Mọc răng hàm là chuyện bình thường mà bất cứ đứa trẻ nào cũng đều trải qua. Trong quá trình ấy, con có thể bị sốt, quấy khóc khiến ba mẹ lo lắng. Giải đáp được câu răng hàm mọc khi nào sẽ giúp ba mẹ nhận chuẩn bị tâm lý, nhận biết những dấu hiệu và biết cách chăm sóc con tốt hơn khi con mọc răng hàm.
Răng hàm mọc khi nào?
Răng hàm giúp nghiền nát thức ăn tốt nhất trước khi thức ăn đi xuống bộ máy tiêu hóa và được cơ thể hấp thu dinh dưỡng. Do đó, răng hàm thuộc nhóm răng quan trọng nhất của cả hàm răng.
Mỗi trẻ sẽ có thời điểm mọc răng khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như việc mẹ bổ sung canxi trong quá trình mang thai. Thông thường, trẻ bước sang giai đoạn từ 4 - 6 tháng sẽ nhú chiếc răng đầu tiên. Trong 12 tháng đầu đời, con sẽ có khoảng 6 chiếc răng và tới khi 2 tuổi, con sẽ có đủ 20 chiếc răng chia đều cho 2 hàm trên và dưới.
Theo trình tự mọc răng trên đây, trẻ sẽ mọc chiếc răng hàm trên trước ở giai đoạn từ 13-19 tháng. Tuy nhiên, con cũng có thể mọc răng hàm dưới trước khi con ở độ tuổi 14-18 tháng. Chiếc răng hàm thứ hai sẽ xuất hiện khi con 25-33 tháng đối với hàm trên và từ 23-31 tháng tuổi đối với răng hàm dưới.
Những chiếc răng hàm này của con là răng hàm sữa, nó sẽ tồn tại cùng hành trình lớn dần lên của trẻ đến khi con 5 - 6 tuổi. Sau đó, răng hàm cũng là răng sữa sẽ bắt đầu rụng dần và chuyển sang giai đoạn thay răng vĩnh viễn.
Dấu hiệu bé mọc răng hàm
Bên cạnh câu hỏi “Răng hàm mọc khi nào” thì dấu hiệu bé mọc răng hàm cũng là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh. Thông thường, quá trình mọc răng hàm sẽ khiến con cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, vì con còn nhỏ nên đôi khi sẽ không diễn đạt được nguyên nhân gây đau đớn. Do đó, nắm được dấu hiệu trẻ mọc răng dưới đây sẽ giúp ba mẹ phát hiện sớm và chăm sóc con tốt hơn:
-
Cáu gắt
-
Lợi có màu đỏ
-
Chảy nước dãi
-
Trẻ nhai đồ vật hoặc quần áo
-
Bé tỏ ra khó chịu khi bị chạm vào lợi
-
Sốt
Khi trẻ mọc răng hàm, con thường sẽ không sốt quá cao hoặc khó chịu dạ dày. Nhưng trong một số trường hợp, con sẽ bị cảm lạnh hoặc mắc một vài bệnh liên quan đến dạ dày. Nhiều bé trong độ tuổi tập đi lại thường không quá khó chịu và tỏ ra thoải mái khi mọc răng, nhưng ngược lại nhiều bé sẽ cảm thấy rất mệt mỏi.
Bên cạnh đó, một số bé khi mọc răng hàm có thể bị đau đầu. Dấu hiệu mọc răng hàm sẽ trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm, con cảm thấy mệt mỏi nhưng không có nhiều thứ giúp phân tán sự chú ý của con khỏi cơn đau.
Cách chăm sóc và giảm đau cho trẻ mọc răng hàm
Trẻ mọc răng hàm thường có cảm giác đau nhức, sốt, khó chịu, dẫn đến hiện tượng chán ăn, bỏ bữa. Chính vì vậy, ba mẹ cần nắm được cách chăm sóc và giảm đau cho trẻ mọc răng hàm để con cảm thấy tốt hơn:
-
Chia nhỏ bữa ăn của con
Trong quá trình mọc răng hàm, con sẽ có thể bị sốt, đau nhức dẫn đến chán ăn. Vì vậy, mẹ đừng quát hay ép con ăn nhé. Mẹ hãy chia nhỏ bữa ăn của con, từ 3 - 4 bữa thành 6 - 8 bữa, mỗi bữa con chỉ cần ăn từng ít một.
Mẹ hãy hầm nhừ đồ ăn của con sao cho càng mềm nhuyễn càng tốt. Mẹ có thể nấu dạng cháo loãng hoặc súp để con chỉ cần nuốt mà không phải nhai. Đối với hoa quả, mẹ nên ép lấy nước để hơi mát, sẽ giúp giảm tình trạng đau nhức cho con và giúp nướu của con đỡ sưng hơn.
-
Theo dõi nhiệt độ của con thường xuyên
Mẹ cần theo dõi nhiệt độ của con thường xuyên để có những biện pháp chăm sóc kịp thời giúp con cảm thấy dễ chịu hơn nhé!
-
Chườm khăn lạnh cho con hạ nhiệt, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn
Nếu con sốt từ 38 - 38,5 độ, mẹ hãy dùng khăn ấm để lau người cho con nhé! Mẹ cũng có thể chườm khăn tại trán, nách và bẹn cho con. Hãy cho con mặc quần áo rộng rãi và nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát. Trong trường hợp con sốt trên 38,5 độ, mẹ nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để cho con dùng thuốc hạ sốt thích hợp. Tuyệt đối không được tự ý kê đơn thuốc.
-
Vệ sinh răng miệng cho con sạch sẽ
Một trong những lưu ý hàng đầu mẹ cần ghi nhớ chính là vệ sinh răng miệng cho con sạch sẽ. Mẹ hãy lấy khăn mềm lau miệng và răng cho con sau khi ăn từ 30-60 phút. Điều đó sẽ giúp con tránh bị nôn ọe khi mẹ đưa tay vào miệng con.
-
Massage nướu cho bé
Trẻ mọc răng hàm thường có cảm giác đau và nhức ở nướu. Do đó, mẹ cần massage nướu để giúp giảm cảm giác đau cho con. Mẹ có thể sử dụng bông hoặc gạc mềm sạch, thấm nước mát và massage nhẹ nhàng quanh vùng nướu.
Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể dùng núm vú giả ngâm nước đá hoặc để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 20 phút và cho con ngậm. Hơi lạnh sẽ làm nướu con dịu lại, giúp giảm cảm giác đau nhức.
-
Sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn
Mẹ cũng có thể cho con uống thuốc giảm đau hoặc dùng loại thuốc bôi khi con mọc răng hàm. Cách này tuy có tác dụng nhanh nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vì vậy, mẹ cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không được tự ý cho trẻ dùng.
-
Bổ sung vitamin D, canxi cho bé
Trẻ mọc răng hàm cần được bổ sung đầy đủ canxi. Sữa là thực phẩm có chứa rất nhiều canxi. Vì vậy, mẹ nên cho trẻ uống nhiều sữa và ăn nhiều chế phẩm từ sữa như: phô mai, sữa chua, váng sữa.
Vitamin D có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ tốt canxi và photpho, đồng thời hỗ trợ quá trình hình thành xương và răng, giúp xương và răng chắc khỏe hơn.
-
Giữ vệ sinh phòng của trẻ
Mẹ cần giữ vệ sinh phòng trẻ, đặc biệt là các đồ vật vừa tầm với của con nên được diệt khuẩn thường xuyên, do khi trẻ mọc răng hàm sẽ có xu hướng nhai gặm mọi đồ vật.
-
Đem con thăm khám nếu bỏ ăn và sốt cao kéo dài
Nếu con có biểu hiện sốt quá cao, tiêu chảy, ngủ li bì, bỏ ăn kéo dài, ba mẹ cần đưa con đến bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán xem trẻ thực sự có mọc răng hàm hay mắc bệnh.
Một số thắc mắc của ba mẹ khi con mọc răng hàm
-
Con mọc răng hàm trên trước có sao không?
Trẻ thường sẽ mọc răng hàm trên trước, sau đó đến răng hàm dưới. Tuy nhiên trên thực tế, con vẫn có thể mọc hàm dưới trước, mọc đan xen răng hàm trên với răng hàm dưới hoặc mọc hai răng hàm trên/ dưới cùng lúc.
-
Con mọc răng hàm sớm có sao không?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến con mọc răng hàm sớm hay muộn như: chế độ dinh dưỡng trong bụng mẹ, thiếu/thừa canxi, do gen di truyền,…
Vì vậy, nếu con mọc răng hàm sớm thì mẹ không nên quá lo lắng. Hãy chú ý chăm sóc vệ sinh răng miệng cẩn thận để trẻ không bị sâu răng sữa sớm.
Vấn đề mọc răng hàm sớm hay muộn thường không có ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Mọc răng hàm sớm sẽ giúp con ăn nhai tốt hơn. Qua đó cung cấp nhiều loại thực phẩm tốt cho cơ thể chứ không làm ảnh hưởng đến tinh thần hay sức khỏe của con.
Xem thêm: [Chuyên gia giải đáp] Trẻ mấy tháng mọc răng: thứ tự, dấu hiệu, cách chăm sóc
Giai đoạn bé yêu mọc răng hàm, tình trạng đau nhức nướu là điều khó có thể tránh khỏi. Hy vọng thông tin chia sẻ trên đây đã giúp cha mẹ giải đáp được câu hỏi răng hàm mọc khi nào và nắm rõ biện pháp giúp con cảm thấy dễ chịu hơn và cùng con vượt qua giai đoạn này nhé! Đừng quên theo dõi Monkey để khám phá thêm nhiều kiến thức hữu ích trong hành trình chăm sóc thiên thần nhỏ nhé!
1. Eruption Charts - truy cập ngày 26/9/2022
https://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/e/eruption-charts
2. Teeth development in children - truy cập ngày 26/9/2022
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/teeth-development-in-children