Phương pháp giáo dục tích hợp trong mầm non đóng vai trò quan trọng với sự phát triển năng lực của trẻ. Bài viết này chúng tôi sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu rõ khái niệm, vai trò, lợi ích cũng như các mục tiêu quan trọng của phương pháp giáo dục mới này.
Phương pháp giáo dục tích hợp trong hệ mầm non là gì?
Từ điển tiếng Việt định nghĩa, tích hợp là sự phối hợp, đan xen và liên kết giữa các bộ phận để tạo thành một chỉnh thể toàn vẹn, đảm bảo tính thống nhất, hệ thống và mục đích. Trong giáo dục, tích hợp được định nghĩa là hành động liên kết các đối tượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong cùng một kế hoạch dạy học. Như vậy nhắc đến tích hợp, chúng ta phải nhắc đến sự kết hợp, huy động nhiều yếu tố có mối liên quan với nhau nhằm mục đích giải quyết, làm sáng tỏ một vấn đề nào đó và đạt được nhiều mục tiêu khác nhau.
Phương pháp giáo dục tích hợp được áp dụng rộng rãi từ cấp mầm non, Tiểu học, THCS đến THPT nước ta, là xu thế chung của giáo dục phổ thông các nước. Vậy phương pháp giáo dục tích hợp áp dụng riêng cho mầm non được hiểu như thế nào? Phương pháp giáo dục tích hợp trong mầm non là phương pháp giáo dục kết hợp giữa các lĩnh vực khác nhau để giúp trẻ phát triển toàn diện. Thay vì giáo dục theo từng môn học riêng lẻ, phương pháp tích hợp trong giáo dục tập trung vào việc kết hợp nhiều hoạt động và môn học khác nhau như âm nhạc, thể chất, khoa học, kỹ năng sống…
Sở dĩ phương pháp giáo dục tích hợp được áp dụng từ giai đoạn mầm non là bởi đặc điểm phát triển chung và nhận thức của trẻ giai đoạn này có nhiều đặc điểm nổi bật:
-
Trẻ có thể phát triển hài hòa các mặt từ thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội… tạo sự phát triển toàn diện và thống nhất.
-
Quá trình nhận thức của trẻ hiệu quả hơn khi có sự liên kết tư duy và ngôn ngữ, hiểu biết thế giới tự nhiên xung quanh với yếu tố xã hội, mối liên hệ những gì đã học được với thực tiễn cuộc sống.
Tiếp cận giáo dục theo phương pháp tích hợp giúp giảm mức độ trùng lặp giữ các đơn vị kiến thức, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo hiệu quả học tập cho trẻ.
Giúp trẻ mầm non phát triển toàn diện tư duy, trí tuệ và cảm xúc với bộ ứng dụng học tập từ Monkey. |
Vai trò của giáo viên khi triển khai phương pháp giáo dục tích hợp
Các thầy cô giáo đóng vai trò là người hướng dẫn, tạo điều kiện và định hướng cho trẻ tham gia vào các hoạt động tích hợp. Để quá trình dạy học theo phương pháp tích hợp đạt hiệu quả, giáo viên phải là người có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.
Một số vai trò quan trọng của giáo viên khi triển khai phương pháp giáo dục này chính là:
-
Thiết kế và triển khai các hoạt động tích hợp: Giáo viên là người lên kế hoạch chuẩn bị các hoạt động trong dạy học tích cực phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ. Những hoạt động này cần đảm bảo kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau, kích thích sự tò mò, sáng tạo cũng như khám phá của từng trẻ. Ví dụ, giáo viên có thể lựa chọn tích hợp các lĩnh vực giáo dục như học tập, sức khỏe, rèn luyện kỹ năng xã hội, nghệ thuật…
-
Tạo môi trường học tập tích cực cho trẻ: Trẻ cần có môi trường thoải mái, an toàn để học hỏi, thực hành khám phá, tham gia vào các hoạt động tích hợp. Đây là nhiệm vụ quan trọng của mỗi giáo viên khi đứng lớp.
-
Đánh giá và theo dõi tiến độ học tập của trẻ: Quá trình theo dõi này giúp các giáo viên mầm non hiểu rõ hơn về sự phát triển của trẻ, cung cấp cho trẻ những phản hồi thiết thực, giúp con phát triển tốt hơn.
-
Tương tác và hỗ trợ cho trẻ: Có rất nhiều hoạt động tích hợp khiến trẻ bỡ ngỡ giai đoạn đầu. Sự giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời của thầy cô giúp con tự tin, mạnh dạn tham gia vào các hoạt động.
