zalo
Bà bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối có nguy hiểm không?
Thai kỳ

Bà bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối có nguy hiểm không?

Đào Nhàn
Đào Nhàn

19/09/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Với bà bầu trong kỳ tam nguyệt cuối cùng thường có nhiều thay đổi trong cơ thể nhất. Hiện tượng ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối là một trong những thay đổi đó. Bài viết dưới đây Monkey sẽ chia sẻ toàn bộ về tình trạng này và ảnh hưởng của nó đến bà bầu và thai nhi các mẹ nhé.

Bà bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối là do đâu?

Ngứa vùng kín không phải là hiện tượng lạ lẫm với chị em phụ nữ. Ngay cả những chị em chưa mang thai cũng có thể gặp phải tình trạng này. Thường nguyên do là vì vệ sinh chưa đúng cách hoặc bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, với bà bầu thì ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối không còn là vấn đề nhỏ nữa vì nó còn ảnh hưởng đến thai nhi. 

Hiện tượng ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối ở bà bầu xảy ra thường do nhiều nguyên nhân. Đó có thể là do rối loạn nội tiết, do thiếu chất, do vệ sinh chưa đúng cách. Hoặc cũng có thể là do viêm âm đạo, viêm đường tiết niệu, hay do bệnh truyền nhiễm. Những lý do này được Monkey xếp vào hai nguyên nhân chính, đó là nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý.

Nguyên nhân sinh lý

Nguyên nhân sinh lý là nguyên nhân đến từ sinh lý, sức khỏe cơ địa của mẹ bầu. Các nguyên nhân này thường vô hại, không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu chất hay vệ sinh chưa đúng cách thì mẹ bầu cần thay đổi.

Rạn da 

Rạn da là nguyên nhân đầu tiên gây ra tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối ở bà bầu. 

Rạn da khiến bà bầu tháng cuối bị ngứa vùng kín. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Càng về các tháng cuối, kích thước tử cung càng lớn, cùng với đó là việc mẹ bầu tăng cân khiến cơ thể rạn da rõ rệt. Ngoài những vị trí chúng ta thường thấy như chân, tay, bụng,... thì lớp da vùng kín cũng có thể bị rạn.

Da vùng kín thường bị rạn ở các vị trí như lông mu, háng, hông. Khi bị căng giãn quá mức các vị trí này rạn nứt ra gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu, thậm chí là hơi châm chích. Các vết rạn vùng kín tương đối giống với vết rạn ở vùng da khác và có màu hồng hay nâu đỏ như vết sẹo. 

Nguyên nhân gây ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối ở bà bầu chỉ xảy ra ở khoảng 20% phụ nữ mang thai. 

Rối loạn nội tiết 

Rối loạn nội tiết là nguyên nhân gây ra rất nhiều “nỗi khổ” cho bà bầu, đặc biệt là các bà bầu tháng cuối, có thể kể đến như ốm nghén, mất ngủ. Trong đó, ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối cũng là biểu hiện của nguyên nhân rối loạn nội tiết.

Rối loạn nội tiết là hiện tượng thay đổi nồng độ hormone (progesterone, estrogen) trong cơ thể mẹ. Gần đến cuối thai kỳ, các hormone này hoạt động mạnh mẽ và tiết ra lượng dịch tương đối nhiều làm mất cân bằng độ pH trong âm đạo. Từ đó vùng kín luôn trong tình trạng ẩm ướt và dễ bị vi khuẩn, viêm nhiễm và gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu. 

Monkey khuyên bà bầu tháng cuối bị ngứa vùng kín do rối loạn nội tiết thì hãy vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không thụt rửa quá sâu và thay quần lót để vùng kín luôn khô thoáng. Dùng dung dịch vệ sinh dành riêng cho bà bầu, có độ pH phù hợp. Ngoài ra mẹ bầu hãy nghỉ ngơi nhiều hơn, uống nhiều nước và giữ tâm lý thoải mái tránh bị stress các mẹ nhé.

