Bên cạnh nền giáo dục tiên tiến, Nhật Bản còn được cả thế giới ngưỡng mộ bởi cách nuôi dạy trẻ vô cùng thông minh và khỏe mạnh. Trong đó, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật luôn được các bà mẹ quan tâm và tìm hiểu. Vậy ăn dặm kiểu Nhật là gì? Mẹ cần áp dụng quy trình ăn dặm kiểu Nhật như thế nào? Cùng Monkey tìm hiểu phương pháp ăn dặm này nhé!
Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp con yêu được thử nhiều loại thực phẩm khác nhau như rau, củ, quả, tôm, gà, cá,... Qua đó giúp con có thể phân biệt được mùi vị thức ăn từ sớm và phòng ngừa được tình trạng biếng ăn.
Mục đích của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật chính là giúp con ăn ngon hơn, tiêu hóa tốt hơn và tăng khả năng ăn uống tự lập từ sớm cho con. Con ăn dặm kiểu Nhật không nhất định phải sử dụng các loại thực phẩm như người Nhật hoặc đến từ Nhật Bản. Mẹ có thể dùng các loại nguyên liệu giàu chất dinh dưỡng cho sự phát triển của con như thịt gà, củ cải, bắp cải, bí đỏ, cà rốt,... để chuẩn bị bữa ăn dặm thơm ngon cho con.
Xác định thời điểm con tập ăn dặm có vai trò vô cùng quan trọng. Nếu mẹ cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, sự phát triển cũng như khả năng ăn thô sau này của con.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, thời điểm thích hợp để con ăn dặm là khi con sang giai đoạn 6 tháng tuổi. Giai đoạn này, cột sống và cổ của con đã cứng cáp hơn, con đã có thể ngồi được.
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
-
Một trong những ưu điểm của phương pháp này là trong quá trình ăn dặm, mẹ sẽ cho bé ăn từ lỏng đến đặc, từ mịn tới thô. Từ đó con học được kỹ năng cầm, nắm thức ăn và biết lựa chọn món ăn mình yêu thích.
-
Với ăn dặm kiểu Nhật, con sẽ được ăn riêng từng loại thức ăn. Qua đó giúp con làm quen tốt hơn với mùi vị của nguyên liệu thực phẩm, giúp kích thích vị giác của con.
-
Con sẽ được trang bị được kỹ năng nhai, nuốt tốt hơn ở những giai đoạn khác nhau. Điều này sẽ giúp con tiêu hóa thức ăn tốt hơn
-
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm này là giúp nâng cao khả năng tự lập của con. Con có thể nhanh chóng tự ngồi ăn một mình mà không cần sự trợ giúp của cha mẹ.
-
Con ăn dặm kiểu Nhật sẽ hạn chế tối đa tình trạng thừa cân, béo phì do mẹ hạn chế dùng xương hoặc thịt để nấu nước dùng ăn dặm cho con.
Những hạn chế của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
-
Mẹ sẽ thường tốn kha khá thời gian cho việc xây dựng thực đơn, chuẩn bị nguyên liệu và chế biến bữa ăn dặm bổ dưỡng cho con.
-
Mẹ cũng cần trang bị một bộ đồ nấu ăn dặm riêng cho con
-
Do phương pháp này dựa trên sự tôn trọng và nâng cao khả năng tự lập của con, trong giai đoạn đầu, con sẽ không nhanh tăng cân như khi mẹ cho con ăn dặm truyền thống
Quy trình ăn dặm kiểu Nhật qua 4 giai đoạn
Ăn dặm kiểu Nhật luôn được các bà mẹ ưu ái và sử dụng. Tuy nhiên, rất nhiều mẹ đã thất bại ngay khi vừa bắt đầu cho con tập ăn dặm hoặc sau nhiều ngày cố gắng vẫn không đem lại kết quả tốt. Vì thế, mẹ cần áp dụng đúng quy trình ăn dặm kiểu Nhật qua 4 giai đoạn để có thể thành công cho con ăn dặm.
Giai đoạn 1: 4 - 6 tháng tuổi: làm quen với muỗng
Trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi thường mới bắt đầu tập ăn dặm, vì vật mẹ nên chuẩn bị thực đơn như cháo loãng để con dễ nuốt thức ăn mà không cần nhai trong tuần đầu tiên. Mẹ hãy cho con ăn cháo trắng nghiền nhuyễn và rây qua lưới. Lưu ý mẹ không nêm nếm gia vị và nấu theo tỷ lệ 1:10 (5 ml gạo + 50ml nước)
Từ tuần thứ hai trở đi, mẹ có thể cho con ăn thêm một chút rau củ quả. Rau bina là loại rau xanh rất giàu vitamin, rất tốt cho hệ tiêu hóa của con. Vì vậy, người Nhật thường dùng loại rau này để chế biến thực đơn ăn dặm cho con. Lưu ý mẹ chỉ nên dùng phần lá và bỏ cuống nhé!
Giai đoạn này chủ yếu con chỉ tập nuốt thức ăn dạng bột nên mẹ hãy cho con làm quen với các mùi vị thức ăn khác nhau ngoài sữa và để con làm quen với việc ăn bằng muỗng. Do vậy, mẹ nên cho con ăn từ ít đến nhiều. Mẹ cho con ăn 1 muỗng (15ml) trong 2 ngày đầu tiên, 2 muỗng (30ml) trong 3 ngày tiếp theo, 3 muỗng (45ml) trong 3 ngày tiếp theo, 4 muỗng (60ml) trong 7 ngày tiếp theo,...
Đối với những trẻ nhạy cảm hơn, nếu con không ăn thì mẹ không nên ép bằng mọi cách mà hãy ngưng khoảng 2 đến 3 ngày. Sau đó mẹ hãy tiếp tục chế biến thức ăn mịn hơn và thử cho con ăn lại nhé!
Bên cạnh đó, người Nhật thường hạn chế sử dụng các loại gia vị có nhiều muối, đường, dầu,... và tránh nêm muối để con có thể cảm nhận được hương vị tự nhiên của thực phẩm. Qua đó chọn ra loại thực phẩm con yêu thích.
Mẹ hãy tách riêng bữa ăn dặm với cữ sữa của con để con nhận thức được đó là ăn dặm và phòng ngừa khả năng rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra nếu kết hợp thực phẩm nào đó với sữa.
Thời gian ăn dặm cho con được khuyến cáo là từ 9 - 10h sáng, đây là thời điểm con tỉnh táo và thuận lợi hợp tác nhất. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể linh hoạt thay đổi giờ ăn để phù hợp với lịch sinh hoạt của gia đình mình nhé!
Giai đoạn 2: 7 - 8 tháng: tập nhai
Con ăn dặm trong giai đoạn từ 7 - 8 tháng thường đã biết nhai trệu trạo, con có thể đẩy mạnh lưỡi lên hàm trên để làm tan thức ăn. Vì vậy, những món ăn hấp có độ mềm như cháo thường không cần nghiền nghiễn con cũng có thể ăn được.
Trong giai đoạn này, mẹ nên tăng thêm các loại nguyên liệu khác nhau để con có thể làm quen với đa dạng hương vị. Thức ăn của con trong giai đoạn này mẹ chỉ cần nghiền nhỏ (không cần nghiền thành bột) và có thể cho thêm bột gạo để tạo độ trơn giúp con dễ nuốt hơn.
Bên cạnh đó, thịt nạc và các loại cá có thịt màu đỏ cũng là thực phẩm mẹ nên cho con thử. Lưu ý mẹ hãy thêm với số lượng nhỏ để con làm quen dần và cũng làm đa dạng hơn bữa ăn cho con.
Đối với những loại rau mềm như rau bina, mẹ chỉ cần nấu mềm đi một nửa là phù hợp cho con ăn dặm. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho con ăn mì sợi nấu mềm như cháo 1:7, sau đó cắt nhỏ để con có thể bốc ăn bằng tay được.
Con thường rất thích nuốt mì hoặc thức ăn dạng sợi dài khoảng 2-3cm như nui, phở, bún, bánh canh,... Giai đoạn này con cũng có thể ăn cháo nguyên hạt tỉ lệ 1:7 (10ml gạo và 70ml nước) mẹ nhé!
Giai đoạn 3: 9 - 11 tháng: tập bốc
Trong giai đoạn này, con sẽ ăn 3 bữa chính mỗi ngày. Con cũng đã có thể nhai tốt thức ăn bằng lợi. Do đó, mẹ hãy nấu mềm thức ăn để con có thể nhai được bằng lợi (độ mềm như chuối là vừa). Mẹ cũng có thể tập cho con ăn những món ăn cứng hơn một chút.
Thức ăn của con nên được cắt to khoảng 0,5 cm, dài khoảng 2-3cm để con có thể tự bốc ăn hoặc cầm nĩa ghim thức ăn vào miệng.
Trẻ 9-11 tháng tuổi có thể ăn được hầu hết các loại rau, con cũng có thể ăn cả phần cuống rau bina cắt nhỏ. Không chỉ vậy, con cũng có thể ăn được cả lòng trắng và lòng đỏ trứng. Những mẹ lưu ý hãy cho con ăn trứng chín hoàn toàn nhé!
Món cá nấu chín, gan gà, đậu quả, đậu hũ, các loại thịt đỏ cũng phù hợp cho con ăn dặm mẹ nhé! Giai đoạn này con có thể ăn cháo nguyên hạt với tỷ lệ 1:5 (20ml gạo cùng 100ml nước)
Giai đoạn 4: 12 - 15 tháng: tập ăn cơm
Con yêu 12 - 15 tháng tuổi có thể ăn 3 bữa chính mỗi ngày cùng với thời gian ăn của người lớn trong gia đình. Con đã có thể ăn thức ăn to và cứng hơn giai đoạn trước. Mẹ có thể tập cho con ăn cơm nát rồi đến cơm.
Mẹ cũng hãy cho con tự ăn bằng muỗng hoặc nĩa nhé! Mục tiêu của giai đoạn này là con ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng để từ từ ngừng việc uống sữa bột. Thức ăn của con mẹ hãy nêm nhật, khoảng ¼ muỗng nhỏ muối nêm (2,5g).
Mẹ hãy chế biến các món con có thể tự bốc ăn để tập cho con tự ăn như cơm nắm, bánh mì lát,... Ngoài ra, hãy tạo những món ăn có hình dạng và màu sắc bắt mắt có con thích thú và ăn ngon miệng hơn mẹ nhé!
Một số nguyên tắc áp dụng phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cho bé
Để chuẩn bị cho con yêu một bữa ăn dặm chất lượng, đầy đủ chất dinh dưỡng và tốt cho hệ tiêu hóa của con, ngoài nắm rõ được quy trình ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cần bỏ túi ngay những nguyên tắc khi nấu cháo ăn dặm kiểu Nhật cho con dưới đây:
Đa dạng món ăn
Con hứng thú với bữa ăn mới có thể ăn ngon và tiêu hóa dễ dàng hơn. Vì vậy, mẹ hãy thay đổi thực đơn sao cho phong phú, chế biến đa dạng của món ăn, thay đổi các món ăn để tránh nhàm chán. Mẹ có thể sử dụng dầu ăn vi lượng khi nấu để cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng cần thiết và có thể tăng cường hấp thu cho trẻ.
Tạo không khí ăn thoải mái
Không khí ăn thoải mái cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với hành trình ăn dặm của bé yêu. Mẹ hãy tạo không gian ăn thật thoải mái, tránh những yếu tố ảnh hưởng đến việc ăn uống của con. Mỗi bé sẽ có những sở thích và đặc điểm tính cách riêng, mẹ hãy tạo niềm vui trong mỗi bữa ăn cho con nhé!
Cho bé ăn nhạt trước
Mẹ hãy cho con ăn nhạt trước, ăn từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc mẹ nhé. Hãy cho con ăn từ một nhóm thực phẩm đến 4 nhóm thực phẩm quan trọng. Nhóm đạm bao gồm trứng, sữa, đậu nành, thịt, cá, các loại đậu/đỗ,... Nhóm bột đường bao gồm bánh mì, bún, phở, gạo, bột mì, ngô, khoai,... Nhóm vitamin và khoáng chất gồm các loại rau củ và trái cây tươi. Nhóm chất béo bao gồm bơ, pho mát, dầu, các loại hạt có dầu,... Mẹ cũng nên cân bằng lượng thức ăn và sữa sử dụng cho con nhé!
Không xay thức ăn
Một trong những nguyên tắc mẹ cần áp dụng trong quá trình cho con ăn dặm kiểu Nhật chính là không xay thức ăn, chỉ dùng cối giã và rây để làm mịn thức ăn cho con.
Kiên trì với bé
Khi mới bắt đầu tập cho con ăn dặm, bên cạnh việc tập trung vào xây dựng thực đơn phong phú, giàu dưỡng chất, mẹ cũng nên chú ý đến tâm lý của con. Mỗi bé sẽ có khẩu vị khác nhau, thay đổi qua từng giai đoạn nên mẹ cần quan sát cẩn thận để điều chỉnh thực đơn cho phù hợp với con nhé!
Cha mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý đối với việc con không chịu hợp tác và làm trái với mong muốn của cha mẹ. Mẹ nên kiên nhẫn và dỗ dành con để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Với quy trình ăn dặm kiểu Nhật, cha mẹ hãy tập cho con ăn đúng giờ và tránh so sánh khẩu vị/ phần ăn của con với những em bé khác. Mỗi bé sẽ có đặc điểm tính cách riêng, cha mẹ hãy cố gắng điều chỉnh sao phù hợp nhất với bé yêu nhà mình nhé!
Cho bé ăn riêng từng món ở giai đoạn 1
Trong quy trình ăn dặm kiểu Nhật, mẹ hãy cho con ăn riêng từng món ăn ở giai đoạn 1 để giúp con cảm nhận được mùi vị của từng món ăn và kích thích vị giác của con. Cha mẹ hãy cho con ăn thử những món ăn vị nhạt, chua hoặc có chút đắng để quan sát phản ứng của con. Qua đó sẽ nắm được loại thức ăn mà con yêu thích.
Xem thêm: Ăn dặm truyền thống kết hợp kiểu Nhật: những điều ba mẹ cần biết
Như vậy, Monkey đã chia sẻ những thông tin chi tiết về quy trình ăn dặm kiểu Nhật trong bài viết trên đây. Hy vọng mẹ sẽ xây dựng được thực đơn ăn dặm thơm ngon, bổ dưỡng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con. Đừng quên theo dõi Monkey để khám phá thêm nhiều kiến thức hữu ích trong hành trình chăm sóc thiên thần nhỏ nhé!
1. Weaning in Japan: A longitudinal study of mother and child behaviors during milk- and solid-feeding - truy cập ngày 28/8/2022
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/edp.2430020106
2. The development of Japanese mother–infant feeding interactions during the weaning period - truy cập ngày 28/8/2022
https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0163638314000071