Việc ốm nghén vào buổi sáng sẽ khiến mẹ khó chịu cả ngày, ảnh hưởng đến công việc và lối sống sinh hoạt hàng ngày. Áp dụng một số phương pháp đối phó cơn ốm nghén sẽ giúp thai kỳ của mẹ trôi qua nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Vì sao ốm nghén luôn diễn ra vào buổi sáng?
Nôn nghén trong thai kỳ còn có tên gọi khác là “Bệnh buổi sáng” (morning sickness) do thời điểm xuất hiện là vào buổi sáng.
Theo các chuyên gia, hiện tượng này có thể bắt nguồn từ việc lượng đường trong máu mẹ bầu sụt giảm khi mới thức dậy hoặc do nồng độ hormone thai kỳ progesterone trong cơ thể tăng cao.
Nôn nghén vào buổi sáng nói riêng và ốm nghén nói chung là tình trạng vô hại, sẽ biến mất khi thai phụ bước sang 3 tháng giữa thai kỳ. Mặc dù vậy, vẫn có tỷ lệ 10% mẹ bầu bị nôn nghén suốt thai kỳ cho đến khi sinh con.
Ngoài nôn nghén, mẹ bầu còn bị nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi thường xuyên, biếng ăn.
Song song đó, hormone nội tiết thay đổi khiến thai phụ bị nghén nặng thêm. Có khoảng 2% phụ nữ mang thai bị nghén nặng với tình trạng nôn ói trên 5 lần mỗi ngày, nôn ói kéo dài ảnh hưởng đến sinh hoạt và ăn uống.
Nghiên cứu thú vị về chứng ốm nghén vào buổi sáng
Trong 3 tháng đầu mang thai, dù ốm nghén buổi sáng gây ra nhiều phiền phức nhưng mẹ bầu hãy chịu khó. Đôi khi đây lại là dấu hiệu cho thấy tương lai của bé yêu.
Là dấu hiệu sinh con thông minh
Theo một kết quả báo cáo của các nhà nghiên cứu tại Viện Toronto Canada về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, biểu hiện thai phụ nôn nghén 3 tháng đầu, đặc biệt là nghén nhiều vào buổi sáng có liên quan đến sự phát triển các neuron thần kinh ở thai nhi.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thai nhi có mẹ ốm nghén bình thường thì neuron thần kinh phát triển bình thường. Tuy nhiên, đứa trẻ có mẹ thường hay ốm nghén vào buổi sáng thì chỉ số thông minh IQ cao hơn, ngôn ngữ phát triển tốt hơn, trí nhớ cũng tốt hơn.
Báo hiệu giới tính thai nhi
Các nhà khoa học Thụy Sĩ đã nghiên cứu và kết luận rằng, 55% thai phụ ốm nghén buổi sáng đã sinh ra bé gái.
Nguyên nhân của nghiên cứu này được cho là do hormone khi mang thai. Theo đó, quá trình hormone sản sinh khi mang thai bé gái nhiều hơn, thai phụ có khả năng buồn nôn nhiều hơn.
Tuy vậy, nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào phụ nữ mang thai siêu ốm nghén. Ở các mẹ bầu bị nghén bình thường thì tỷ lệ này rất khó để xác định chính xác.
Xem thêm: Thai phụ bị ốm nghén nôn ra máu có nguy hiểm không?
15 cách giúp mẹ đối phó khi bị ốm nghén vào buổi sáng
Dưới đây là một số biện pháp mà mẹ có thể tham khảo để đối phó với cơn ốm nghén buổi sáng:
Chế độ dinh dưỡng
Thay đổi thói quen ăn uống giúp mẹ giảm bớt ốm nghén vào buổi sáng, cụ thể là:
-
Nạp thêm năng lượng: Thai phụ nên uống từ 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày để cơ thể không bị choáng váng do mất nước. Sau khi thức dậy không nên để dạ dày rỗng. Cần hạn chế tiêu thụ thức ăn vặt chứa nhiều muối trong ngày để tránh mất nước và mệt mỏi sau khi ngủ dậy.
-
Thay đổi món ăn: Mẹ có thể ăn bánh mì, bánh quy, cháo chay, uống nước cam, nước chanh hoặc sữa nếu không thể ăn các món ăn sáng chứa thịt, trứng khác.
-
Ăn từng chút một và tăng dần số lượng: Chia thành 6 bữa ăn mỗi ngày, nhấm nháp chút bánh quy sau khi thức giấc. Trước khi ngủ từ 1 đến 2 tiếng, mẹ nên ăn nhẹ để ổn định lượng đường trong máu và giữ cho dạ dày không bị đói trong lúc ngủ.
