc dạy trẻ nhận biết các cảm xúc vô cùng quan trọng giúp trẻ có thể hiểu được cảm xúc của cá nhân và hiểu được cảm xúc của người khác từ đó có cách cư xử phù hợp hơn. Những phương pháp dạy trẻ nhận biết cảm xúc dưới đây sẽ giúp ích cho cha mẹ rất nhiều.
Gọi tên cảm xúc của trẻ thông qua sự quan tâm
Dạy con cách phân biệt các cảm xúc bằng cách gọi tên chúng và tỏ ra đồng cảm với những cảm nhận của con ngay từ khi còn sớm. Có thể sử dụng những câu hỏi như:
-
“Con đang lạnh đúng không”
-
“Con cười gì mà vui thế”
-
“Sao con lại khóc? Con đang buồn gì à? Lại đây mẹ ôm con nào.”
-
“Con đang giận bạn à? Bạn tranh đồ chơi của con nên con không vui đúng không?”
Tương tự cha mẹ có thể thể hiện sự đồng cảm thông qua việc thay trẻ nói chuyện với người khác như:
-
“Con rất thích bộ váy mới này dì Hà ạ. Con cảm ơn gì nhé”
-
“Bố đang cảm thấy không vui vì con không nghe lời bố đấy!”
Bằng cách gọi tên các cảm xúc này, trẻ sẽ nhận biết được những cảm xúc ngay từ khi còn nhỏ. Ở độ tuổi 0 - 3 tuổi những nhận thức của trẻ còn hạn chế bởi trẻ mới học được một vài từ ít ỏi. Đa phần trẻ sẽ học một cách thụ động thông qua những biểu hiện, cử chỉ, hành vi của người lớn. Trẻ nhỏ cần mất khoảng 6 tháng để có thể học được và ghi nhớ các từ vựng từ khi được tiếp cận nó vì thế cha mẹ nên thường xuyên sử dụng các từ ngữ chỉ cảm xúc với trẻ ngay từ sớm có thể.
Cùng con chơi trò chơi gọi tên cảm xúc
Dạy con cách phân biệt cảm xúc thông qua các trò chơi sẽ khiến con dễ tiếp thu và học một cách vui vẻ hơn. Cùng con tham gia trò chơi gọi tên các cảm xúc bằng cách sử dụng các biểu cảm của gương mặt để diễn tả, sau đó gọi tên của cảm xúc đó. Trẻ nhỏ luôn thích vui chơi, vì thế phương pháp này mang lại hiệu quả khá tốt và giúp trẻ có được nhiều kiến thức hơn.
Khi trẻ bắt đầu lên 2 có thể dạy con bằng cách làm này bởi khi này trẻ đã có thể dùng ngôn ngữ để diễn tả chúng. Cha mẹ có thể đổi vai cho bé để bé có thể miêu tả những cảm xúc qua biểu cảm gương mặt của mình. Vừa học vừa chơi giúp con khám phá được nhiều điều thú vị lại vừa gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.
Dạy con nhận biết cảm xúc qua bài hát
Một phương pháp dạy trẻ nhận biết cảm xúc khá thú vị và hiệu quả đó chính là học cách phân biệt cảm xúc qua bài hát. Cha mẹ có thể cùng con xem các video bài hát và thực hiện theo các động tác theo lời của bài hát.
Một bài hát có giai điệu vui tươi rất được nhiều trẻ em yêu thích đó là “If you happy”. Bài hát này cũng có rất nhiều phiên bản biến tấu khác nhau và dạy cho con được cách biểu thị được nhiều cảm xúc khác nhau.
Dùng câu chuyện để miêu tả lại các cảm xúc của con
Cha mẹ có thể miêu tả lại cảm xúc sau một ngày bằng những câu chuyện sau khi bé đã cân bằng lại cảm xúc của mình, ví dụ như:
“Hôm nay con không vui khi tưởng rằng bạn Nam giành đồ chơi của con đúng không? Thật ra là bạn chỉ mượn chơi một lúc thôi sau đó bạn sẽ tả lại cho con mà. Lúc con đánh bạn mẹ rất không hài lòng mẹ có nói là “Con không được phép đánh bạn” đúng không nào? Mẹ biết là con khóc vì tức giận và buồn nhưng việc đó là sai, bạn Nam không cố ý mà chỉ mượn chơi một lúc thôi. Sau đó bạn cũng rất buồn và khóc, chắc hẳn bây giờ ở nhà bạn cũng đang buồn lắm. Nếu lần sau con cảm thấy không hài lòng thì có thể nói với bạn rằng ”đó là món đồ chơi yêu thích của tớ nên tớ chỉ cho cậu mượn một lát thôi nhé” như vậy cả con cùng bạn có thể chơi vui vẻ với nhau rồi đúng không nào?
Hãy ôm con vào lòng rồi kể lại những câu chuyện thường ngày xung quanh cuộc sống của bé để bé cảm nhận được những cảm xúc của mình rõ ràng hơn. Có được sự đồng cảm của cha mẹ, bé sẽ nhận ra rằng mình làm như vậy đã đúng hay chưa và học được cách cư xử khéo léo và phù hợp hơn trong những lần giao tiếp khác.
Xem thêm: 10 cách dạy trẻ bớt nóng tính giúp trẻ tiết chế cảm xúc của mình
Phân biệt cảm xúc của người khác đặt câu hỏi cho con
Thường xuyên đặt những câu hỏi về cảm xúc của trẻ sẽ giúp hiểu rõ được những cảm xúc của trẻ, giúp trẻ đồng cảm với người khác và có tính cách tốt hơn. Có thể đặt cho bé các câu hỏi để bé hiểu được cảm xúc của người khác chẳng hạn:
Sao em bé lại khóc nhỉ? Không biết là em đang muốn gì? Bé sẽ có thể nhận ra rằng em bé có thể đang bị đói, muốn được đi chơi hay muốn được mọi người bế ẵm,...
Ngoài ra, có thể đặt cho bé những câu hỏi về cảm xúc của người khác để có thể khơi gợi sự quan tâm và trí tò mò của trẻ:
-
“Mẹ thấy bà hơi buồn đó…Hình như hôm nay bà đang nhớ ông phải không con”
-
“Em bé kia khóc to con nhỉ? Chắc là em đang tìm mẹ đấy”
-
“Con xem 2 bạn kia chơi vui không kìa. Các bạn cười vui thật đấy”
Chỉ cần với những câu hỏi đơn giản mà gần gũi bé sẽ cảm nhận được các cảm xúc khác nhau của chính mình và mọi người xung quanh. Từ đó có thể bộc lộ cảm xúc một cách chính xác và cư xử khéo léo hơn.
Dạy trẻ nhận biết cảm xúc vô cùng quan trọng giúp con rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, cư xử khéo léo và được nhiều người yêu mến hơn.
Why Teaching Children to Identify Emotions is Important- Ngày truy cập: 31/07/2022
https://thinkpsych.com/blog/teach-children-to-identify-emotions/
5 Ways to Help Children Identify and Express their Emotions- Ngày truy cập: 31/07/2022
https://www.mindchamps.org/blog/help-children-identify-express-emotions/