Ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú khiến mẹ bị khó chịu ngay cả khi thức và ngủ. Vậy có những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngứa này? Mẹ nên làm thế nào để xử lý và phòng tránh hiện tượng ngứa xung quanh vùng nhũ hoa khi cho con bú? Các mẹ hãy theo dõi những thông tin dưới đây để biết ngay đáp án nhé.
Ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú có ảnh hưởng đến trẻ không?
Khi bị ngứa xung quanh nhũ hoa mẹ vẫn có thể cho con bú và không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến trẻ cả. Vì vậy, mẹ hãy cứ duy trì tần suất cho bé bú như những ngày thường để đảm bảo bé có đủ sữa để phát triển toàn diện. Bởi khi cho bé bú đều sẽ giúp ngăn ngừa sự tích tụ sữa và căng sữa làm giảm cảm giác ngứa khá tốt.
Nguyên nhân ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú
Ngứa xung quanh nhũ hoa là hiện tượng bệnh về da không quá nghiêm trọng nhưng vẫn có một số dấu hiệu ngứa núm vú đáng lo ngại. Theo các bác sĩ, loại bệnh này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Dưới đây là 10 nguyên nhân phổ biến nhất gồm có:
Do áo ngực không phù hợp
Mặc áo ngực không đúng kích cỡ là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị ngứa xung quanh nhũ hoa. Bên cạnh đó, việc mặc áo ngực chật suốt thời gian dài trong ngày cũng sẽ khiến mẹ gặp tình trạng viêm nhiễm tuyến vú.
Thời tiết hanh khô khiến ngứa núm vú
Thời tiết hanh khô khiến cho da dễ bị nứt nẻ, đàn hồi kém do da không tiết đủ lượng mồ hôi và acid hữu cơ. Lúc này là điều kiện vô cùng thuận lợi để vi khuẩn, nấm, bụi bẩn bám và xâm nhập vào da gây ngứa nhũ hoa.
Mẹ vệ sinh núm vú không sạch sẽ
Vệ sinh núm vú không đúng cách cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhũ hoa bị ngứa, đau, rát và bong tróc. Bởi sau khi cho con bú núm vú sẽ còn đọng lại sữa thừa nếu không vệ sinh sẽ khiến cho cặn bẩn dễ tích tụ. Đồng thời, núm vú cũng sẽ bị vi khuẩn xâm nhập gây ngứa, viêm nhiễm tuyến vú.
Do rạn nứt da sau sinh
Trong giai đoạn cho con bú, ngực mẹ sẽ có dấu hiệu căng đầy khiến vùng da xung quanh nhũ hoa giãn nở nhanh chóng. Dần dần bầu ngực của mẹ sẽ hình thành các vết rạn da gây ngứa xung quanh nhũ hoa.
Viêm da tiếp xúc
Viêm da tiếp xúc là hiện tượng da bị đau, kết vảy và ngứa xung quanh vùng nhũ hoa. Nguyên nhân gây ra thường là do nhũ hoa của mẹ tiếp xúc với các loại chất gây kích thích như xà phòng giặt đồ, sữa tắm, chất tẩy rửa, nước hoa, sợi len áo lót, sợi nhân tạo,... Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp mẹ bị viêm da do núm vú thường xuyên tiếp xúc với nước bọt của trẻ.
Viêm tuyến vú
Viêm tuyến vú là tình trạng viêm và đau ở mô sâu bên trong vú, thường do vi khuẩn gây ra. Tình trạng bệnh này có thể xuất hiện đột ngột nhưng chủ yếu là trong những tuần đầu cho con bú. Viêm tuyến vú có thể gây cảm giác ngứa và đau trên cả da và sâu bên trong mô vú. Về lâu dài, căn bệnh này có thể làm mẹ bị áp xe vú, nhiễm trùng huyết thậm chí là tử vong.
Núm vú bị nứt
Núm vú bị nứt là hiện tượng chân núm vú bị nứt gây đỏ tấy, khiến mẹ cảm thấy bị đau đớn mỗi khi cho con bú. Có một số trường hợp, phần núm vú bị nứt ở mức độ nặng co thể gây ra tình trạng chảy máu hoặc mưng mủ. Nguyên nhân gây là do mẹ cho bé bú sai cách, bé bị tưa lưỡi, đầu ti bị kích ứng với chất kích thích, đầu ti ma sát nhiều với quần áo,... Bên cạnh cơn đau rát khi bị nứt núm vú nhiều mẹ còn có cảm giác ngứa ngáy khó chịu xung quanh nhũ hoa.