Các tuyến tiết dịch hoạt động mạnh mẽ 

Mẹ có biết càng gần ngày em bé chào đời, ngoài các hormone hoạt động mạnh mẽ gây rối loạn nội tiết thì các tuyến tiết dịch cũng sản xuất dịch nhiều hơn trong cơ thể mẹ. 

Có thể thấy rõ nhất đó là tuyến tiết dịch của âm đạo. Những ngày cuối của thai kỳ âm đạo tiết nhiều dịch trơn để giúp em bé dễ dàng chui ra ngoài hơn. Những dịch này được tiết ra bên trong âm đạo và trôi ra ngoài gây tình trạng ẩm ướt vùng kín. Chính thế đã làm mẹ luôn cảm thấy ngứa ngáy, ươn ướt khó chịu.

Cùng với đó là tuyến mồ hôi ở dưới háng, ở hai bên môi lớn hoạt động mạnh hơn và cũng gây ẩm ướt. Mồ hôi ra nhiều khiến vùng kín mẹ dễ bị viêm nhiễm và vi khuẩn xâm nhập hơn khiến nổi mẩn và ngứa ngáy. 

Tuyến mồ hôi hoạt động mạnh gây ngứa vùng kín. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Do tăng sinh mạch máu ngoài da 

Tương tự như hormone và các tuyến tiết dịch, ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối ở bà bầu còn do nguyên nhân là tăng sinh mạch máu ngoài da. Sở dĩ cơ thể cần tăng sinh mạch máu ngoài da là vì cần cho các hoạt động trao đổi chất cũng như các nhu cầu cơ bản, trong đó có da ở vùng bẹn và lông mu. Việc này vô tình đã khiến nhiều chị em phụ nữ bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối.

Cơ thể mẹ thiếu vitamin B12  

Vitamin B12 (Cobalamin) là một loại vitamin rất quan trọng trong việc sản xuất tế bào, từ đó thúc đẩy sự phát triển của tóc, móng, đặc biệt là da khỏe mạnh.

Các thực phẩm giúp bổ sung vitamin B12. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Bà bầu thiếu vitamin B12 có thể bị ngứa vùng kín và nhiều vị trí da khác trên cơ thể. Các triệu chứng khác có thể gặp bao gồm: Chóng mặt, mệt mỏi, khó thở, tê bì tay chân, da tái nhợt, viêm lưỡi, táo bón, chán ăn, giảm thị lực… Tuy nhiên các triệu chứng này rất giống với triệu chứng của sức khỏe yếu, vì thế mẹ bầu cần chú ý và chữa trị kịp thời.

Bà bầu ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối do thiếu vitamin B12 cần bổ sung bằng cách ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin này. Một số loại thực phẩm thai phụ có thể ăn được như gan động vật, thịt bò, ngao, cá hồi, trứng sữa, hoặc ngũ cốc dinh dưỡng. 

Mẹ bầu không vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Không vệ sinh sạch sẽ cũng có thể là nguyên nhân gây ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối ở bà bầu. Bụng to khiến mẹ bầu khó cúi người nên vệ sinh vùng kín khó khăn, không vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, chỉ vệ sinh phần lông mu. Hay mẹ bầu sử dụng sữa tắm, dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa, thụt rửa sâu khiến cô bé vốn đã nhạy cảm dễ bị kích ứng hơn. 

Monkey khuyên mẹ bầu hãy thường xuyên vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tối thiểu mỗi ngày một lần. Sử dụng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, có pH phù hợp, lành tính và có nguồn gốc từ thiên nhiên sẽ tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra mẹ bầu hãy mặc đồ lót rộng rãi để luôn cảm thấy thoải mái, thoáng mát các mẹ nhé.

