zalo
Chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối - Giai đoạn quan trọng không nên bỏ qua
Thai kỳ

Chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối - Giai đoạn quan trọng không nên bỏ qua

Đào Nhàn
Đào Nhàn

06/07/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Ba tháng cuối thai kỳ là giai đoạn quan trọng đòi hỏi mẹ bầu phải chuẩn bị sẵn sàng về sức khỏe, tinh thần để đón bé chào đời. Trong bài viết này, Monkey sẽ hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối an toàn, khoa học nhất.

Sự thay đổi của thai nhi và bà bầu 3 tháng cuối

Trước khi đi tìm hiểu về cách chăm sóc sức khỏe bà bầu 3 tháng cuối, chúng ta cần hiểu rõ về sự phát triển của thai nhi và sự thay đổi sinh lý ở mẹ bầu trong giai đoạn này.

Sự thay đổi của bà bầu 3 tháng cuối

Bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3, cơ thể mẹ bầu ngày càng có những thay đổi rất rõ rệt. Điển hình nhất là bụng bầu ngày càng to do thai nhi phát triển cả về cân nặng lẫn kích thước. 

Bụng to ra khiến phần ngực phải ngã ra sau, vai hạ xuống, sống lưng đưa về phía trước để có thể giữ được thăng bằng của cơ thể. Cùng với đó là sự chèn ép của thai nhi lên cột sống khiến mẹ bầu 3 tháng cuối thường cảm thấy đau lưng, mệt mỏi.

Bà bầu 3 tháng cuối có nhiều sự thay đổi. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Những vết rạn xảy ra ở bụng, đùi, mông hay bầu vú có hình dáng cong, màu đỏ tía hoặc hồng phấn thường xuất hiện ở hầu hết các bà bầu. Ngoài ra, bà bầu 3 tháng cuối còn thường xuyên gặp tình trạng tê chân, giãn tĩnh mạch, phù chân/tay,...hay các cơn gò Braxton Hicks xảy ra với tần suất nhiều hơn và cường độ mạnh hơn.

Càng sát thời điểm dự kiến sinh, bà bầu còn phải để ý đến các dấu hiệu thay đổi như xuất hiện dịch âm đạo đặc trong hoặc hơi có máu. Chi tiết này có thể dấu hiệu cho thấy cổ tử cung đang bắt đầu giãn nở, chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ. Có trường hợp sẽ thấy nước ồ ạt chảy ra từ vùng âm đạo, đây chính là hiện tượng vỡ ối cần tiến hành đưa thai nhi ra ngoài ngay.

Về cân nặng, mẹ bầu 3 tháng cuối có thể tăng từ 0,2-0,5 kg mỗi tuần. Tổng trọng lượng từ lúc mới mang thai đến khi sinh sẽ tăng được khoảng 11-15 kg, có trường hợp tăng nhiều hơn. Số cân nặng mẹ bầu tăng lên trong giai đoạn mang thai bao gồm trọng lượng thai nhi, nhau thai, nước ối, thể tích máu, chất lỏng và mô vú.

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối

Cùng với sự thay đổi của mẹ bầu là sự tiếp tục phát triển và hoàn thiện của thai nhi trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Tính đến khi em bé chào đời, trọng lượng của bé có thể đạt từ 2,7 - dưới 5kg, dài từ 38 - 53 cm.

Hình ảnh thai nhi 3 tháng cuối. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vào tuần thứ 36 của thai kỳ, đầu thai nhi bắt đầu di chuyển đến vùng xương chậu và ở trong đó khoảng 2 tuần cuối. Trong khi đó, các cơ quan, bộ phận trên cơ thể của bé vẫn tiếp tục phát triển, đặc biệt là não bộ phát triển cực kỳ nhanh chóng.

Ở giai đoạn này, thai nhi có thể nhìn, nghe và có những cử chỉ như mút ngón tay, đạp,...Vì vậy, mẹ có thể trò chuyện giao tiếp với thai nhi để gắn kết tình cảm, giúp cho bé cảm nhận tốt hơn.

