Trầm cảm là bệnh cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe của người mắc, đặc biệt với mẹ sau sinh. Rất khó để chúng ta xác định được đâu là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Vì vậy, để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, các mẹ hãy tham khảo bài viết sau nhé.
Trầm cảm sau sinh như thế nào?
Trầm cảm sau sinh được biết tới là một bệnh liên quan đến vấn đề tâm lý ở phụ nữ. Nó thường xảy ra sau khi phụ nữ sinh con từ 3 đến 4 tuần, và trở nặng trong khoảng 2 đến 3 tháng nếu không được điều trị đúng cách. Đây là một trong những hội chứng tâm lý cực kỳ nguy hại tới sức khỏe của người bệnh.
Ngày nay, tỷ lệ phụ nữ mắc trầm cảm sau khi sinh em bé đang ở mức cao đáng báo động. Vì thế, việc tìm hiểu kỹ lưỡng những thông tin liên quan đến bệnh lý này là cực kỳ cần thiết.
Dấu hiệu mẹ sau sinh mắc bệnh trầm cảm
Có rất nhiều triệu chứng cho thấy mẹ bị trầm cảm sau khi có em bé. Chúng ta có thể tóm gọn trong những dấu hiệu sau:
-
Tinh thần mệt mỏi, uể oải kéo dài.
-
Thường xuyên mất ngủ ngay cả khi con ngủ, không nghỉ ngơi đầy đủ.
-
Xuất hiện tình trạng chán ăn, ăn kém, thậm chí nôn mửa sau khi ăn.
-
Suy nghĩ rời rạc, thiếu liên kết.
-
Cảm xúc thường xuyên thay đổi, rối loạn.
-
Ngại giao tiếp, nói chuyện, chia sẻ với những người thân xung quanh.
-
Thường xuyên suy diễn, xuất hiện suy nghĩ tiêu cực.
-
Có ý định làm hại mình, con và tự tử.
Xem thêm: Khủng hoảng sau sinh là dấu hiệu của bệnh trầm cảm
Top 5+ nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm sau sinh
Vì sao mẹ bị mắc chứng trầm cảm sau sinh? Trên thực tế, rất khó để có thể khẳng định đâu là nguyên nhân chính xác dẫn đến việc trầm cảm ở phụ nữ. Bởi đây là một bệnh về tâm lý, trong khi mỗi người sẽ có những suy nghĩ, cách nhìn khác nhau.
Sau khi nghiên cứu ý kiến từ các chuyên gia tâm lý, chúng ta có thể tóm gọn lại qua 5 lý do sau đây:
Sự thay đổi nội tiết tố của phụ nữ
Từ thời điểm mang thai cho đến sau khi sinh, cơ thể phụ nữ phải đối mặt với một vấn đề chính là thay đổi hormone bên trong. Đặc biệt, tại thời điểm ngay sau khi sinh, nồng độ hormone estrogen trong cơ thể mẹ thường giảm đột ngột. Điều này gây ra trạng thái mất cân bằng nội tiết tố một cách bất ngờ, khiến mẹ khó thích nghi.
Điều này chính là nguyên nhân chính gây ra sự căng thẳng, thay đổi tâm lý ở phụ nữ sau sinh. Nó giống với việc thay đổi tâm trạng của mẹ xảy ra trước và trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, nhưng với mức độ lớn hơn rất nhiều.
Sức khỏe suy giảm
Sau khi sinh, phụ nữ thường phải đối mặt với vấn đề sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Một số bệnh lý mẹ sau sinh có thể mắc phải gồm có: đau lưng, rụng tóc, táo bón,... Ngoài ra còn có một số căn bệnh hậu sản gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe như: băng huyết, nhiễm trùng, tiểu đường,...
Vì thế, sau khi sinh, phụ nữ thường phải mất vài tháng cho việc hồi phục sức khỏe. Điều này tạo ra sự mệt mỏi và suy nhược tinh thần, khiến tâm lý dễ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Áp lực khi trở thành mẹ
Bất kỳ người phụ nữ nào cũng muốn trở thành một người mẹ tốt, nhưng sự thật là không có ai sinh ra đã trở thành mẹ. Họ cần thời gian làm quen, học tập và rèn luyện để có thể đảm nhiệm tốt vai trò của mình.
Áp lực khi trở thành mẹ khiến người phụ nữ thường xuyên rơi vào trạng thái lo lắng. Sự lo lắng này giống như một “con dao hai lưỡi”, khiến tâm lý của mẹ ngày càng bồn chồn, hoang mang.
Thiếu quan tâm từ chồng và người xung quanh
Sự quan tâm từ người bạn đời tác động rất lớn đến cảm xúc của người vợ. Người phụ nữ sẽ trở nên rực rỡ, xinh đẹp và tươi vui khi được chìm đắm trong tình yêu và sự quan tâm của người đàn ông. Ngược lại, khi người chồng hời hợt, bỏ bê, không quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của người vợ sẽ khiến tâm lý họ ngày càng sa sút và tiêu cực.
Chính vì vậy, có thể khẳng định, người chồng vừa là một nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh ở vợ. Nhưng đồng thời, người chồng cũng là một “liều thuốc giải” cực kỳ hiệu quả giúp vợ vượt qua căn bệnh này. Vậy nên, những người chồng hãy dành thật nhiều sự quan tâm tới người bạn đời của mình nhé.
Áp lực kinh tế, tiền bạc
Gánh nặng kinh tế, tiền bạc cũng là một yếu tố khiến người phụ nữ rơi vào trạng thái trầm cảm. Nếu sau khi sinh, người mẹ vừa phải chăm sóc con, vun vén gia đình, vừa phải lo nghĩ tới vấn đề kinh tế sẽ sinh ra tình trạng stress. Và tất nhiên, nó cũng là một lý do khiến tình trạng trầm cảm ở phụ nữ ngày càng gia tăng.
Vì thế, các bậc cha mẹ hãy chuẩn bị thật tốt nền tảng kinh tế, kiến thức trước khi có con nhé. Điều này vừa đảm bảo đời sống vật chất cho cả gia đình, vừa đảm bảo tốt cho sức khỏe của mẹ và bé sau sinh.
Phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả
Trầm cảm sau sinh sẽ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ và bé. Chính vì vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu cảnh báo bệnh, cần thực hiện ngay một số biện pháp điều trị cơ bản để ngăn chặn kịp thời. Mẹ hãy tham khảo một số cách giúp điều trị trầm cảm sau sinh dưới đây nhé.
Điều trị tại nhà
Điều trị trầm cảm sau sinh tại nhà phù hợp cho những mẹ đang mắc trầm cảm ở giai đoạn “mới chớm”. Khi này, các mẹ thường xuyến hiện các dấu hiệu như mệt mỏi, uể oải và bắt đầu chán ăn. Vì thế, mẹ hãy áp dụng ngay một số phương pháp sau để sớm chấm dứt tình trạng này nhé.
-
Rèn luyện sức khỏe: Thông qua việc tập thể dục, yoga, bơi lội, đi bộ, thiền,... mẹ sẽ ổn định được tinh thần và suy nghĩ của bản thân. Đồng thời, khi vận động đều đặn, cơ thể mẹ cũng sẽ được giải phóng và thư giãn hơn. Nhờ đó, mẹ sẽ có thể ngủ ngon và ăn ngon miệng hơn. Tần suất vận động tốt nhất dành cho mẹ mới sinh là từ 15 đến 30 phút mỗi ngày, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe. Nếu sức khỏe tốt, hồi phục nhanh, mẹ có thể cân nhắc tăng thời gian tập luyện.
-
Dinh dưỡng lành mạnh: Trong giai đoạn này, mẹ cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng và giúp giảm căng thẳng. Những thực phẩm tốt cho sức khỏe của mẹ sau sinh thường thuộc nhóm giàu protein, vitamin, acid amin và khoáng chất. Đồng thời, mẹ cần kiêng tuyệt đối những thực phẩm chứa chất kích thích cafein, nicotin như cà phê, bia rượu.
-
Nghỉ ngơi đầy đủ: Mẹ sau sinh thường rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài do thường xuyên phải thức đêm. Vì vậy, để tránh làm cho cơ thể bị mệt mỏi, mẹ cần có kế hoạch ngủ bù vào thời gian con ngủ. Đối với mẹ sau sinh, một ngày nên nghỉ ngơi, ngủ đủ từ 8 đến 10h để sức khỏe nhanh hồi phục.
Xem thêm: 5 cách điều trị tâm lý sau sinh hiệu quả
Điều trị tâm lý
Với những mẹ đang ở giai đoạn giữa của hội chứng trầm cảm thường lựa chọn phương pháp điều trị tâm lý. Khi điều trị bằng phương pháp này, mẹ sẽ tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tại các bệnh viện, cơ sở tâm lý.
Khi đến đây, mẹ sẽ được thăm khám và tư vấn điều trị theo một phác đồ chuyên nghiệp, bài bản. Nhờ đó, thời gian khỏi bệnh của mẹ cũng sẽ được tối ưu và rút ngắn hơn. Và mẹ hãy kết hợp đồng thời các phương pháp điều trị tại nhà để tình hình sức khỏe luôn tốt nhất nhé.
Điều trị dùng thuốc
Thông thường, những bệnh nhân có mức độ bệnh nặng, nguy hiểm sẽ được áp dụng phương pháp điều trị bằng thuốc.
Đầu tiên, mẹ sẽ đến thăm khám và chẩn đoán tại các bệnh viện, trung tâm điều trị tâm lý. Qua đó, bác sĩ sẽ có kết luận chính xác về tình hình bệnh lý hiện tại. Sau đó, người bệnh sẽ được kê đơn thuốc điều trị tại nhà.
Các loại thuốc điều trị trầm cảm đa phần đều có tính an thần và tác dụng phụ lớn. Vì vậy, mẹ cần tuân thủ tuyệt đối theo lộ trình và liều lượng bác sĩ đã kê. Và nếu mẹ có phản ứng mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, hãy dừng ngay việc uống và tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé.
Xem thêm: Top 5+ phương pháp điều trị tâm lý sau sinh hiệu quả nhất
Qua bài viết này, mẹ đã nắm rõ những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh rồi phải không. Monkey mong rằng, những thông tin này sẽ thực sự hữu ích với mẹ và những người thân xung quanh. Đồng thời, nó cũng sẽ là lời cảnh tỉnh cho những ai còn đang hời hợt về sức khỏe tâm lý của chính mình. Mẹ hãy nhớ tuyệt đối không nên chủ quan, hãy lắng nghe sự thay đổi của cơ thể từ những điều nhỏ nhất. Nhờ đó, mẹ sẽ bảo vệ được một cơ thể luôn khỏe mạnh trước những nguy cơ bệnh tật.
Hãy tham khảo chuyên mục Tâm lý sau sinh để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về sức khỏe tâm lý mẹ sau sinh nhé.