Mũi là bộ phận có chứa rất nhiều các mao mạch nhỏ vì thế chúng rất dễ bị tổn thương do các tác động từ bên ngoài và cả bên trong. Chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam xuất hiện phổ biến ở độ tuổi từ 2-10 tuổi, tuy nhiên chúng cũng xuất hiện ở trẻ 1 tuổi gây lo lắng cho rất nhiều cha mẹ. Trẻ 1 tuổi bị chảy máu cam có nguy hiểm hay không? Cùng theo dõi bài viết ngay dưới đây để có câu trả lời chính xác nhé.
Nguyên nhân khiến trẻ 1 tuổi bị chảy máu cam
Chảy máu cam có thể do nguyên nhân vật lý (các nguyên nhân tại chỗ) tác động hoặc do nguyên nhân bệnh lý (có ảnh hưởng từ khu vực tai mũi họng). Những nguyên nhân thường gặp gây chảy máu mũi ở trẻ 1 tuổi:
-
Trẻ bị nóng trong người, thiếu hụt vitamin C
-
Trẻ sống trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, quá nóng hoặc quá lạnh; thời tiết hanh khô, trẻ nằm trong điều hòa, máy lạnh, máy sưởi trong thời gian dài khiến các mạch máu bị vỡ gây chảy máu.
-
Trẻ đưa tay cào mũi khiến các mạch máu bị tổn thương
-
Trẻ bị ngã từ trên giường xuống đất, hay bị va chạm mũi vào các vật cứng.
-
Vách ngăn mũi bị vẹo.
-
Bé bị dị ứng, nhiễm trùng ở tai, mũi, họng và xoang
-
Bé bị ảnh hưởng do tác dụng phụ của một số loại thuốc chống viêm và xịt mũi.
-
Một số trường hợp hiếm bé có thể bị mắc các khối u (có thể lành tính hoặc ác tính) tại khu vực mũi.
-
Trẻ bị ngã gãy xương mũi, vỡ nền sọ trước do chấn thương cũng gây chấn thương mũi. Cha mẹ không nên chủ quan trong những trường hợp này bởi chúng gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
-
Trẻ bị mắc các bệnh liên quan đến huyết học như xuất huyết (giảm tiểu cầu), rối loạn đông máu, hay các bệnh về máu gây giảm tiểu cầu như suy tủy xương, lơ xê mi cấp,...
Trẻ 1 tuổi bị chảy máu cam có nguy hiểm không?
Chảy máu cam là bệnh thông thường ở trẻ nhỏ, hầu hết trẻ nhỏ đều bị chảy máu cam một lần trong đời. Cha mẹ không nên quá lo lắng về việc trẻ bị chảy máu cam vì đây chỉ là biểu hiện của việc trẻ đang gặp vấn đề nào đó (thông thường không quá nguy hiểm). Bé 1 tuổi bị chảy máu cam thông thường là do các nguyên nhân như nóng trong người hay thiếu hụt vitamin C.
Tuy nhiên, nếu bé 1 tuổi bị chảy máu cam liên tục và lượng máu bị chảy nhiều cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định chính xác nguyên nhân bởi trẻ có thể bị mắc các bệnh lý nguy hiểm như chứng rối loạn đông máu, khối u mũi hay mắc bệnh bạch cầu. Một trường hợp nữa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ đó là trẻ 1 tuổi bị ngã gập đầu xuống đất dẫn tới bị vỡ sàn sọ gây chảy máu mũi. Với những trường hợp nguy hiểm như vậy, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để bác sĩ có thể khám chữa kịp thời cho trẻ.
Hướng dẫn cách xử lý khi trẻ 1 tuổi bị chảy máu cam
Trẻ 1 tuổi bị chảy máu cam cần xử lý như thế nào? Khi trẻ 1 tuổi bị chảy máu cam, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý, không nên quá mất bình tĩnh mà làm bé hoảng sợ, gây khó khăn cho quá trình xử lý.
-
Cha mẹ nên ôm bé vào trong lòng, có thể dựng thẳng người của bé dậy hoặc cho bé hơi ngả về sau để dễ dàng xử lý
-
Dùng khăn sạch, mềm để thấm máu dịt nhẹ vào mũi của trẻ. Dùng hai ngón tay trỏ và ngón cái bóp và giữ nhẹ ở cánh mũi để giúp máu ngừng chảy. Có thể giúp bé phân tâm bằng cách hát cho bé nghe, nói chuyện cùng bé.