Xem thêm:

Cách chăm sóc sức khỏe bà bầu 3 tháng cuối

Tam cá nguyệt thứ 3 là giai đoạn thai nhi hoàn tất việc phát triển đầy đủ các cơ quan, bộ phận trên cơ thể, chờ ngày chào đời. Chính vì vậy, chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối cần đặc biệt lưu ý đến chế độ dinh dưỡng, lối sống sinh hoạt để cho bé khỏe mạnh.

Các mốc khám thai bà bầu 3 tháng cuối cần lưu ý

Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý đi khám thai định kỳ đầy đủ để đảm bảo thai nhi vẫn phát triển khỏe mạnh, bình thường. Các mốc khám thai quan trọng trong 3 tháng cuối cụ thể như sau:

  • Từ tuần thứ 28 – 32 của thai kỳ: Khám 1-2 lần.

  • Từ tuần thứ 32 – 36 của thai kỳ: Khám đều đặn 2 tuần/lần.

  • Từ tuần thứ 36 – 39 của thai kỳ: Khám mỗi lần 1 tuần.

  • Sau tuần thứ 39: Khám thai thường xuyên 2 ngày/lần.

Lịch khám thai dành cho bà bầu 3 tháng cuối. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Mục đích của các lần khám thai này là: siêu âm nghe tim thai, kiểm tra sự phát triển của thai nhi, đo chiều cao tử cung, kích thước vòng bụng. Trong lần khám thai tuần 32-36, mẹ bầu còn cần phải tiến hành xét nghiệm nước tiểu để tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ và tiêm vaccine phòng uốn ván. 

Mũi tiêm vaccine uốn ván thứ 2 sẽ được tiêm cách ngày dự sinh 1 tháng. Một số trường hợp cần được thực hiện xét nghiệm Non-stress Test theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, mẹ bầu 3 tháng cuối có thể cần phải chụp X-quang khung chậu và siêu âm màu. 

Các mẹ bầu cần ghi nhớ lịch khám thai định kỳ 3 tháng cuối để nắm rõ tình hình phát triển của bé. Đồng thời qua kết quả khám thai, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn phù hợp về các dấu hiệu chuyển dạ để giúp mẹ bầu có những chuẩn bị cho thời kỳ sinh nở tốt nhất.

Chế độ dinh dưỡng chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối

Các chuyên gia sản khoa cho biết, thai nhi 3 tháng cuối nếu được cung cấp dinh dưỡng tốt sẽ phát triển vượt bậc về thể chất và trí tuệ. Vì vậy, việc chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối thông qua chế độ ăn uống hàng ngày là điều rất quan trọng. 

Những thực phẩm nên ăn trong 3 tháng cuối thai kỳ

Các loại thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng cuối. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Để giúp mẹ bầu có đủ dưỡng chất để nuôi thai nhi, chúng ta nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu protein, canxi, vitamin và khoáng chất cần thiết như sau:

  • Trứng: Trong quả trứng có chất choline với tác dụng duy trì chức năng tế bào, đồng thời hình thành bộ nhớ cho thai nhi.

  • Cá hồi: Đây là loại thực phẩm rất giàu dưỡng chất như đạm, kali, vitamin D…tốt cho sự phát triển trí não và thể chất của bé.

  • Các loại hạt như: hạnh nhân, điều, hạt dẻ, óc chó,…có chứa nhiều protein, chất xơ và chất béo tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

  • Rau xanh, trái cây: Là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, có tác dụng hỗ trợ cơ thể sản sinh collagen, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ mẹ khỏi sự xâm nhập của các mầm bệnh gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, đây còn là nguồn bổ sung chất xơ nhiều, giúp phòng ngừa và điều trị chứng táo bón khi mang thai hiệu quả.

  • Sữa: Trong sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng như đạm, canxi, sắt, vitamin D,... giúp cho xương của mẹ và bé chắc khỏe, phát triển tốt và giảm nguy cơ loãng xương sau sinh.

Những thực phẩm không nên ăn trong 3 tháng cuối thai kỳ

Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối cần kiêng đồ ăn cay nóng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài những loại thực phẩm nên ăn thì bà bầu 3 tháng cuối còn phải chú ý đến các món ăn gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Dưới đây là các loại thực phẩm mà phụ nữ mang thai ba tháng cuối cần tránh:

  • Đồ ăn cay, nóng và béo: Điển hình như các món chiên rán rất nhiều chất béo và thường được ăn với các loại gia vị cay, chua,... Chúng có thể gây nên chứng ợ nóng, khó tiêu và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của thai phụ.

  • Đồ ăn nhiều natri: Ví dụ như các món khoai tây chiên, nước sốt, dưa muối chua, đồ ăn đóng hộp,...Hàm lượng natri trong thực phẩm cao có thể khiến bà bầu đầy hơi và sưng. Vì vậy, bà bầu nên tránh xa các món này và nên uống nhiều nước để cân bằng natri trong cơ thể.

  • Đồ uống có ga và caffeine: Trong các loại đồ uống này chứa rất nhiều chất ngọt nhân tạo. Nếu sử dụng chúng có thể gia tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ và các biến chứng thai sản đe dọa tính mạng của mẹ và bé.

  • Rượu, bia, thuốc lá,...: Đây là các loại chất kích thích có thể gây co bóp tử cung, dẫn đến sinh non. Bên cạnh đó, các chất này còn có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm cho thai nhi, đặc biệt là đường hô hấp.

  • Đồ ăn vặt: Khi mang thai hầu hết bà bầu đều thèm ăn vặt. Tuy nhiên, việc lựa chọn các món ăn không lành mạnh như gà rán, hambugur,...có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ. Thay vào đó mẹ có thể lựa chọn các loại hạt, bánh mì, ngũ cốc,....giàu dinh dưỡng để ăn vào các bữa phụ.

Chế độ sinh hoạt tốt cho bà bầu 3 tháng cuối

Để chăm sóc sức khỏe bà bầu 3 tháng cuối được tốt thì ngoài chế độ dinh dưỡng, các thai phụ còn phải chú ý vận động rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, việc luyện tập chỉ nên thực hiện với cường độ vừa phải cùng các bài tập nhẹ nhàng để tránh bị mất sức. Một số bài tập phù hợp cho bà bầu 3 tháng cuối được các chuyên gia khuyến khích như yoga, kegel hay đi bộ,...để giúp cho cơ sàn chậu săn chắc hơn.

Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối nên tập yoga. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Việc đứng hay ngồi lâu có thể gây hiện tượng chóng mặt, ngạ quỵ rất nguy hiểm cho bà bầu, đặc biệt là với người đi dép cao gót. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên chú ý vận động, di chuyển phù hợp và nên sử dụng giày dép đế thấp để đảm bảo an toàn. Khi cảm thấy mệt mỏi, hãy ngồi hoặc nằm nghỉ để thư giãn.

Ngoài ra, bà bầu 3 tháng cuối nên đi vệ sinh ngay khi có cảm giác để tránh hiện tượng són tiểu. Buổi tối trước khi đi ngủ nên hạn chế uống nước để giảm số lần đi vệ sinh trong đêm, dẫn đến ảnh hưởng giấc ngủ ngon.

Những điều cần kiêng kỵ khi mang thai 3 tháng cuối

Chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối ngoài việc quan tâm đến những điều có lợi còn phải lưu ý đến những vấn đề cần kiêng kỵ. Điều này nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Bởi đây là giai đoạn rất nhạy cảm, chỉ cần có những tác động tiêu cực dù rất nhỏ cũng có thể khiến mẹ bầu sinh non.

Bà bầu không nên ăn đồ ăn vặt, đồ ngọt. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Những điều bà bầu 3 tháng cuối cần tránh có thể kể đến như:

  • Quan hệ tình dục: Với những bà bầu có sức khỏe không tốt, có tiền sử động thai, sảy thai không nên quan hệ tình dục ở 3 tháng cuối để không ảnh hưởng đến thai nhi.

  • Đi xa: Việc đi lại với quãng đường xa trong những tháng cuối thai kỳ có thể khiến mẹ bầu nhức mỏi, thậm chí là động thai, sinh non.