Do bệnh chàm da
Chàm là một căn bệnh về da thường gặp ở phụ nữ cho con bú, đặc biệt là người từng bị viêm da dị ứng. Chàm da có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể mẹ, bao gồm cả vú và nhũ hoa. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do nhũ hoa ma sát nhiều với quần áo, bị kích ứng với nước, xà phòng và một số loại chất tẩy rửa thông thường khác.
Các triệu chứng của bệnh chàm da ở nhũ hoa bao gồm:
-
Ngứa, rát và đau
-
Nổi mụn quanh quầng vú và núm vú
-
Núm vú bị tổn thương kèm chảy dịch
-
Nhũ hoa bị khô, bong tróc, nứt nẻ
Rối loạn kinh nguyệt khi cho con bú: Nguyên nhân và cách khắc phục
Cách cho con bú đúng khớp ngậm với 4 bước cơ bản
[Giải đáp] Mẹ bị sốt có cho con bú được không? Lợi hại thế nào?
Núm vú bị nhiễm nấm Candida
Tình trạng núm vú bị nhiễm nấm men Candida là nguyên nhân cuối cùng và cũng khá phổ biến khiến mẹ bị ngứa ngáy. Khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ phát triển nhanh chóng và gây ra tình trạng nấm da. Theo các bác sĩ thì đây là một loại nấm vô hại, thường sống ký sinh ở nhiều vị trí trên cơ thể. Trong đó núm vú là nơi dễ bị nấm nhất bởi đây là bộ phận luôn tiết ra sữa để cho con bú nên rất hay ẩm ướt. Khi mẹ bị nấm Candida sẽ cảm thấy ngứa ngáy, nóng rát núm vú, xuất hiện quầng vú.
Do bệnh ung thư vú dạng viêm
Ngứa xung quanh vùng nhũ hoa khi cho con bú có thể là triệu chứng của bệnh ung thư vú dạng viêm. Triệu chứng của loại bệnh này khá giống với chứng viêm da dị ứng như:
-
Da bầu ngực ửng đỏ
-
Xuất hiện khối u ở tuyến vú
-
Núm vú thụt vào trong
-
Tiết dịch từ núm vú
-
Da ở núm vú và bầu vú thay đổi
Bên cạnh đó, cảm giác ngứa và nóng ở vùng ngực cũng có thể là dấu hiệu ung thư vú. Do đó, nếu xuất hiện triệu chứng bất thường thì cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và đánh giá.
Cách xử lý ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú
Một số biện pháp giúp giảm tình trạng ngứa xung quanh vùng nhũ hoa khi cho con bú hiệu quả có thể áp dụng ngay tại nhà bao gồm:
Chế độ sinh hoạt
-
Vệ sinh: Trong giai đoạn cho con bú để tránh cho sữa rò rỉ, ngăn vi khuẩn tấn công mẹ nên để một miếng đệm giữa ngực và áo lót. Tiếp theo, mẹ nên thay áo ngực mỗi ngày để tránh làm cho núm vú không bị nấm. Sau mỗi lần cho bé ti xong mẹ nên dùng khăn mềm thấm nước ấm lau sạch đầu vú. Đồng thời, để giảm ngứa xung quanh nhũ hoa mẹ nên tắm bằng nước ấm 10 phút mỗi ngày để cải thiện tình trạng khô da.
-
Ăn uống: Chế độ dinh dưỡng hợp lý có tác dụng giúp chấm dứt tình trạng nứt đầu nhũ hoa. Trong các bữa ăn hàng ngày mẹ nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin C trong rau, củ, quả và hạn chế ăn thực phẩm cay, nóng. Đồng thời, mẹ cũng nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để ngăn tình trạng cơ thể bị thiếu nước gây khô da.
-
Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ góp phần giúp mẹ có một sức khỏe tốt, giảm thiểu cảm giác ngứa và ngăn ngừa các bệnh về tuyến vú hiệu quả.
