zalo
Soạn bài Sự tích hoa tỉ muội tiếng Việt lớp 2 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Học tiếng việt

Soạn bài Sự tích hoa tỉ muội tiếng Việt lớp 2 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống

Đào Nhàn
Đào Nhàn

20/12/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Hướng dẫn trả lời các câu hỏi của bài Sự tích hoa tỉ muội tiếng Việt lớp 2, tập 1 sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Từ đó giúp các em học sinh hiểu rõ nội dung bài học và hoàn thành bài tập một cách dễ dàng.

Nội dung bài học sự tích hoa tỉ muội có tất cả 7 phần gồm: khởi động, đọc bài, trả lời các câu hỏi, luyện tập, viết, nói và nghe, vận dụng. Chúng ta sẽ cùng nhau đi giải bài tập sự tích hoa tỉ muội từ phần 1 đến phần 7.

Phần I: Khởi động

Trong phần khởi động của bài sự tích hoa tỉ muội sách lớp 2, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận về một vấn đề như sau:

Đề bài: Nói về những việc anh chị thường làm cho em.

Việc anh chị có thể làm cho em là trông em, chơi với em. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Gợi ý trả lời:

Những việc mà anh chị thường làm cho em có thể kể đến như:

  • Hướng dẫn em học bài.

  • Chơi với em, trông em, bế em.

  • Buộc tóc, chải đầu cho em.

  • Mặc quần áo cho em.

  • Rửa tay cho em,...

Ngoài những việc làm kể trên, em thấy anh hoặc chị còn có thể làm việc gì cho em thì hãy liệt kê thêm vào câu trả lời của mình nhé.

Phần II: Đọc bài Sự tích hoa tỉ muội lớp 2

Sau phần khởi động với những câu trả lời đầy thú vị vừa rồi, chúng ta sẽ cùng nhau đọc câu chuyện sự tích hoa tỉ muội để tìm hiểu nội dung của bài học.

Đọc bài sự tích hoa tỉ muội lớp 2. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

SỰ TÍCH HOA TỈ MUỘI

Ngày xưa, có hai chị em Nết và Na mồ côi cha mẹ, sống trong ngôi nhà nhỏ bên sườn núi. Nết thương Na, cái gì cũng nhường em. Đêm đông, gió ù ù lùa vào nhà, Nết vòng tay ôm em:

– Em rét không?

Na ôm choàng lấy chị, cười rúc rích:

– Ấm quá!

Nết ôm em chặt hơn, thầm thì:

– Mẹ bảo, chị em mình là hai bông hoa hồng, chị là bông to, em là bông nhỏ. Chị em mình mãi bên nhau nhé!

Na gật đầu. Hai chị em cứ thế ôm nhau ngủ.

Năm ấy, nước lũ dâng cao, Nết cõng em chạy theo dân làng đến nơi an toàn. Hai bàn chân Nết rớm máu. Thấy vậy, Bụt thương lắm. Ông giơ gậy thần lên. Kì lạ thay, bàn chân Nết bỗng lành hẳn. Nơi bàn chân Nết đi qua, mọc lên những khóm hoa đỏ thắm. Hoa kết thành chùm, bông hoa lớn che chở cho nụ hoa bé nhỏ. Chúng cũng đẹp như tình chị em của Nết và Na.

Dân làng đặt tên cho loài hoa ấy là hoa tỉ muội.

(Theo Trần Mạnh Hùng)

Lưu ý khi tập đọc sự tích hoa tỉ muội, các em hãy chú ý ngắt nghỉ đúng dấu chấm, dấu phẩy trong bài và đọc thật diễn cảm. Ba mẹ nên dành chút thời gian đọc bài sự tích hoa tỉ muội mẫu cho con một lần để con biết học cách thể hiện biểu cảm qua giọng đọc.

Giải nghĩa một số từ ngữ trong bài:

  • Tỉ muội: là từ Hán Việt, có nghĩa là chị em gái (tỉ: chị gái, muội: em gái)

  • Hoa tỉ muội: một loại hoa hồng, mọc thành chùm với rất nhiều nụ.

Phần III: Trả lời câu hỏi bài 25 sự tích hoa tỉ muội

Sau khi đọc sách tiếng Việt lớp 2 bài sự tích hoa tỉ muội, chắc hẳn các em đều đã nắm rõ nội dung của bài là gì rồi. Dựa vào nội dung bài học, em hãy trả lời câu hỏi bài sự tích hoa tỉ muội dưới đây.