-
Đánh giá và đổi mới: Đây là quá trình quan trọng đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.
Lợi ích phương pháp giáo dục tích hợp đem lại cho trẻ mầm non
Phương pháp giáo dục tích hợp là phương pháp giáo dục đa dạng và toàn diện, cung cấp cho trẻ mầm non trải nghiệm giáo dục phong phú. Một số lợi ích nổi bật phương pháp này đem đến cho trẻ là:
-
Phát triển toàn diện: Giáo dục tích hợp tạo điều kiện để trẻ phát triển thể chất, trí tuệ, xã hội, tình cảm cũng như sáng tạo nghệ thuật.
-
Tăng cường sự tương tác của trẻ: Giáo dục tích hợp khuyến khích trẻ tham gia hoạt động và trò chơi, tương tác với các bạn trong lớp cũng như giáo viên và môi trường xung quanh. Từ đó, trẻ có thể phát triển sự tự tin cũng như kỹ năng giao tiếp của mình.
-
Giúp trẻ hình thành nhận thức rõ hơn về các môn học: Điều này khuyến khích con học hỏi, phát triển khả năng suy luận cá nhân.
-
Tạo sự kết nối giữa giáo viên và gia đình: Đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ có cơ hội học tập và phát triển tốt hơn.
5 mục tiêu quan trọng của phương pháp giáo dục tích hợp cho trẻ mầm non
Mục tiêu phương pháp giáo dục tích hợp trong mầm non là phát triển toàn diện cho trẻ thông qua các hoạt động tích hợp các lĩnh vực khác nhau trong quá trình giáo dục và phát triển của trẻ. Cụ thể:
Phương pháp giáo dục tích hợp giúp trẻ phát triển về thể chất/ vận động
Các hoạt động tích hợp giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thông qua các hoạt động thể chất và vận động. Trẻ được đảm bảo phát triển khỏe mạnh, đạt chuẩn cân nặng và chiều cao.
Trẻ trong giai đoạn lứa tuổi mầm non có thể:
-
Đi/ chạy thay đổi tốc độ phù hợp với hiệu lệnh, phối hợp linh hoạt chân tay.
-
Trẻ có khả năng đi bằng mũi chân, đi trong đường hẹp.
-
Khéo léo trong vận động, thể hiện sự tinh mắt trong các trò chơi như bò trong đường hẹp, ném bóng trúng đích, đập bóng…
-
Tự làm được công việc vệ sinh cá nhân như rửa tay, thay đồ, lau mặt…
-
Nhận biết được những nơi nguy hiểm và không đùa nghịch xung quanh những nơi như vậy.
Phương pháp giáo dục tích hợp giúp trẻ phát triển nhận thức
Phát triển nhận thức là mục tiêu quan trọng khi triển khai phương pháp giáo dục tích hợp trong mầm non. Mục tiêu này đảm bảo trẻ có thể:
-
Nói được những đặc điểm của đồ vật, hiện tượng quen thuộc nào đó.
-
Nhận biết được các hình học cơ bản như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác…
-
So sánh độ dài của 2 vật khác nhau, biết cách đếm, nhận biết số lượng trong phạm vi 5.
-
Nhận biết một số nghề phổ biến, gọi tên các danh lam thắng cảnh.
-
Nhớ tên trường, địa chỉ lớp học, kể tên tuổi, giới tính, giới thiệu các thành viên gia đình…
Phương pháp giáo dục tích hợp giúp trẻ phát triển ngôn ngữ
Phương pháp giáo dục tích hợp là phương pháp giáo dục đa năng, cho phép trẻ tiếp cận nhiều lĩnh vực khác nhau trong quá trình học tập, từ đó giúp con phát triển kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp.
Các hoạt động trong phương pháp giáo dục tích hợp có tính tương tác cao giữa các môn học, giúp trẻ hình thành khả năng liên hệ và kết nối ý tưởng giữa các lĩnh vực khác nhau. Từ đó, trẻ có thể nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ và giải thích ý tưởng của mình rõ ràng, logic hơn.
Cụ thể khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ giai đoạn này như sau:
-
Trẻ có thể hiểu những câu nói đơn giản trong giao tiếp và thực hiện các yêu cầu của người lớn.
-
Diễn đạt mong muốn, suy nghĩ bằng lời nói để người khác có thể hiểu được.
-
Sử dụng từ ngữ sao cho lễ phép, phù hợp với các tình huống giao tiếp.
