Bé chậm tăng cân luôn là vấn đề nan giải đối với rất nhiều phụ huynh. Mặc dù xã hội phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi để các bậc phụ huynh tiếp cận với những phương pháp chăm sóc con khoa học nhưng các bé vẫn chậm tăng cân. Vậy nguyên nhân thực chất là do đâu? Bé 9 tuổi ăn gì để tăng cân? Có giải pháp hữu hiệu nào nhằm thúc đẩy cân nặng ở các bé? Hãy cùng Monkey tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Dấu hiệu trẻ chậm tăng cân
Trẻ chậm tăng cân đã trở thành thực trạng phổ biến xảy ra ở hầu hết các trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 tuổi. Dấu hiệu của việc chậm tăng cân ở trẻ được thể hiện rất rõ ràng và cụ thể:
-
Cơ thể trẻ suy nhược, ốm yếu, chậm phát triển cả về mặt thể chất lẫn trí não. Có thể thấy, cân nặng không đạt tiêu chuẩn sẽ không có khả năng cung cấp đầy đủ năng lượng cho các hoạt động thể chất và trí tuệ của bé, khiến bé trở nên không được nhanh nhẹn, linh hoạt.
-
Trẻ dễ mắc phải các bệnh như cảm lạnh, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, khó hấp thu,... do hệ miễn dịch và sức đề kháng rất yếu. Các vấn đề về sức khỏe này khiến cho trẻ gầy guộc, yếu ớt, luôn trong trạng thái mệt mỏi.
-
Trẻ chậm phát triển về chiều cao. Thông thường, các bé chậm tăng cân thì vóc dáng theo đó cũng không đủ điều kiện để phát triển bình thường, dẫn đến tình trạng bị thấp bé, còi xương.
Nguyên nhân bé chậm tăng cân
Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng bé chậm tăng cân. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất ảnh hưởng đến cân nặng của các bé:
Các yếu tố về tình trạng y tế
-
Trẻ không được cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất xuất phát từ chế độ ăn thiếu khoa học mà phụ huynh chuẩn bị cho các bé. Việc không được bổ sung các dưỡng chất như kẽm, kali, sắt, canxi, vitamin A, B, D,… khiến bé trở nên gầy guộc.
-
Bé gặp vấn đề về hệ tiêu hóa. Nguyên nhân này có thể do bẩm sinh hoặc do trong quá trình nuôi con, phụ huynh đã có cách chăm sóc chưa hợp lý dẫn đến tình trạng rối loạn như táo bón, đầy hơi, khó tiêu,... Khi đó, bé sẽ trở nên lười ăn hơn hoặc đã ăn nhưng hệ tiêu hóa lại không thể hấp thụ chất dinh dưỡng tối ưu như bình thường.
-
Nguyên nhân chủ quan phổ biến không kém đó là trẻ biếng ăn. Hầu như trong quá trình phát triển, các bé đều trải qua giai đoạn biếng ăn, chán ăn mặc dù phụ huynh đã tìm rất nhiều cách “dụ dỗ”.
-
Bé năng động quá mức khiến cho lượng calo bị đốt cháy cao hơn rất nhiều so với lượng nạp vào.
Nguyên nhân xã hội và tài chính
-
Về tài chính, trên thực tế có khá nhiều gia đình không đủ tiềm lực tài chính để mang lại cho con sự chăm sóc khoa học nhất có thể. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không có nhiều điều kiện để tiếp cận hoặc tham gia các khóa học, các hội thảo về chăm sóc sức khỏe trẻ em. Khi đó, phụ huynh sẽ có thể chế biến thức ăn sai cách, không tổ chức chế độ ăn uống dinh dưỡng cho con,... khiến cho cơ thể con suy nhược.
-
Về xã hội, các địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề giáo dục chăm sóc sức khỏe trẻ em dành cho các bậc phụ huynh. Các địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các bậc phụ huynh, đặc biệt là những gia đình chưa có điều kiện kinh tế vững chắc, để họ có cái nhìn khoa học hơn về chăm sóc trẻ em.