Các em học sinh giải bài tập tiếng Việt sự tích hoa tỉ muội. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Câu 1: Tìm những chi tiết cho thấy chị em Nết, Na sống bên nhau rất đầm ấm.

Câu trả lời:

Các chi tiết cho thấy chị em Nết, Na sống bên nhau rất đầm ấm là:

  • Chị Nết có gì cũng nhường em

  • Đêm đông, Nết ôm em cho đỡ rét

  • Na ôm choàng lấy chị, cười rúc rích

  • Nết ôm em thật chặt, thì thầm

  • Hai chị em ôm nhau ngủ,…

Câu 2: Nước lũ dâng cao, chị Nết đưa Na đến nơi an toàn bằng cách nào?

Câu trả lời: 

Nước lũ dâng cao, chị Nết đưa Na đến nơi an toàn bằng cách cõng em trên lưng.

Câu 3: Nói về điều kì lạ xảy ra khi Nết cõng em chạy lũ.

Câu trả lời: 

Điều kì lạ xảy ra khi Nết cõng em chạy lũ là: khi Nết cõng em chạy lũ, chân Nết bị chảy máu, ông Bụt đã dơ gậy lên làm phép cho chân Nết lành lại.

Câu 4: Theo em, vì sao dân làng đặt tên loài hoa ấy là hoa tỉ muội?

Câu trả lời:

Theo em, dân làng đặt tên loài hoa ấy là hoa tỉ muội vì loài hoa ấy đẹp như tình cảm của hai chị em Nết và Na, cách đặt tên hoa như vậy còn để ca ngợi tình chị em của Nết Na.

Xem thêm:

Phần IV: Luyện tập theo bài sự tích hoa tỉ muội đã học

Sau khi đọc bài và trả lời câu hỏi sự tích hoa tỉ muội ở phần III, chúng ta đã nắm rõ ý nghĩa nội dung bài học là: ca ngợi tình cảm chị em thắm thiết của Nết và Na. Chính tình cảm đó đã trở thành lý do khiến loài hoa tỉ muội xuất hiện. Loại hoa này mọc thành chùm, bông hoa lớn che chở cho nụ hoa bé cũng giống như người chị luôn che chở cho em.

Tiếp theo, các em học sinh hãy tiếp tục dựa vào bài sự tích hoa tỉ muội lớp 2 đã tìm hiểu ở trên để trả lời các câu hỏi luyện tập ở phần này.

Câu 1: Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm từ ngữ chỉ đặc điểm hoặc từ chỉ hoạt động thích hợp.

Câu trả lời:

Trong các từ đã cho,

  • Các từ ngữ chỉ đặc điểm là: đỏ thắm, bé nhỏ, đẹp, cao.

  • Các từ ngữ chỉ hoạt động là: chạy theo, cõng, đi qua, gật đầu.

Câu 2: Đặt một câu nói về việc chị Nết đã làm cho em Na.

Câu trả lời: 

Đặt câu nói về việc chị Nết đã làm cho em Na:

  • Chị Nết luôn nhường em.

  • Chị Nết ôm em để em được ấm hơn trong đêm đông giá rét.

  • Chị Nết kể chuyện cho em nghe.

  • Chị Nết cõng em đi tránh lũ.

Phần V: Viết

Trong phần Viết của bài sự tích hoa tỉ muội tiếng Việt lớp 2, chúng ta sẽ được học cách viết chữ N hoa và câu ứng dụng: nói lời hay, làm việc tốt.

Viết chữ hoa N

Cách viết chữ N hoa. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Quy chuẩn viết chữ N hoa:

    • Chữ N hoa cỡ to có độ cao 5 li, rộng 6 li.

    • Chữ N hoa cỡ nhỏ có độ cao 2,5 li, rộng 3 li.

    • Chữ N hoa gồm 3 nét cơ bản: móc ngược, thẳng xiên và móc xuôi (hơi nghiêng).

  • Cách viết chữ N hoa:

    • Bước 1: Đặt bút trên đường kẻ ngang 2, viết nét móc ngược trái tới tận đường kẻ ngang 6 (viết đầu nét hơi tròn).

    • Bước 2: Tại điểm dừng bút của nét móc ngược trái đầu tiên, chuyển hướng bút để viết nét thẳng xiên, dừng bút tại đường kẻ ngang 1.

    • Bước 3: Tại điểm dừng bút của nét thẳng xiên, tiếp tục viết nét móc xuôi phải từ dưới lên, đến đường kẻ 6 thì uống cong xuống và dừng bút tại đường kẻ ngang 5. 

Viết ứng dụng: Nói lời hay, làm việc tốt.

Cách viết câu ứng dụng:

Viết chữ N hoa ở đầu câu theo hướng dẫn trên. Chú ý cách nối chữ viết hoa với chữ viết thường, khoảng cách giữa các tiếng trong câu bằng độ rộng của chữ o. Dấu sắc được đặt bên trên chữ o, ô; dấu huyền bên trên chữ ơ, a; dấu nặng đặt dưới chữ ê. Dấu chấm đặt cuối câu.

Phần VI: Nói và nghe - Kể chuyện Hai anh em trang 111

Trong phần nói và nghe bài 25 sự tích hoa tỉ muội lớp 2, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá một câu chuyện tương tự, ca ngợi về tình cảm anh em yêu thương nhau. Vậy câu chuyện đó là gì? Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá tìm hiểu bằng cách đi trả lời các câu hỏi trang 111 sgk tiếng Việt lớp 2 dưới đây.

Câu 1: Dựa vào câu hỏi gợi ý, đoán nội dung của từng tranh.

Truyện Hai anh em

(Theo Tiếng Việt 2, NXB Giáo dục, 2006)

Câu trả lời:

Nội dung của từng tranh là:

  • Tranh 1: Vẽ cảnh hai anh em chia lúa.

  • Tranh 2: Vẽ cảnh người em nghĩ tới anh và mang phần lúa của mình để sang đống lúa của người anh.

  • Tranh 3: Vẽ cảnh người anh nghĩ tới em và mang phần lúa của mình để sang đống lúa của người em.

  • Tranh 4: Vẽ cảnh hai anh em xúc động ôm chầm lấy nhau khi biết chuyện cả hai đều thương nhau, biết nghĩ và chia sẻ cho nhau.

Câu 2: Nghe kể chuyện bài Hai anh em.

Sau khi quan sát, tìm hiểu nội dung truyện theo từng bức tranh trên, chúng ta sẽ cùng nhau đi đọc bài Hai anh em để xem nội dung mà các em dự đoán có đúng hay không nhé. Khi đọc bài này, các em cũng cần lưu ý đọc to, rõ ràng, rành mạch, ngắt nghỉ đúng dấu chấm, dấu phẩy tương tự như khi đọc truyện cổ tích sự tích hoa tỉ muội.

HAI ANH EM

1. Ở cánh đồng nọ, có hai anh em cày chung một đám ruộng. Ngày mùa đến, họ gặt lúa và chất thành hai đống bằng nhau, để cả ở ngoài đồng.

2. Đêm hôm ấy, người em nghĩ : “Anh mình còn phải nuôi vợ con. Nếu phần lúa của mình cũng bằng của anh ấy thì thật không công bằng.” Nghĩ vậy, người em ra đồng lấy lúa của mình bỏ thêm vào phần của anh.

3. Cũng đêm ấy, người anh bàn với vợ : “Em ta sống một mình vất vả. Nếu phần của chúng ta cũng bằng phần của chú ấy thì thật không công bằng." Thế rồi anh ra đồng lấy lúa của mình bỏ thêm vào phần của em.

4. Sáng hôm sau, hai anh em cùng ra đồng. Họ rất đỗi ngạc nhiên khi thấy hai đống lúa vẫn bằng nhau.

Cho đến một đêm, hai anh em cùng ra đồng, rình xem vì sao lại có sự kì lạ đó. Họ bắt gặp nhau, mỗi người đang ôm trong tay những bó lúa định bỏ thêm cho người kia. Cả hai xúc động, ôm chầm lấy nhau.

(Theo Tiếng Việt 2, NXB Giáo Dục, 2006)

Câu 3: Chọn kể 1-2 đoạn của câu chuyện theo tranh

Sau khi đọc xong câu chuyện Hai anh em ở phần Nói và nghe của bài sự tích hoa tỉ muội lớp 2 tập 1, em hãy kể lại 1-2 đoạn của câu chuyện theo tranh bằng lời của mình.

Gợi ý trả lời:

Ở cánh đồng nọ, có hai anh em cày chung một đám ruộng. Ngày mùa đến, họ gặt lúa và chất thành hai đống bằng nhau, để cả ở ngoài đồng. Đếm hôm ấy, người em nghĩ thương anh nên đã ra đồng lấy lúa của mình bỏ thêm vào phần của anh. Cũng đêm ấy, người anh bàn với vợ rồi ra đồng lấy lúa của mình bỏ thêm vào phần của em. Sáng hôm sau, hai anh em cùng ra đồng. Họ rất đỗi ngạc nhiên khi thấy hai đống lúa vẫn bằng nhau. Cho đến một đêm, hai anh em cùng nhau ra đồng, rình xem vì sao có chuyện kì lạ đó. Họ thấy mỗi người đều ôm trong tay những bó lúa định bỏ thêm cho người kia. Cả hai xúc động, ôm chầm lấy nhau. Qua câu chuyện chúng ta rút ra bài học: Anh chị em trong một nhà phải luôn yêu thương nhau, biết lo cho nhau, biết nhường nhịn nhau,…

Xem thêm:

Phần VII: Vận dụng câu chuyện sự tích hoa tỉ muội bài 25

Yêu cầu: Kể cho người thân những sự việc cảm động trong câu chuyện “Hai anh em”.

Gợi ý trả lời: Với đề bài này, các em hãy đọc và nhớ lại nội dung câu chuyện Hai anh em. Sau đó kể lại cho người thân của mình những sự việc cảm động được nhắc đến trong truyện.

Bé kể lại chuyện Hai anh em cho mẹ nghe. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Khi kể lại, các em cần lưu ý các chi tiết sau:

  • Người em nghĩ thương anh: “Anh mình còn phải nuôi vợ con. Nếu phần lúa của mình cũng bằng của anh ấy thì thật không công bằng” nên đã ra đồng lấy lúa của mình bỏ thêm vào phần của anh.

  • Người anh nghĩ thương em: “Em ta sống một mình vất vả. Nếu phần của chúng ta cũng bằng phần của chú ấy thì thật không công bằng" nên đã ra đồng lấy lúa của mình bỏ thêm vào phần của em.

  • Cho đến một đêm, hai anh em cùng nhau ra đồng, rình xem vì sao có chuyện kì lạ là họ đã bỏ thêm lúa vào đống của người kia rồi mà cả 2 đống vẫn bằng nhau. Họ thấy mỗi người đều ôm trong tay những bó lúa định bỏ thêm cho người kia nên đã xúc động, ôm chầm lấy nhau.

Như vậy, thông qua bài viết này Monkey đã giúp các em nắm rõ nội dung bài sự tích hoa tỉ muội và hoàn thành các bài tập trong sách giáo khoa. Hy vọng những chia sẻ kiến thức của Monkey sẽ giúp các em ngày càng học tốt hơn.

Ngoài ra, để giúp các con học giỏi môn tiếng Việt, ba mẹ hãy thường xuyên truy cập website Monkey.edu.vn để tìm kiếm các bài giảng, chia sẻ kiến thức và cho con học ứng dụng VMonkey nhé. 

Ứng dụng VMonkey giúp con học giỏi môn tiếng Việt. (Ảnh: Monkey.edu.vn)

Đây là ứng dụng dạy tiếng Việt cho trẻ Mầm non & Tiểu học theo Chương trình GDPT mới và áp dụng rất nhiều phương pháp giáo dục sớm hiện đại. Hiện nay, VMonkey đã được các chuyên gia đánh giá cao, trao nhiều giải thưởng danh giá và nhận được sự tin tưởng sử dụng của rất nhiều phụ huynh. Các bé nào chưa được học VMonkey, ba mẹ hãy tìm hiểu sớm ngay từ bây giờ nhé!

Video giới thiệu ứng dụng VMonkey.

VMonkey - Xây Dựng Nền Tảng Tiếng Việt Vững Chắc Cho Trẻ Nhờ Các Phương Pháp Dạy Học Hiện Đại ở Mầm Non và Tiểu Học.

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey