Bên cạnh những kiểu ăn dặm mới thì ăn dặm kiểu truyền thống vẫn được nhiều mẹ tin tưởng và áp dụng. Với phương pháp này, bé vẫn có thể hấp thụ đủ dinh dưỡng và tập ăn thô dần theo từng giai đoạn. Vậy trước khi hướng con theo ăn dặm truyền thống mẹ cần trang bị những kiến thức gì? Monkey sẽ bật mí ngay cho các mẹ trong bài viết dưới đây.
Ăn dặm kiểu truyền thống là gì?
Ăn dặm truyền thống là 1 trong 3 phương pháp ăn dặm phổ biến tại Việt Nam cùng với ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm tự chỉ huy (BLW). Trong đó phương pháp ăn dặm này “thuần” Việt và xuất hiện sớm nhất, cũng được nhiều mẹ bỉm áp dụng nhất.
Khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm (từ 6 tháng tuổi) trước hết mẹ sẽ cho bé ăn bột kết hợp với rau củ, thịt cá xay nhuyễn để bé làm quen với thức ăn mới thay vì sữa mẹ. Sau đó các mốc ăn thô như chuyển sang cháo xay, cháo hạt, cơm nát, cơm sẽ được thay đổi theo thời gian con lớn dần.
Ưu nhược điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống
Mỗi phương pháp ăn dặm sẽ có những ưu nhược điểm riêng, và việc cho bé ăn dặm truyền thống cũng như vậy.
Ưu điểm:
-
Tăng cân tốt do bé có thể hấp thụ đầy đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu.
-
Đơn giản và dễ chuẩn bị món ăn, phù hợp ba mẹ bận rộn. Mẹ chỉ cần sử dụng nồi cháo chậm và sơ chế sẵn các nguyên liệu là đã có thể chuẩn bị ngay những món ăn ngon cho bé.
-
Thức ăn được xay nhuyễn nên không gây hại cho hệ tiêu hoá và đường ruột.
-
Phù hợp với tâm lý gia đình Việt.
Nhược điểm
-
Cháo, bột xay nhuyễn khiến bé không phải sử dụng đến răng lợi. Về lâu dài sẽ làm mất kỹ năng nhai để ăn thức ăn thô.
-
Các nguyên liệu trong ăn dặm truyền thống thường được xay nhuyễn và trộn chung với nhau. Vì thế khi ăn bé không cảm nhận được mùi vị. Khi lớn hơn con dễ rơi vào tình trạng biếng ăn.
Cách tập cho bé ăn dặm truyền thống theo từng giai đoạn
Giai đoạn bé làm quen với thức ăn
Khoảng 3 – 4 tuần giai đoạn đầu ăn dặm các mẹ nên nấu chín thực phẩm, sau đó xay hoặc nghiền nhuyễn và lọc qua rây để được hỗn hợp sánh mịn. Nên ưu tiên các loại bột ăn dặm, rau củ quả như khoai lang, rau cải, rau bina, chuối, táo, bơ… để con làm quen với nguồn thực phẩm mới ngoài sữa mẹ.
Sữa ở giai đoạn này vẫn là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính cho bé. Vì thế mỗi ngày mẹ chỉ nên cho bé ăn dặm 1 lần với liều lượng từ 70 – 100ml thôi nhé.
Giai đoạn bé 7-9 tháng
Thời điểm 7 – 9 tháng ngoài rau củ quả, mẹ có thể cho bé ăn thêm thịt cá để bổ sung đạm và chất béo cho cơ thể. Một số món ăn ngon để mẹ chuẩn bị cho bé đó là: cháo cua đồng, cháo thịt lợn rau ngót, cháo cá hồi cà rốt, cháo lươn…
Về số lượng, mẹ có thể cho bé ăn 2 bữa cháo/ngày hoặc xen kẽ 1 bữa cháo, 2 bữa bột/ngày. Giai đoạn này bé có thể mọc răng gây sốt, khó chịu không muốn ăn. Vì thế liều lượng ăn dặm mẹ nên tôn trọng bé, không ép ăn quá nhiều.
Giai đoạn 9-12 tháng
Đây là thời điểm vàng để bé tập nhai, vì thế mẹ hãy chuyển từ bột ăn dặm, cháo xay thành cháo hạt hoặc cơm nát để con học cách nhai nuốt thức ăn thô. Thức ăn có thể băm nhỏ hoặc xay nhuyễn tuỳ khả năng ăn thô của con đến đâu. Mỗi ngày ăn từ 2 – 3 bữa và có thể ngồi ăn chung với gia đình.