-
Có thể đọc thơ, kể chuyện, diễn đạt lại câu chuyện dựa trên những câu hỏi…
Phương pháp giáo dục tích hợp giúp trẻ phát triển tình cảm và kỹ năng sống
Phương pháp giáo dục tích hợp trong mầm non giúp trẻ phát triển tình cảm và kỹ năng sống bằng cách khuyến khích con tham gia các hoạt động học tập và trải nghiệm thực tế trong môi trường đa dạng. Đây là những hoạt động giúp trẻ phát triển kỹ năng xã hội, cảm xúc, tư duy và độc lập.
Cụ thể, phương pháp giáo dục này giúp trẻ phát triển tình cảm bằng cách khuyến khích con thể hiện cảm xúc của mình và tương tác với người khác. Khi tham gia các hoạt động học tập tích hợp, trẻ được khuyến khích thể hiện những suy nghĩ, ý tưởng của mình cũng như lắng nghe ý kiến của người khác. Điều này giúp trẻ phát triển khả năng thể hiện và điều khiển cảm xúc của mình, học cách tôn trọng người khác cũng như đối xử phù hợp với mọi người xung quanh.
Phương pháp giáo dục tích hợp giúp trẻ phát triển thẩm mỹ
Giáo dục tích hợp có thể giúp trẻ mầm non phát triển thẩm mỹ bằng cách khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động học tập và trải nghiệm thực tế liên quan tới nghệ thuật, âm nhạc, văn học, thể thao cùng nhiều hoạt động sáng tạo khác.
Các hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, tô màu, xếp hình, nặn đất sét… giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, cảm nhận và thể hiện tư duy cá nhân. Đây cũng là hoạt động khuyến khích con tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật, tác giả văn học, tác giả một bản nhạc nào đó, từ đó con có thể học hỏi và cảm nhận thêm về nghệ thuật.
Các hoạt động thể thao và vận động như chơi đá bóng, đu dây, leo núi… cũng có thể giúp trẻ phát triển thẩm mỹ bằng cách khuyến khích con cảm nhận và thể hiện sự thăng hoa, sức mạnh và sự cân bằng.
Cách thức tiến hành dạy học tích hợp ở trẻ mầm non của giáo viên
Tiến hành phương pháp dạy học tích cực cho trẻ mầm non, giáo viên có thể tổ chức hoạt động giáo dục theo các cách dưới đây:
Tổ chức hoạt động giáo dục tích hợp theo quan điểm đơn môn
Theo quan điểm đơn môn, giáo viên sẽ sử dụng và khai thác những cơ hội giúp trẻ phát huy khả năng của mình trong hoạt động thuần nhất của một môn học cụ thể. Ví dụ: Trong hoạt động vẽ hồ cá, giáo viên cho trẻ quan sát những con cá bơi trong nước, vẽ theo cảm nhận sau đó tô màu theo sở thích. Tiếp theo, giáo viên có thể để con trao đổi với bạn bên cạnh và hoàn thiện tranh vẽ của mình. Cuối cùng, giáo viên khuyến khích trẻ nói cảm nhận về tranh vẽ và làm động tác bơi giống con cá.
Tổ chức giáo dục tích hợp theo quan điểm đa môn
Khác với đơn môn, nội dung giáo dục theo quan điểm đa môn có liên quan đến kiến thức và kỹ năng của nhiều bộ môn khác nhau, giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm và thực hành. Ví dụ: Khi học về sự khác nhau giữa các loài chim, giáo viên có thể cho trẻ xem tranh vẽ các loài chim và để trẻ phân loại chúng theo màu sắc, kích thước hay những đặc điểm khác nhau. Sau đó, giáo viên có thể hát một bài hát về chim và hướng dẫn trẻ vẽ các loài chim mà mình yêu thích.
Tổ chức giáo dục tích hợp liên môn và xuyên môn
Khả năng nhận thức của trẻ mầm non còn hạn chế, bởi vậy các hoạt động của giáo viên gần như dừng lại ở mức độ liên hệ mở rộng kiến thức cho trẻ từ thực tế đồng thời khơi gợi những kỹ năng và kiến thức của bản thân để giải quyết những tình huống cụ thể.
Ví dụ: Với chủ đề tìm hiểu về các loài côn trùng, giáo viên cho trẻ thảo luận về con kiến (đặc điểm, nơi chúng sinh sống, thức ăn của chúng…). Tiếp tục, giáo viên cho trẻ quan sát tranh để giúp trẻ nhận biết được sự giống và khác nhau của kiến và các côn trùng khác. Từ những kiến thức tìm hiểu, trẻ có thể đúc kết những kiến thức cho riêng mình.