-
Sau khoảng 10 phút có thể nhấc tay lên kiểm tra xem máu đã ngừng chảy hay chưa. Nếu chưa ngừng chảy thì lại tiến hành thực hiện lại các bước trên cho đến khi máu đã được ngừng hẳn
-
Khi đã thực hiện các bước trên nhiều lần nhưng vẫn không có hiệu quả thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để được kiểm tra.
Một số lưu ý khi thực hiện sơ cứu cho trẻ 1 tuổi bị chảy máu cam:
-
Không cho bé nằm ngửa, hay nghiêng người về sau quá mức bởi máu từ mũi có thể chảy ngược xuống họng gây nôn trớ, đau bụng cho trẻ
-
Không nên nhét bông vào mũi của trẻ để cầm máu bởi khi máu thấm vào bông sẽ khiến thể tích của chúng bị tăng lên, gây tắc ở mũi khiến trẻ khó chịu.
Khi nào cần đưa bé 1 tuổi bị chảy máu cam đến gặp bác sĩ
Đa phần các ca chảy máu cam ở trẻ không gây nguy hiểm. Bé dễ bị chảy máu cam do trời lạnh, khi thời tiết hanh khô và cơ thể dễ bị nhiễm bệnh. Cha mẹ cũng có thể phát hiện trẻ bị chảy máu cam khi ngủ vào buổi sáng sớm khi các vệt máu đã khô lại.
Tuy không quá nguy hiểm nhưng cha mẹ cũng không nên chủ quan trước những dấu hiệu của cơ thể bởi trẻ có thể đang gặp nguy hiểm:
-
Trẻ bị chảy máu cam do ngã từ trên cao hay do va đập vào vùng đầu hay mũi
-
Trẻ chảy máu cam nhiều, lượng máu nhiều. Khi thấy máu không có dấu hiệu ngừng dù đã áp dụng nhiều biện pháp cầm máu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
-
Bé bị chảy máu cam sau khi uống thuốc trị bệnh
-
Bé bị chảy máu cam kéo dài, bị thường xuyên
-
Không thể cầm được máu cam cho trẻ
-
Bé vừa bị chảy máu cam, vừa bị chảy máu ở các bộ phận trên cơ thể như chân răng
Xem thêm:
Phòng tránh nguy cơ bị chảy máu cam ở trẻ 1 tuổi như thế nào?
Cha mẹ có thể ngăn ngừa nguy cơ trẻ 1 tuổi bị chảy máu cam bằng các cách sau:
-
Bổ sung thêm vitamin C cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn các loại thức ăn có chứa vitamin C hoặc cho trẻ uống vitamin C theo chỉ định của bác sĩ
-
Cắt ngắn móng tay của bé để hạn chế việc bé đưa tay vào mũi gây xước mũi
-
Tạo ẩm trong phòng bằng cách dùng máy tạo ẩm để không khí dễ chịu hơn, tránh làm khô mũi của trẻ
-
Giữ trẻ tránh xa khu vực có khói thuốc bởi chúng gây viêm mũi và khô mũi ở trẻ
-
Khi trẻ bị chảy máu mũi nên để trẻ ngồi thẳng, hơi cúi đầu và cổ về phía trước. Không cho trẻ nằm ngửa dễ khiến trẻ bị sặc máu.
-
Cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc cho trẻ đặc biệt là thuốc Aspirin vì có nguy cơ tăng chảy máu ở trẻ.
-
Giữ ẩm mũi cho trẻ bằng cách nhỏ dung dịch nước muối sinh lý 2-3 lần mỗi ngày
Trẻ 1 tuổi bị chảy máu cam chỉ cần xử lý đúng cách sẽ không quá nghiêm trọng. Cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, bú đủ sữa và tạo môi trường thông thoáng, dễ chịu sẽ giúp bé hạn chế các nguy cơ bị chảy máu cam.
When to see a doctor if a child has a nosebleed- Ngày truy cập: 18/10/2022
https://www.medicalnewstoday.com/articles/324536
Nosebleed- Ngày truy cập: 18/10/2022