Giai đoạn trên 1 tuổi
Trên 1 tuổi nếu được tăng thô đúng thời điểm và đúng cách, bé đã có thể ăn hầu hết các loại thực phẩm như người lớn. Lúc này, mẹ cho bé ăn 3 bữa/ngày, ăn cơm nát hoặc cơm hạt cùng thức ăn băm nhỏ với hàm lượng tuỳ ý con có thể dung nạp.
Nguyên tắc áp dụng ăn dặm truyền thống
Ăn dặm truyền thống cho bé chưa bao giờ là điều dễ dàng với các mẹ bỉm, đặc biệt là những phụ huynh lần đầu lên chức. Để ăn dặm truyền thống đúng cách mẹ cần áp dụng những nguyên tắc dưới đây:
Số bữa ăn trong ngày
Rất nhiều hướng dẫn ăn dặm truyền thống trên các trang mạng xã hội đề cập chi tiết đến vấn đề này. Dưới đây là lịch tham khảo gợi ý cho các mẹ
- Giai đoạn từ 6 – 7 tháng: Mỗi ngày chỉ nên cho ăn 1 bữa để bé làm quen với thức ăn.
- Giai đoạn 7 – 10 tháng: Mỗi ngày ăn từ 2 – 3 bữa (2 bữa chính, 1 bữa phụ) đồng thời rèn luyện kỹ năng nhai cho bé.
- Giai đoạn 10 – 12 tháng: Mỗi ngày ăn từ 3 – 4 bữa (3 bữa chính, 1 bữa phụ), tăng thô dần theo khả năng của con.
- Từ 1 tuổi trở lên: Mỗi ngày ăn từ 5 bữa (3 bữa chính, 2 bữa phụ), bé có thể ngồi ăn cùng gia đình.
Hàm lượng sữa uống thay sữa mẹ
Dưới 1 tuổi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính để nuôi dưỡng cơ thể trẻ cao lớn. Vì thế mẹ không nên bắt ép bé ăn quá nhiều để tránh tình trạng biếng ăn về lâu dài. Trường hợp mẹ không đủ sữa hoặc phải đi làm có thể dặm thêm 500 – 700ml sữa/ngày cho bé hoặc tuỳ vào khả năng uống của con.
Ăn từ ngọt đến mặn
Khi mới bắt đầu ăn dặm nên cho bé ăn bột ngọt trước để bé cảm thấy quen thuộc như sữa mẹ. Sau khi đã làm quen thì dần chuyển sang bột ăn dặm vị mặn, các loại rau củ, thịt cá.
Tránh thực phẩm gây dị ứng
Mật ong, lòng trắng trứng gà, tôm, hải sản, đậu phộng… là những thực phẩm dễ gây dị ứng. Mẹ nên tránh cho bé ăn để đảm bảo về sức khỏe.
Một số món ăn dặm kiểu truyền thống cho bé
Cháo khoai lang thịt gà
Nguyên liệu cần chuẩn bị
-
Gạo tẻ: 50gr
-
Thịt gà: 30gr
-
Khoai lang: 1/3 củ
-
Dầu ăn
Cách thực hiện
-
Gạo tẻ xay mịn, cho vào nồi cùng nước ninh nhỏ lửa đến khi thành hỗn hợp bột sệt.
-
Thịt gà rửa sạch, thái lát mỏng băm nhỏ
-
Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch mang đi hấp chín, nghiền nhuyễn.
-
Cho bột gạo đã chín, khoai lang nghiền, thịt gà vào máy xay xay nhuyễn. Đổ ra nồi đun thêm 1 - 2 phút thì tắt bếp. Cho cháo ra bát, thêm 1 thìa dầu ăn rồi cho bé thưởng thức.
Cháo bí xanh
Nguyên liệu cần chuẩn bị
-
Bột gạo: 30gr
-
Bí xanh: 30gr
-
Dầu ăn
Cách thực hiện
-
Bột gạo cho vào nồi cùng nước ninh nhỏ lửa đến khi chín.
-
Bí xanh gọt vỏ, rửa sạch mang đi hấp chín, nghiền nhuyễn.
-
Cho bí xanh vào bột gạo đã chín đun thêm 1 – 2 phút và khuấy đều. Đổ cháo ra bát, thêm 1 thìa dầu ăn và cho bé ăn khi còn nóng.
Bơ dầm sữa
Nguyên liệu cần chuẩn bị
-
Bơ sáp chín: nửa quả
-
Sữa mẹ/sữa công thức: 30ml
Cách thực hiện
-
Bơ chín gọt vỏ, bỏ hạt rồi nghiền nhuyễn.