  • Tự lái xe: Bà bầu 3 tháng cuối thường gặp tình trạng chóng mặt nên việc tự lái xe rất nguy hiểm.

  • Mặc quần lót tối màu: Quần lót tối màu khiến cho việc theo dõi dịch âm đạo tiết ra gặp khó khăn. Vì vậy, khi xuất hiện hiện tượng rỉ ối, viêm nhiễm, ra máu báo sẽ rất khó phát hiện để xử lý kịp thời.

  • Ăn các món ăn mặn: Ăn mặn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng huyết áp cao, tiền sản giật, tích nước gây phù nề chân tay và khiến thai nhi bị rối loạn hấp thu dinh dưỡng từ cơ thể của mẹ.

  • Ăn nhiều đồ ngọt: Ngọt là tác nhân xấu đối với căn bệnh đái tháo đường thai kỳ, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Vì vậy, không chỉ riêng 3 tháng cuối mà trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nên hạn chế ăn đồ ngọt.

Tư thế nằm ngủ tốt cho bà bầu 3 tháng cuối

Bước sang giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, bụng bà bầu to hơn rất nhiều. Vì vậy, mẹ bầu cần chú ý đến tư thế nằm phù hợp để có được giấc ngủ ngon và không ảnh hưởng đến thai nhi.

Theo các chuyên gia, tư thế nằm ngủ tốt nhất dành cho bà bầu 3 tháng cuối là nằm nghiêng sang bên trái, chân trái duỗi thẳng, chân phải hơi co lại. 

Tư thế ngủ tốt cho bà bầu 3 tháng cuối. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trong khi đó, với các tư thế nằm ngửa, nằm sấp hay nghiêng sang bên phải mẹ bầu không nên thực hiện. Để giúp cho giấc ngủ ngon hơn, bà bầu có thể sử dụng gối hoặc chăn mềm kê ở dưới bụng và sau lưng. Đồng thời lựa chọn quần áo ngủ rộng rãi sẽ không khiến mẹ có cảm giác khó chịu, dẫn đến mất ngủ.

Khi nào mẹ bà bầu 3 tháng cuối cần đến bệnh viện?

Bà bầu 3 tháng cuối cần đến viện khi có dấu hiệu bất thường. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trong 3 tháng cuối mẹ bầu có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi, các mẹ cần lưu ý đến bệnh viện sản khoa ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường dưới đây:

  • Bụng đau ngày càng nhiều

  • Cảm thấy đau, nóng rát khi đi tiểu

  • Chảy máu âm đạo

  • Thai nhi đạp ít hoặc không thấy động

  • Mẹ bầu hay cảm thấy chóng mặt

  • Cân nặng tăng quá nhiều hoặc quá ít

  • Thấy nước chảy ồ ạt hoặc rò rỉ ối sớm.

Lời khuyên của chuyên gia dành cho bà bầu 3 tháng cuối

Mẹ bầu tham gia lớp học tiền sản. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài những kiến thức chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối quan trọng không thể bỏ qua đã được chia sẻ ở trên thì các chuyên gia còn đưa ra những lời khuyên như sau:

  • Bà bầu 3 tháng cuối nên tham gia lớp học tiền sản để hiểu biết hơn về những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình sinh nở. Từ đó có thể chủ động giải quyết vấn đề hơn trong mọi tình huống xảy ra, phòng ngừa rủi ro.

  • Tìm hiểu và lựa chọn các dịch vụ sinh nở tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng

  • Chuẩn bị đầy đủ tư trang, vật dụng cho cả mẹ và bé khi sinh, sẵn sàng “vượt cạn” bất cứ lúc nào.

Tóm lại, thông qua bài viết này chúng ta đã nắm rõ kiến thức về chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối rất chi tiết. Monkey hy vọng mọi bà bầu sẽ có được sức khỏe tốt nhất để chào đón bé đến với gia đình thuận lợi và an toàn.

Health Tips for Pregnant Women - Ngày truy cập: 5/07/2022

https://www.niddk.nih.gov/health-information/weight-management/healthy-eating-physical-activity-for-life/health-tips-for-pregnant-women

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey