Ở giai đoạn dậy thì các bé có rất nhiều sự thay đổi từ vóc dáng, cơ thể, suy nghĩ. Đây được gọi là tuổi nổi loạn bởi bé có rất nhiều suy nghĩ khác hơn, muốn tự khẳng định mình và không muốn sự ép buộc. Việc dạy các kỹ năng sống cho trẻ dậy thì cũng vô cùng quan trọng giúp con định hướng được bản thân và có thể giúp con thành công hơn sau này.
Kỹ năng sống cho bé gái dậy thì
Nuôi dạy bé gái cần dành nhiều tình thương và sự quan tâm bởi các bé gái có tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương. Đặc biệt trong thời điểm dậy thì, các bé gái có nhiều sự thay đổi cả bên trong và bên ngoài cơ thể. Trang bị các kỹ năng sống cần thiết để con có thể chăm sóc bản thân tốt hơn, tự tin hơn khi bước vào đời.
Yêu bản thân
Dạy trẻ học cách yêu thương và trân trọng bản thân mình, hãy cho con biết rằng mình là một người đáng được trân trọng. Luôn yêu bản thân và dành cho mình những điều tốt đẹp. Trong bất kỳ mối quan hệ nào con cũng cần được thấy mình được người khác tôn trọng, thương yêu.
Nếu chẳng may con vấp ngã, hãy khoan dung với chính mình, ai cũng có thể mắc sai lầm trong cuộc đời. Không nên quá dằn vặt bản thân quá nhiều, hãy mạnh mẽ đối diện với nó và tìm cách vực dậy, khắc phục những sai lầm phạm phải.
Hiểu cơ thể, tránh bị xâm hại
Cha mẹ nên dạy cho con các kỹ năng phòng tránh xâm hại ở độ tuổi dậy thì. Thời điểm này bé có những sự thay đổi về tâm sinh lý và cả thể chất, lúc này mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp con hiểu rõ về cơ thể mình hơn. Phòng tránh nguy cơ bị xâm hại cho các bé gái ở giai đoạn dậy thì vô cùng quan trọng. Ăn mặc kín đáo, không để người khác lạm dụng, đụng chạm cơ thể, giáo dục giới tính cho con để con đảm bảo an toàn.
Chăm sóc cơ thể ở tuổi dậy thì
Chăm sóc cho cơ thể ở độ tuổi này vô cùng quan trọng, con cần tắm rửa, gội đầu sạch sẽ, giữ cơ thể thơm tho, không có mùi để con tự tin hơn. Ngoài ra, mẹ cũng dạy cho con cách xử lý, làm sạch bản thân trong kỳ kinh nguyệt. Rất nhiều bé gái bị bất ngờ và lo lắng, hoảng sợ khi xuất hiện kỳ kinh. Trang bị các kiến thức về sự biến đổi của cơ thể ở giai đoạn dậy thì từ sớm để bé có thể sẵn sàng và chủ động hơn, giúp chăm sóc bản thân mình tốt hơn.
Dấu hiệu có thai ở tuổi dậy thì và những nguy cơ cha mẹ cần nắm rõ để giáo dục con
Tâm lý trẻ 10 tuổi và những điều ba mẹ cần biết để chăm sóc con
Dạy kỹ năng sống cho trẻ cấp 2: Hành trang cùng con bước vào đời
Mạnh mẽ, độc lập
Dù là phái yếu nhưng con cũng cần mạnh mẽ đối diện với các khó khăn thử thách. Những cô gái độc lập, có thể tự tin làm chủ cuộc sống, không ngại khó khăn luôn được mọi người ngưỡng mộ và có thành công nhất định. Không nên quá phụ thuộc vào người khác, dám đứng lên làm chủ, khẳng định bản thân, không ngại khó, ngại khổ, hãy có khí chất của riêng mình.
Cha mẹ nên để cho con tự đưa ra quyết định của riêng mình và tôn trọng ý kiến của con, hãy để con tự chịu trách nhiệm với những gì bản thân lựa chọn. Hãy ở bên quan sát và đưa ra các lời khuyên hữu ích khi con cần.
Không ngừng trau dồi kiến thức
Trau dồi tri thức, không ngừng học tập cũng là điều mà cha mẹ nên dạy cho con gái mình. Kiến thức là vô tận vì thế hãy để cho con học hỏi, khám phá. Những cô gái có khí chất chính là những người có kiến thức sâu rộng. Khuyến khích con đọc nhiều sách báo, tài liệu, không ngừng tìm hiểu thông tin.
Hãy dạy cho con cách tìm kiếm những thông tin chính xác, giải đáp các thắc mắc cho con, chia sẻ kiến thức và dạy cho con cách chắt lọc những thông tin chính xác, bổ ích.
Xem thêm: Dạy kỹ năng sống cho trẻ phòng vệ bị bắt cóc
Kỹ năng sống cho bé trai dậy thì
Các bé trai cũng cần trang bị các kỹ năng sống ở tuổi dậy thì thật kỹ càng bởi đây còn được gọi là độ tuổi nổi loạn của trẻ. Bé trai thường dậy thì muộn hơn so với bé gái nhưng mức độ thay đổi lại rõ rệt hơn nhiều. Cha mẹ cần dành thời gian nhiều hơn để quan sát, lắng nghe, tâm sự cùng con và dạy cho con những kỹ năng quan trọng để con có thể tự lập, mạnh dạn, tự tin hơn.
Có chính kiến cá nhân
Hãy để trẻ tự đưa ra các quyết định cũng như quan điểm riêng của mình. Chịu trách nhiệm trước những lời nói và hành động của mình là điều cha mẹ cần luôn dạy cho con. Hãy tôn trọng, ủng hộ ý kiến cá nhân của con để con thấy rằng mình được tôn trọng và tự tin bảo vệ ý kiến của mình.
Sự tin tưởng của người khác chính là động lực để bé có thể bảo vệ quan điểm của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào ý kiến của mình cũng được người khác đánh giá cao và ủng hộ. Dạy con cách bảo vệ chính kiến của mình bằng cách đưa ra các quan điểm, lập luận, chứng cứ xác đáng và hành động chứng minh lời nói của mình là đúng. Bảo vệ được quan điểm của mình không những giúp con phát triển được kỹ năng giao tiếp, sự hiểu biết cùng quyết tâm của mình.
Tôn trọng bạn khác giới
Dạy các bé trai cần tôn trọng các bạn nữ và hành xử một cách lịch thiệp, đây chính là những phẩm chất cơ bản của phái mạnh. Bố chính là những người gần với các bé trai nhất và chính là tấm gương để cho con học hỏi: Tôn trọng người khác, hành động ga lăng lịch thiệp với tất cả mọi người đặc biệt là phái yếu. Đối với các bạn của mình con có thể nhường nhịn, ra tay giúp đỡ các bạn khác giới đặc biệt là những việc nặng. Con cũng nên tôn trọng các bạn, không nên đụng chạm thân thể hay có hành vi xấu, đây là điều kiêng kị.
Phòng vệ trước bạo lực
Trẻ ở độ tuổi này có nguy cơ bị bạo lực học đường rất cao. Các bé trai thường có xu hướng muốn khẳng định mình, sẽ gây sự và hay sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Để bảo đảm an toàn cha mẹ nên dạy cho con các cách phòng tránh khỏi các vụ bạo lực. Nghiêm cấm con tuyệt đối tham gia vào các cuộc đánh nhau, xung đột, không tham gia bắt nạt người khác. Nếu con bạn là nạn nhân hãy dạy bé nên bỏ chạy, chống trả khi cần thiết và báo ngay với thầy cô và người lớn để nhận được sự giúp đỡ. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để tâm sự với con để bé dễ mở lòng chia sẻ, xem con có đang gặp vấn đề gì không để được giúp đỡ kịp thời.
Có định hướng cho bản thân
Kỹ năng định hướng bản thân cũng vô cùng quan trọng bởi ở độ tuổi này con cũng cần xác định được bản thân cần gì và muốn gì để có thể thực hiện điều đó. Tự định hướng bản thân giúp con tự lập, trưởng thành, có mục tiêu rõ ràng và có kế hoạch biến mục tiêu của mình thành sự thật. Bố mẹ có thể tâm sự cùng con, chia sẻ với con những mong muốn, ước mơ của mình. Khuyến khích con cố gắng để biến ước mơ thành sự thật. Nếu con cần những lời khuyên hay kinh nghiệm từ những người đi trước thì cha mẹ luôn sẵn sàng chia sẻ, con hãy luôn nhớ rằng đằng sau còn có cha mẹ luôn cổ vũ và tin tưởng ở con.
Kiểm soát cảm xúc
Dạy trẻ học cách kiểm soát cảm xúc trong độ tuổi dậy thì vô cùng quan trọng đặc biệt là với các bé trai. Ở độ tuổi này các con thường khó kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình. Con thường dễ nóng giận, cáu gắt, tỏ thái độ không hài lòng thậm chí là chống đối lại cha mẹ. Hãy dạy con học cách kiểm soát cảm xúc, bình tĩnh lắng nghe, nếu không vừa lòng hay có ý kiến khác hãy từ từ nói chuyện, không ngắt lời hay chen ngang người khác. Đây là hành vi thiếu lịch sự và thiếu tôn trọng đối phương.
Dành thời gian nói chuyện với con, kiên nhẫn và bình tĩnh giải thích cho con hiểu tại sao con cần kiểm soát cảm xúc. Sự bình tĩnh và thái độ nhẹ nhàng, điềm đạm mới chính là phẩm chất của người trưởng thành thực sự.
Dạy kỹ năng sống cho trẻ dậy thì là điều vô cũng cần thiết giúp con trải qua giai đoạn khó khăn một cách dễ dàng hơn. Cha mẹ nên gần gũi, thường xuyên tâm sự, bầu bạn và chia sẻ cho con những kiến thức cần thiết để con có thể chủ động, tự tin hơn khi bước vào đời. Hãy luôn quan sát và theo dõi sự thay đổi của con, cho con những lời khuyên quý giá và cũng đừng quên nghiêm khắc với trẻ để trẻ có thể phát triển một cách toàn diện, an toàn.
21 Essential Life Skills For Teens To Learn - Ngày truy cập: 23/06/2022
https://www.momjunction.com/articles/everyday-life-skills-your-teen-should-learn_0081859/
Understanding Puberty- Ngày truy cập: 23/06/2022
https://www.skillsyouneed.com/parent/understanding-puberty.html