Xem thêm:

Nguyên nhân bệnh lý

Như Monkey đã nói ở trên, bà bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối do nguyên nhân sinh lý có thể vô hại, không nguy hiểm đến mẹ và bé. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân là bệnh lý thì lúc này bà bầu cần xác định rõ đó là bệnh gì và có biện pháp chữa trị kịp thời.

Viêm nang lông 

Các giai đoạn viêm nang lông ở bà bầu. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Viêm nang lông là hiện tượng lỗ chân lông bị tắc bởi mồ hôi, vi khuẩn hay bụi bẩn. Bà bầu tháng thứ 4 có thể bị mắc tình bệnh lý này do tuyến mồ hôi hoạt động mạnh gây bít tắc lỗ chân lông. 

Ngoài cảm giác ngứa ngáy, khó chịu bà bầu còn bị nổi mụn mủ, mụn đỏ (do mồ hôi tiết nhiều, bụi bẩn và vi khuẩn sinh sôi, tích tụ nhiều). Điều này khiến mẹ bầu cảm thấy đau rát da, ẩm ướt bởi các nốt mụn mủ vỡ ra. 

Mẹ bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối có thể chữa trị bằng thuốc hoặc bằng các phương pháp lành tính như mật ong.                                                

Viêm âm đạo 

Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng tấn công vào da và gây viêm nhiễm. Căn bệnh này chủ yếu là do nấm Candida, lậu cầu khuẩn, hoặc do vi khuẩn Bacterial Vaginosis gây ra. Biểu hiện của viêm âm đạo thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn bởi các triệu chứng thông thường của thai kỳ nên bà bầu thường không nhận ra. Vì thế các mẹ cần đi khám thai định kỳ để nếu có mắc phải thì sẽ có biện pháp kịp thời.

Khi bà bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối do viêm âm đạo thì cách chữa trị phổ biến đó là dùng thuốc. Bà bầu có thể sử dụng thuốc uống hoặc thuốc dạng đặt âm đạo để có tác dụng trực tiếp. 

Tuy nhiên, bà bầu đặc biệt lưu ý việc sử dụng thuốc khi đang mang thai. Do đây là thời điểm khá nhạy cảm, rất dễ bị tác dụng phụ của thuốc nên thai phụ không được tự ý dùng thuốc mà cần phải tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, bà bầu có thể sử phòng tránh viêm âm đạo bằng cách:

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa quá sâu vào tận trong âm đạo.

  • Lựa chọn đồ lót làm từ chất liệu thoáng mát, có khả năng thấm hút tốt.

  • Tránh dùng các loại dung dịch vệ sinh, xà phòng có chất tẩy rửa quá mạnh.

  • Hạn chế ăn nhiều đường, đồ ngọt,... vì chúng làm tăng lượng bài tiết ở âm đạo.

  • Ăn nhiều sữa chua vì sữa chua có công dụng ngăn ngừa viêm phụ khoa hiệu quả.

  • Khi bị viêm phụ khoa nên tránh quan hệ vợ chồng.

Bệnh viêm đường tiết niệu ở vùng kín 

Các bộ phận của đường tiết niệu nữ. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Vào những tháng cuối của kỳ tam nguyệt thứ ba, tử cung thường có xu hướng nghiêng sang bên phải nhiều hơn. Đè vào niệu quản và thận phải, gây ứ nước, viêm thận, ứ đọng nước tiểu tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Từ đó gây ra viêm đường tiết niệu ở nữ giới mang thai.

Bên cạnh đó, do âm đạo và hậu môn gần nhau, chung một bình diện nên dễ bị lây bệnh lý từ bộ phận này sang bộ phận khác. 

Thai phụ bị viêm đường tiết niệu có triệu chứng tiểu khó, thường xuyên buồn đi tiểu nhưng mỗi lần đi thì lại đi rất ít. Tiểu buốt, tiểu rắt, căng ở bàng quang, phần bụng dưới cảm thấy khó chịu, nước tiểu màu hồng do lẫn máu cũng là triệu chứng thường gặp.

Để phòng viêm đường tiết niệu gây ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối, mẹ bầu có thể tham khảo một số cách phòng bệnh mà Monkey chia sẻ dưới đây.

  • Thường xuyên kiểm tra nước tiểu trong mỗi lần đi khám thai kỳ.

  • Tăng cường uống nhiều nước hơn hàng ngày, bổ sung nhiều loại nước ép hoa quả.

  • Khi buồn tiểu thì nên đi tiểu ngay, tuyệt đối không được nhịn tiểu vì sẽ gây ứ đọng nước tiểu.

  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt vệ sinh vùng kín và hậu môn sau mỗi lần đi vệ sinh.

  • Nếu mắc bệnh phụ khoa như viêm đường âm đạo, viêm cổ tử cung thì cần chữa trị kịp thời tránh để lây sang đường tiết niệu.

Bệnh rận mu 

Lông rậm, dày là môi trường thuận lợi cho ký sinh trùng Phthirus pubis sinh sôi và phát triển. Phthirus pubis là ký sinh trùng gây bệnh rận mu thường trú ngụ trên các sợi lông hoặc đào hầm dưới da để hút máu. Chúng thải chất thải lên bề mặt da người và chất thải đó gây kích ứng, phồng rộp và ngứa da vùng kín. 

Rận mu ký sinh trên da người. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Rận mu là căn bệnh lây qua đường tình dục. Nếu chẳng may bị rận mu thai phụ sẽ dễ bị thiếu máu (do ký sinh trùng hút máu người để sống). Vì thế mẹ bầu ngoài vệ sinh sạch sẽ chữa trị rận mu thì nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm bổ máu. Thiếu máu rất nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. 

Bệnh truyền nhiễm 

Bà bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối còn có thể là do bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục. Một số bệnh phổ biến có thể kể đến như bệnh sùi mào gà, lậu, giang mai, hay mụn rộp sinh dục. Các căn bệnh này có thể do mẹ đã mắc phải từ trước hoặc do mới bị lây nhiễm.

Biểu hiện của các căn bệnh này như ngứa rát vùng kín, sưng đỏ âm hộ, ra nhiều huyết trắng màu đục, đau buốt khi đi tiểu, đau hoặc chảy máu khi quan hệ tình dục.

Bệnh trĩ 

Phụ nữ mắc bệnh trĩ sẽ dễ bị ngứa vùng kín. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Bệnh trĩ cũng là một trong các nguyên nhân gây ra tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối ở bà bầu. Hiện tượng này xảy ra với những mẹ nào có tiền sử mắc bệnh trĩ, đặc biệt là trĩ ngoại. Búi trĩ sưng to gây đau đớn, chảy máu, đồng thời tiết dịch nhiều gây tình trạng ẩm ướt vùng kín và khiến vùng kín bị ngứa.

Bà bầu tháng cuối bị ngứa vùng kín có nguy hiểm không? 

Bà bầu tháng cuối bị ngứa vùng kín nếu do nguyên nhân từ sinh lý thì sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến mẹ và thai nhi. Tuy nhiên nếu là do thiếu chất và vệ sinh không đúng cách thì mẹ bầu cần bổ sung dinh dưỡng và thay đổi thói quen vệ sinh vùng kín mẹ bầu nhé.

Còn nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý, tức là mẹ bầu đang có bệnh thì lúc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và em bé. 

Ảnh hưởng đối với mẹ bầu

Tình trạng bị ngứa vùng kín ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mẹ bầu, khiến chất lượng sống của mẹ bị giảm xuống. Tình trạng ẩm ướt, khó chịu kéo dài làm mẹ cảm thấy bức bối và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Đặc biệt trong giai đoạn cuối của thai kỳ, bà bầu còn phải chịu nhiều sự thay đổi khó chịu hơn nữa nên càng gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, vùng kín ẩm ướt cũng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm sinh sôi phát triển, tạo điều kiện cho nhiều loại bệnh phụ khoa khác xảy ra. 

Nếu mẹ bầu bị vùng kín ẩm ướt do các bệnh lý Monkey vừa chia sẻ bên trên và phải dùng thuốc tây thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. 

Ngứa ngáy vùng kín gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bà bầu. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Ảnh hưởng đối với thai nhi 

Việc mẹ bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối nếu không chữa trị dứt điểm và bệnh kéo dài đến tận lúc sinh em bé thì sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.

  • Ngứa ngáy vùng kín khiến mẹ bầu luôn khó chịu, mệt mỏi, chán ăn. Từ đó mẹ ăn ít hơn, ăn uống không ngon nên dễ bị thiếu chất, thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng.

  • Mẹ bầu mắc bệnh lý nhưng tự ý dùng thuốc, lạm dụng thuốc, hoặc chủ quan dùng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ gây tác dụng phụ lên thai nhi: ảnh hưởng đến sự phát triển của tim, xương và não bộ của thai nhi.

  • Tình trạng không được chữa trị dứt điểm kéo dài đến khi mẹ sinh em bé bằng sinh thường sẽ bị lây vi khuẩn từ mẹ sang con, khiến trẻ sinh ra dễ mắc các bệnh viêm nhiễm liên quan đến da, đường hô hấp, mắt… 

Bà bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối cần làm gì để chấm dứt triệu chứng?

Ngoài những cách điều trị mà Monkey chia sẻ theo từng nguyên nhân ở trên thì có một số những điều cần làm giúp bà bầu ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối có thể cải thiện tình trạng như dưới đây. 

Vệ sinh vùng kín đúng cách 

Vệ sinh vùng kín thường bị các mẹ xem nhẹ, và đó cũng là nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh phụ khoa, trong đó có tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối. 

Bà bầu cần vệ sinh vùng kín không chỉ đúng cách mà còn cần khoa học. Có thể tham khảo các gợi ý dưới đây:

  • Vệ sinh vùng kín ít nhất 1 lần/ngày, chú ý đến nguồn nước sử dụng cần phải đảm bảo sạch sẽ, tránh các nguồn nước bị ô nhiễm.

  • Tuyệt đối không được phép thụt rửa âm đạo khi mang thai.

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ sau khi mẹ bầu đi vệ sinh hoặc quan hệ tình dục. 

  • Tìm hiểu kỹ các thành phần có trong sữa tắm và dung dịch vệ sinh trước khi sử dụng, tránh những thành phần xuất hiện có hoạt tính gây kích ứng cao.

  • Lựa chọn quần áo rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát. Thay quần lót thường xuyên, lựa chọn quần lót có chất thấm hút tốt.

  • Có thể áp dụng các phương pháp tự nhiên như dùng lá trầu không, lá chè xanh, nước muối để vệ sinh vùng kín.

Mẹ bầu nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh hơn 

Thói quen sinh hoạt điều độ và ăn uống đầy đủ dưỡng chất, lành mạnh hơn cũng sẽ giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối.

Mẹ bầu nên tạo cho mình một đồng hồ sinh học với những giờ giấc được quy định hàng ngày. Việc tuân thủ theo một chế độ khoa học, đúng giờ giấc giúp cơ thể mẹ ổn định hơn,  làm việc theo guồng và dễ thích nghi với các thay đổi khi mang thai. 

Ngoài ra, mẹ bầu không thức quá khuya, ngủ đủ giấc, tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày. Luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Chỉ nên vận động nhẹ nhàng, không làm việc nặng và tập thể dục hoặc yoga thường xuyên.

Với chế độ ăn uống, mẹ bầu nên ăn uống lành mạnh, khoa học, ăn nhiều thực phẩm có chất lượng dinh dưỡng cao. Một số loại thực phẩm mẹ bầu nên tăng cường ăn nhiều hơn như trứng, sữa, rau (khoai lang, đậu, rau xanh...), thịt nạc, cá hồi,... Đặc biệt mẹ bầu nên bổ sung ăn nhiều sữa chua hàng ngày để cung cấp lợi khuẩn cho cơ thể, chống lại các tác nhân gây viêm nhiễm. Hạn chế đồ ngọt, thịt đỏ, hải sản…

Sử dụng thuốc điều trị bệnh 

Bà bầu sử dụng thuốc sao cho đúng. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Đối với những trường hợp các mẹ bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối do mắc các bệnh phụ khoa sẽ cần phải điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh mẹ đang gặp phải mà chỉ định loại thuốc phù hợp để đảm bảo sự an toàn với thai nhi. 

Những loại thuốc mẹ có thể được chỉ định sử dụng đó là kem, thuốc viên dạng đặt vào âm đạo như thuốc chống nấm, thuốc kháng sinh hay là thuốc giảm ngứa… Những thuốc dạng viên uống hiếm khi được chỉ định vì tác dụng toàn thân của thuốc tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đối với thai nhi.

Áp dụng “mẹo” dân gian điều trị ngứa vùng kín

Dưới đây là 3 mẹo điều trị ngứa vùng kín theo phương pháp dân gian cực kỳ an toàn dành cho bà bầu cuối thai kỳ.

Mẹo dùng lá trầu không

Lá trầu không có tác dụng kháng viêm rất tốt. Đây là loại cây rất phổ biến ở Việt Nam ta vì thế mà các bà bầu có thể tìm thấy ở bất cứ đâu để sử dụng.

Trị ngứa vùng kín bằng lá trầu không. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Cách dùng như sau:

  • Lấy một nắm lá trầu không (khoảng 7 đến 10 lá) rửa sạch, để ráo nước và vò nát.

  • Đun lá trầu đã vò với 1 lít nước sạch.

  • Để hỗn hợp nguội bớt và xông trực tiếp với vùng kín, nước sau khi xông nguội hẳn có thể dùng để rửa và vệ sinh vùng kín.

  • Thực hiện 3 đến 4 lần mỗi tuần.

Lá trầu không giúp sát trùng, tiêu viêm, giảm ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng phụ khoa rất tốt.

Mẹo dùng lá trà xanh

Trong trà xanh có EGCG với tác dụng kháng khuẩn, chống oxy hóa và bảo vệ các tế bào da ở khu vực nhạy cảm giúp giảm ngứa vùng kín cho bà bầu 3 tháng cuối. 

Mẹ bầu pha nước trà xanh loãng và sử dụng để vệ sinh vùng kín 2 đến 3 lần mỗi ngày. Đây là cách giúp cải thiện tình trạng ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối ở bà bầu khá hiệu quả. 

Mẹo dùng nước muối loãng

Vệ sinh vùng kín bằng nước muối loãng. (Ảnh: Sưu tầm internet)

Mẹ bầu pha nước muối loãng với tỷ lệ tốt nhất là 9g muối hòa với 1l nước dùng rửa 2 – 3 lần/tuần. Nước muối loãng được biết đến với công dụng sát khuẩn vết thương được dùng rất phổ biến. Mẹ bầu có thể áp dụng phương pháp này để sát khuẩn ngoài da vùng kín giúp giảm ngứa rát, khó chịu.

Vậy là Monkey đã giúp mẹ bầu trả lời câu hỏi ngứa vùng kín khi mang thai tháng cuối ở bà bầu có nguy hiểm hay không. Ngoài ra, Monkey còn chia sẻ thêm nhiều thông tin khác về tình trạng ngứa vùng kín giúp mẹ bầu có thêm kiến thức bảo vệ sức khỏe sinh sản. Chúc các mẹ khỏe mạnh!

I’m Pregnant: Why Do I Have Vaginal Itching? - Ngày truy cập: 18/09/2022

https://www.healthline.com/health/pregnancy/vaginal-itching-during-pregnancy

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!