-
Chăm sóc: Muốn bầu ngực của mẹ được khỏe mạnh, không bị ngứa khi cho con bú mẹ nên cần chú ý chăm sóc da vùng ngực. Cụ thể, mẹ có thể sử các loại nguyên liệu dưỡng da tự nhiên như dầu dừa, nha đam, mật ong,... để cấp ẩm, ngừa khô da
Sử dụng thuốc (an toàn cho phụ nữ cho con bú)
-
Thuốc uống: Sử dụng thuốc uống cũng là một cách giúp mẹ giảm tình trạng ngứa xung quanh nhũ hoa khá tốt, Tuy nhiên, chỉ nên uống các loại thuốc được bác sĩ kê để đảm bảo an toàn khi đang cho con bú.
-
Thuốc bôi ngoài da: Nếu mẹ bị chàm bác sĩ sẽ kê cho mẹ các loại kem và thuốc bôi có tác dụng làm dịu tình trạng bệnh. Đồng thời, nếu mẹ bị khô nứt da thì có thể dùng thêm các loại kem dưỡng có thành phần tự nhiên để dưỡng ẩm.
Xem thêm: Phụ nữ cho con bú uống Panadol được không? Có gây mất sữa không?
Khám bác sĩ
Mẹ nên đến tìm gặp bác sĩ nhanh chóng khi phát hiện ngực có các triệu chứng bất thường như sau:
-
Ngứa làm cản trở việc cho con bú của mẹ
-
Mẹ bị đau ngực dữ dội kèm theo ngứa ngáy
-
Có máu, chất lỏng màu vàng chảy ra từ núm vú
-
Mẹ cảm thấy có một cục cứng trên vú
-
Ngực bị thay đổi hình dạng, đầu vú cực kỳ ngứa, tấy đỏ
-
Sốt trên 38 độ C
Ngăn ngừa tình trạng ngứa núm vú khi cho con bú
-
Vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần cho ti: Mẹ nên dùng khăn mềm nhúng với nước ấm lau sạch vú sau mỗi lần cho con bú. Việc làm này sẽ giúp loại bỏ nước bọt của trẻ và sữa mẹ còn đọng lại trên đầu nhũ hoa để tránh bị nhiễm khuẩn.
-
Chọn áo lót phù hợp: Áo ngực bó sát có thể gây tình trạng bí bách và kích ứng da nếu mẹ bị chàm. Vì vậy, mẹ hãy chọn cho mình những bộ quần áo rộng rãi và thoải mái. Những chiếc áo lót được làm từ cotton sẽ rất phù hợp cho mẹ vì nó thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt.
-
Dưỡng ẩm: Những mẹ có làn da dễ bị khô, bong tróc khi thời tiết trở nên hanh khô thì nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm. Mẹ hãy tìm những sản phẩm dưỡng ẩm ngực dịu nhẹ, không chứa mùi hương để ngăn ngừa tình trạng ngứa núm vú. Khi đó những sản phẩm làm từ dầu dừa hoặc dầu oliu sẽ là lựa chọn tốt nhất vì chúng rất lành tính và dưỡng ẩm khá tốt. Lưu ý, mẹ nên sử dụng kem dưỡng vào thời điểm bú cuối trong ngày và mẹ hãy vệ sinh sạch sẽ ngực trước khi cho bé bú tiếp.
Những chia sẻ trên đây chắc hẳn đã giúp mẹ hiểu rõ triệu chứng ngứa xung quanh nhũ hoa khi cho con bú là do đâu. Đồng thời, Monkey còn chia sẻ thêm cho mẹ cách điều trị và phòng tránh hiệu quả, an toàn để mẹ có thể áp dụng. Chúc mẹ có một sức khỏe tốt, vững vàng tinh thần để có một hành trình làm mẹ thật ý nghĩa và trọn vẹn bên bé yêu.
Itchy Nipples and Breast-Feeding: Treating Thrush - Truy cập ngày 18/8/2022
https://www.healthline.com/health/parenting/itchy-nipples-while-breastfeeding
What causes itchy nipples while breastfeeding? - Truy cập ngày 18/8/2022
https://www.medicalnewstoday.com/articles/322955