Bé 9 tuổi ăn gì để tăng cân nhanh
Đảm bảo nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn của bé
Dinh dưỡng chính là căn nguyên của mọi sự phát triển, đặc biệt là đối với trẻ em. Chính vì thế, phụ huynh cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong bữa ăn của bé.
Protein là dưỡng chất đầu tiên mà các bậc phụ huynh cần chú trọng. Protein có rất nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu Hà Lan hay chế phẩm từ đậu. Bên cạnh đó, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn các loại thịt chiên có nhiều chất béo nhằm tránh nguy cơ béo phì hoặc mắc các bệnh về tim mạch.
Rau củ chính là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của con. Rau củ rất giàu vitamin, chất xơ và các khoáng chất, có vai trò thanh lọc cơ thể, cải thiện hệ tiêu hóa, kích thích thị giác, giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Ngoài ra, phụ huynh cần cân nhắc khi cho trẻ ăn đường, muối. Các chuyên gia khuyên rằng, trẻ 6 – 11 tuổi chỉ nên sử dụng tối đa không quá 15g đường và không quá 4g muối một ngày.
Đa dạng các bữa ăn của bé
Đây chính là bí quyết nhằm tránh tình trạng bé chán ăn. Phụ huynh nên có sự đa dạng trong món ăn và liên tục đổi món để kích thích sự thèm ăn của trẻ, giúp trẻ ngon miệng hơn. Phụ huynh có thể xây dựng thực đơn theo ngày, theo tuần vào bám sát theo đó để vừa tránh lặp món ăn lại vừa đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn dinh dưỡng cho các bé.
Ưu tiên các thực phẩm giàu dinh dưỡng và calo
Đối với các bé 9 tuổi, lượng calo cần thiết mỗi ngày đạt khoảng 1.350 – 2.200 kcal/ngày. Trong giai đoạn này, các bé thường có nhu cầu ăn đa dạng loại thức ăn hơn trước. Phụ huynh nên có sự tính toán về mức độ dinh dưỡng cũng như lượng calo của các loại thực phẩm để có sự phối hợp tối ưu và hiệu quả nhất.
Cho bé ăn nhiều bữa, thường xuyên hơn
Một giải pháp hữu hiệu thường được các chuyên gia khuyên dùng đó là chia nhỏ các bữa ăn cho bé (4 – 5 lần ăn/ngày, bao gồm cả bữa ăn nhẹ). Nếu bé chán ăn nhưng bạn vẫn liên tục dồn ép thì bé có thể sẽ nôn hoặc sợ hãi và không muốn ăn ở những lần tiếp theo. Chính vì thế, phụ huynh đừng nên dồn ép con trong một lần ăn mà hãy chia nhỏ thành các bữa ăn nhẹ trong ngày.
Tạo cảm giác ngon miệng cho bé
Để tạo cảm giác ngon miệng cho bé, phụ huynh có thể thường xuyên nấu các món mà bé thích, trang trí các món ăn dưới dạng hình con vật, cây cỏ hoặc có thể trò chuyện nhẹ nhàng trong lúc mớm cho con ăn.
Bổ sung thêm sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng lại dễ hấp thụ, dễ chế biến. Phụ huynh có thể dùng sữa uống, sữa chua, váng sữa,... cho các bữa ăn nhẹ của con nhằm kích thích sự thèm ăn và tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất ở trẻ.
Uống đủ nước
Nước chính là nhân tố quan trọng không thể thiếu đối với trẻ khi chiếm tới 75-80% cơ thể. Trung bình mỗi ngày, trẻ cần uống trung bình từ 1.300 – 1.500ml nước (óc thể là nước lọc, sữa và nước trái cây) để cơ thể phát triển khỏe mạnh.
Hạn chế các loại đồ uống ngọt trước bữa ăn
Các loại đồ uống ngọt giàu năng lượng nhưng lại có hàm lượng dinh dưỡng rất thấp, thúc đẩy quá trình béo phì ở trẻ. Chính vì thế, phụ huynh cần hạn chế cho bé uống các loại đồ uống ngọt, đặc biệt là trước bữa ăn.
Tập cho bé thói quen ăn đúng bữa, đúng giờ
Khi có thói quen ăn đúng bữa, đúng giờ, bé sẽ trở nên chủ động và hứng thú hơn với việc ăn. Bên cạnh đó, thói quen này cũng khiến cho dạ dày “réo” đúng lúc, đúng buổi, nhờ đó bé có thể ăn nhiều và ăn ngon hơn.
Không nên ép bé dù bé biếng ăn, chậm tăng cân
Dù bé biếng ăn, phụ huynh cũng đừng nên tác động đến tâm lý yếu ớt của con bằng cách dồn ép, hăm dọa, la mắng. Bởi vì khi đó, bé sẽ hoảng sợ và cảm thấy việc ăn như một hình thức tra tấn, từ đó chán ăn.
Khuyến khích trẻ thường xuyên vận động
Để cơ thể có thể hấp thụ chất dinh dưỡng một cách hiệu quả và tối ưu nhất, phụ huynh cần cho bé tập thể dục thể thao ít nhất 1 giờ mỗi ngày. Đây cũng là một cách thức tốt để rèn luyện chế độ sinh hoạt lành mạnh và phát triển các kỹ năng mềm cho bé.
Khám sức khỏe và tẩy giun định kỳ
Phụ huynh nên cho trẻ tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo rằng lượng dinh dưỡng chỉ tập trung nuôi cơ thể của bé.
Xem thêm: Trẻ 9 tuổi suy dinh dưỡng: Các phương pháp chăm sóc
Những thực phẩm giúp bé tăng cân
Dưới đây là những thực phẩm nên có trong thực đơn tăng cân cho trẻ 9 tuổi, ba mẹ có thể tham khảo nhé!
Chuối
Chuối là loại thực phẩm giàu chất xơ cũng như các dưỡng chất khác như vitamin B, vitamin C, kali,... Chuối có tác dụng thúc đẩy quá trình tiêu hóa ở trẻ, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, giúp bé thèm ăn hơn.
Thịt gà
Thịt gà chứa một lượng lớn protein - dưỡng chất thiết yếu trong quá trình phát triển của trẻ. Thịt gà có lượng calo và chất béo thấp nhưng lại cung cấp lượng lớn protein. Bên cạnh đó, thịt gà còn chứa chất choline, loại chất đóng vai trò quan trọng đối với trí nhớ và các chức năng khác của não.
Ngũ cốc
Ngũ cốc là nhóm chất dinh dưỡng cơ bản, hầu như không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của trẻ. Các loại ngũ cốc như cơm, ngũ cốc, xôi, khoai tây, khoai lang… chứa nhiều tinh bột, cung cấp nguồn năng lượng dồi dào đảm bảo cho các hoạt động vui chơi hay học tập của trẻ.
Sữa chua
Sữa chua chứa các dưỡng chất như protein, glucid, lipid, vitamin nhóm A, B, có tác dụng chữa lành các bệnh về đường ruột, đảm bảo hệ tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh. Bên cạnh đó, sữa chua cũng là loại thực phẩm rất dễ ăn, phụ huynh có thể cho trẻ ăn sữa chua vào các bữa ăn nhẹ trong ngày.
Trứng
Nhắc tới những loại thực phẩm có hàm lượng protein cao thì không thể không nhắc đến trứng. Trứng có chứa protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng, các loại men hay canxi giúp xương chắc khỏe, hạn chế một số bệnh về tim mạch, lão hóa,...
Xem thêm:
Cách tăng chiều cao cho bé 9 tuổi an toàn và hiệu quả
Ba mẹ cùng tìm hiểu dinh dưỡng cho bé 9 tuổi
Nếu quý phụ huynh đã tìm thấy được nguyên nhân cốt lõi nhất khiến bé chán ăn, chậm tăng cân thì quá trình khắc phục tình trạng này sẽ diễn ra một cách hiệu quả hơn. Monkey hy vọng rằng bài viết vừa rồi đã có thể giải mã cho thắc mắc “bé 9 tuổi ăn gì để tăng cân”. Đồng thời, tự tin tìm thấy phương pháp thích hợp nhằm thúc đẩy cân nặng cho các bé.