-
Sử dụng gừng bằng cách uống trà gừng, ăn kẹo gừng, mứt gừng, bánh quy gừng với tần suất 1 - 2 lần mỗi tuần để chế ngự cơn buồn nôn. Mẹ không nên ăn quá nhiều vì gừng sẽ gây hại cho sức khỏe.
Chế độ sinh hoạt
Dưới đây là một số gợi ý về chế độ sinh hoạt cho mẹ:
-
Vận động nhẹ nhàng sau khi tỉnh ngủ với vài động tác thể dục nhẹ. Nếu không vận động được thì có thể thay thế bằng cách hít thở một chút khí trời vào buổi sáng để cơ thể dễ chịu hơn.
-
Sử dụng tinh dầu thơm có nguồn gốc tự nhiên, chẳng hạn như tinh dầu hoa hồng, chanh hoặc thư giãn, không tiếp xúc với các loại mùi mạnh.
-
Hạn chế tiếp xúc máy tính: Hít thở khí trời hoặc nhắm mắt thư giãn khoảng 60 giây sau 1 - 2 tiếng ngồi liên tục trước máy tính. Ngoài ra, cần giảm cường độ sáng của màn hình, chọn máy có màn hình phẳng, rộng, thay font nền với gam hồng dịu hoặc màu nâu vàng.
-
Nghỉ ngơi nhiều hơn bằng cách ngả lưng trên ghế, nhắm mắt lại, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể.
Về tâm lý
Yếu tố tâm lý giúp làm thuyên giảm tình trạng ốm nghén:
-
Trò chuyện với mọi người: Việc giao tiếp sẽ giúp mẹ bầu được thoải mái, khống chế cơn buồn nôn hiệu quả, xua tan khó chịu trong cơ thể.
-
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến ốm nghén, chẳng hạn như mùi vị thức ăn. Nếu bị nôn nao trong người lúc 9h sáng thì có thể là do môi trường làm việc thiếu không khí trong lành. Để khắc phục, bạn có thể chọn bữa ăn ít mùi hơn, hít thở không khí trong lành trước 9h sáng.
-
Vờ quên đi cơn ốm nghén: Tập trung vào việc khác như đọc truyện ngắn, chơi giải ô chữ, nói chuyện điện thoại với người thân để tạm thời vượt qua triệu chứng khó chịu này.
-
Học hỏi kinh nghiệm từ người khác như hỏi thăm đồng nghiệp, đọc trên internet, sách báo… để biết cách khắc phục của những mẹ bầu có kinh nghiệm.
Một số cách khác
Ngoài những gợi ý nêu trên, thai phụ cũng có thể áp dụng một số biện pháp giảm ốm nghén buổi sáng như:
-
Những vật dụng nên mang bên người: Mang theo bàn chải, kem đánh răng hoặc nước súc miệng hương bạc hà trong túi xách để vệ sinh răng miệng sau khi nôn, giảm thiểu mùi khó chịu. Mẹ cũng nên mang theo bánh quy, bánh mì, sữa để ăn nhẹ, nạp lại năng lượng sau khi nôn.
-
Bổ sung thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ: Trường hợp mẹ bị ốm nghén nặng có thể được chỉ định một số loại vitamin và thuốc hỗ trợ đường ruột để làm dịu cơn nghén vào buổi sáng.
-
Châm cứu để giảm đau, hạn chế khó chịu, cắt cơn nghén vào buổi sáng hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này cần được chỉ định bởi bác sĩ có chuyên môn và mẹ bầu phải kiểm tra sức khỏe cẩn thận trước khi thực hiện.
Cơn ốm nghén với triệu chứng buồn nôn và nôn ói xảy ra với khoảng 90% phụ nữ mang thai. Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp mẹ có thêm thông tin hữu ích để đối phó với cơn ốm nghén vào buổi sáng. Nếu cơn ốm nghén chuyển nặng, thai phụ hãy đến bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn khắc phục đúng cách.
Everything You Need to Know About Morning Sickness - Truy cập ngày 06/05/2022
https://www.healthline.com/health/morning-sickness
Pregnancy - morning sickness - Truy cập ngày 06/05/2022
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-morning-sickness
Vomiting and morning sickness - Truy cập ngày 06/05/2022
https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/vomiting-and-morning-sickness/
Morning sickness - Truy cập ngày 06/05/2022
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/morning-sickness/symptoms-causes/syc-20375254