Tìm hiểu phương pháp giáo dục dựa trên dự án trong mầm non
Giáo dục sớm cho trẻ từ 0-6 tuổi: Hiểu đúng để áp dụng đúng
Hướng dẫn phương pháp giáo dục trí tuệ cho trẻ mầm non
Các hoạt động dạy học theo phương pháp giáo dục tích hợp hướng tới học sinh
Tìm hiểu về phương pháp giáo dục tích hợp, không thể bỏ qua các hoạt động dạy học theo phương pháp này, đó là:
-
Thảo luận nhóm: Đây là hoạt động thúc đẩy tinh thần đoàn kết cũng như thể hiện ý kiến cá nhân của trẻ, giúp trẻ hứng thú khám phá kiến thức mới về cuộc sống xung quanh.
-
Giải quyết vấn đề: Hoạt động giải quyết vấn đề giúp trẻ xác định tình huống cụ thể, phân tích tình huống và đề xuất những cách giải quyết phù hợp.
-
Đóng vai: Đây là một trong những hoạt động nhận được sự chú ý của các bạn nhỏ mầm non. Khi đóng vai, trẻ có sự liên tưởng đến kiến thức để tham gia thảo luận ở phần sau.
-
Trò chơi: Chơi mà học là hoạt động tổ chức trò chơi có tính khoa học, thúc đẩy trẻ tìm hiểu, học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Tùy từng độ tuổi và khả năng nhận thức của trẻ mà giáo viên nên lựa chọn những trò chơi phù hợp, đảm bảo vừa sức và giúp con luôn hào hứng.
-
Khám phá: Để tiến hành hoạt động khám phá, giáo viên cần lựa chọn chủ đề phù hợp với trình độ, độ tuổi của bé, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết để trẻ thực hành. Trong hoạt động khám phá, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, gợi mở để khuyến khích trẻ tự tìm tòi và có những đánh giá riêng.
-
Trải nghiệm: Trẻ thực hiện quan sát, suy nghĩ, cảm nhận và hành động, kết hợp và rèn luyện thể chất lẫn trí não trong học tập. Đây là hoạt động có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
-
Dạy học theo dự án: Hoạt động dạy học theo dự án trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên, giáo viên gợi mở tạo hứng thú cho trẻ để xác định kiến thức hiểu biết. Tiếp theo, giáo viên cho học sinh triển khai các hoạt động khám phá. Cuối cùng, giáo viên tiến hành đánh giá kết quả học tập và rút ra bài học kinh nghiệm của trẻ.
Những vấn đề giáo viên mầm non nên quan tâm khi áp dụng phương pháp giáo dục tích hợp dạy trẻ
Để áp dụng hiệu quả phương pháp giáo dục tích hợp cho trẻ mầm non, giáo viên nên chú ý:
-
Nắm vững kỹ thuật dạy học tích cực: Việc trao đổi và tích lũy kinh nghiệm để áp dụng vào dạy học thực tế là điều cần thiết với bất kỳ giáo viên nào.
-
Hỗ trợ trẻ phát triển các giác quan: Giáo viên cần tổ chức các hoạt động vui chơi học tập có sử dụng đa dạng các giác quan như nghe, ngửi, cầm nắm và cảm nhận sau đó khuyến khích trẻ nêu ý kiến/ cảm nhận của bản thân để cùng thảo luận và tiếp thu kiến thức.
-
Vận dụng phương pháp hợp lý: Giáo viên có thể kết hợp các phương pháp với nhau một cách hợp lý, làm sao để đảm bảo tiết học hiệu quả, không lộn xộn.
Trên đây là toàn bộ thông tin tổng hợp liên quan đến phương pháp giáo dục tích hợp trong mầm non để bạn đọc tham khảo. Theo dõi thêm các bài viết về giáo dục sớm, nuôi dạy con, học tiếng Anh… tại website monkey.edu.vn!
Integrative learning - Ngày truy cập 24/4/2023
https://intranet.ecu.edu.au/learning/curriculum-design/teaching-strategies/integrative-learning
Integration vs. Discipline-Based Approaches to Learning: Not an Either/Or - Ngày truy cập 24/4/2023
https://blog.lowellschool.org/blog/integration-vs.-discipline-based-approaches-to-learning-not-an-either-or