-
Trộn bơ nghiền chung với sữa để tạo thành hỗn hợp sệt cho bé ăn dặm.
Chuối sữa
Nguyên liệu cần chuẩn bị
-
Chuối chín: nửa quả
-
Sữa công thức/sữa mẹ: 20ml
Cách thực hiện
-
Chuối bóc vỏ, cho vào bát rồi nghiền nhuyễn.
-
Cho sữa mẹ vào chuối đã nghiền rồi trộn đều đến khi có độ sệt, cho bé thưởng thức.
Súp khoai tây
Nguyên liệu cần chuẩn bị
-
Khoai tây: nửa củ
-
Sữa mẹ/sữa công thức: 50ml
Cách thực hiện
-
Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt khúc, hấp chín khoai tây.
-
Sữa mẹ/sữa công thức cho vào nồi đun nhỏ lửa đến khi sôi lăn tăn thì tắt bếp.
-
Cho khoai tây và sữa vào máy xay xay nhuyễn. Múc ra bát để bé thưởng thức.
Cháo thịt gà nấm
Nguyên liệu cần chuẩn bị
-
Gạo tẻ: 50gr
-
Thịt ức gà: 30gr
-
Nấm hương: 2 cái
Cách thực hiện
-
Ức gà rửa sạch mang đi luộc chín thì vớt ra xay nhuyễn.
-
Gạo tẻ vo sạch, sau đó cho vào nồi cùng nước luộc gà ninh nhừ thành cháo.
-
Nấm hương ngâm nở mềm, sau đó rửa sạch và cắt bỏ chân nấm, xay nhuyễn.
-
Khi cháo đã chín cho thịt gà và nấm hương vào nấu thêm khoảng 5 – 7 phút thì tắt bếp, múc cháo ra bát.
Súp thịt bò bí
Nguyên liệu cần chuẩn bị
-
Thịt bò: 40gr
-
Bí đỏ: 30gr
-
Nước hầm xương
-
Bơ nhạt
-
Hành tây
Cách thực hiện
-
Thịt bò rửa sạch, thái miếng rồi mang đi xay nhuyễn.
-
Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch rồi xay mịn.
-
Hành tây rửa sạch cắt hạt lựu.
-
Cho bơ nhạt vào đun chảy trên chảo rồi cho thịt bò và hành tây vào đảo nhanh. Khi đã chín tiếp tục cho bí đỏ vào đảo thêm khoảng 5 phút.
-
Cho nước hầm xương vào hỗn hợp trên đun thêm 10 phút thì tắt bếp, múc ra bát cho bé thưởng thức.
Bơ dầm chuối
Nguyên liệu cần chuẩn bị
-
Bơ chín: nửa quả
-
Chuối chín: nửa quả
-
Nước: 1 thìa
Cách thực hiện
-
Bơ và chuối bóc vỏ, cho vào bát nghiền nhuyễn.
-
Tuỳ vào độ đặc sánh của hỗn hợp bơ chuối mà mẹ có thể cho thêm 1 thìa nước/sữa vào cho phù hợp.
Lưu ý khi cho bé ăn dặm kiểu truyền thống
Quy trình ăn dặm truyền thống thực tế không phức tạp như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Chỉ cần mẹ ghi nhớ được những vấn đề dưới đây thì việc ăn dặm cho con sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều:
-
Đa dạng các nhóm thực phẩm để đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm chất cần thiết cho con. Bao gồm: Chất béo, đạm, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
-
Sơ chế đồ ăn cẩn thận, lựa chọn nguyên liệu tươi sống và không trữ đông để đảm bảo giữ nguyên vẹn dưỡng chất.
-
Chỉ cho bé ăn khi bé đã thực sự sẵn sàng, không bắt ép bé nếu không muốn bé rơi vào tình trạng biếng ăn.
Xem thêm: Cho con ăn dặm truyền thống cần chuẩn bị những gì?
Ăn dặm kiểu truyền thống mang đến rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé trong hành trình nuôi con khôn lớn từng ngày. Hy vọng rằng qua bài viết này các mẹ đã thêm kiến thức về cách nấu ăn dặm truyền thống cũng như những công thức gợi ý cho bữa ăn thêm đa dạng, hãy áp dụng ngay nhé!
A Guide to Weaning Your Baby - truy cập ngày 33/7/2022
https://www.mountelizabeth.com.sg/healthplus/article/baby-weaning-guide