Ăn dặm BLW là phương pháp ăn dặm độc lập giúp con học được các kỹ năng bốc nhón, nhai và nuốt thành thạo. Từ đó giúp con có thể tự lập tốt hơn trong các bữa ăn hàng ngày và thêm hứng thú với đồ ăn và các thực phẩm mới. Vậy mẹ đã biết chế biến những món ăn dặm BLW cho bé 10 tháng tuổi phù hợp chưa? Cùng Monkey Việt Nam tìm hiểu ngay qua bài viết này nhé.
Dưỡng chất cần bổ sung cho bé 10 tháng
Dù bạn cho bé ăn theo phương pháp nào thì xây dựng một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng vẫn là quan trọng nhất. Thực đơn BLW cho bé 10 tháng tuổi cần phải bổ sung đủ các nhóm chất dưới đây:
-
Chất bột đường: Là nhóm chất có tác dụng lớn trong việc cung cấp năng lượng cho trẻ để hoạt động mỗi ngày. Đồng thời hỗ trợ hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn để bé hấp thụ các chất dinh dưỡng tối đa. Mẹ nên ưu tiên bổ sung các loại ngũ cốc, bí đỏ, khoang lang, các loại đậu, trái cây, gạo… vào khẩu phần ăn của con.
-
Chất đạm: Protein có tác dụng cấu tạo hệ thống các cơ vận động, tham gia vào cấu trúc của kháng thể, giúp vận chuyển trao đổi chất và kích thích vị giác ăn ngon của bé. Mẹ có thể bổ sung đạm cho bé 10 tháng tuổi thông qua các loại thực phẩm như: Thịt bò, thịt dê, thịt gia cầm, sữa, trứng…
-
Chất béo: Chất béo giúp cơ thể bé tích trữ năng lượng, hấp thụ các vitamin tan trong chất béo và hỗ trợ hình thành các tế bào mô não, võng mạc hiệu quả. Vì thế, trong mỗi bữa ăn của con mẹ nên thêm vào 2 thìa dầu ăn nhé.
-
Vitamin, khoáng chất: Nhóm vi chất này có tác dụng hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể bé, đồng thời giúp hệ tiêu hoá được khoẻ mạnh và không bị táo bón. Các loại rau xanh, củ quả là nguồn bổ sung vitamin và khoáng chất tuyệt vời mẹ không nên bỏ qua.
Nguyên tắc chế biến đồ ăn dặm BLW cho bé
Với ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm truyền thống, đa phần thức ăn sẽ được xay nhuyễn và tăng thô dần theo độ tuổi của con. Nhưng với ăn dặm BLW thì hoàn toàn khác, việc chế biến đồ ăn dặm sẽ có sự khác biệt. Và mẹ cần nắm vững nguyên tắc chế biến thì mới có thể thực hiện đúng phương pháp, thu về kết quả tốt.
Khi chế biến đồ ăn dặm BLW cho bé 10 tháng tuổi, mẹ nên sử dụng dao lượn sóng để cắt nhỏ thức ăn vừa miếng thành hình chữ nhật. Việc sử dụng dao lượn sóng sẽ tăng độ bám của thức ăn, khi cầm bé sẽ không bị trơn trượt và làm rơi xuống bàn.
Ngoài ra k nên chế biến đồ ăn quá mềm, điều này sẽ khiến con khó để cầm chắc thức ăn và đưa vào miệng. Cha mẹ cũng nên học cách xử lý hóc ăn dặm BLW phòng những trường hợp có thể xảy ra. Chỉ nên đưa 1 – 2 miếng thức ăn cho bé làm quen, không đưa quá nhiều con sẽ mất tập trung khiến việc học ăn BLW trở nên khó khăn hơn.
Top 10 thực đơn ăn dặm BLW cho bé 10 tháng tuổi
Bánh pancake có yến mạch
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
4 thìa yến mạch
-
1 lòng đỏ trứng
-
60ml sữa mẹ/sữa công thức
-
30gr khoai lang
Các bước thực hiện:
-
Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch mang đi hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
-
Yến mạch ngâm 30 phút cho mềm rồi rửa sạch, để ráo nước.
-
Trộn đều hỗn hợp yến mạch, khoai lang, lòng đỏ trứng và sữa. Cho vào máy xay xay nhuyễn lại 1 lần nữa.
-
Làm nóng chảo chống dính, cho hỗn hợp trên vào áp chảo đến khi chín. Lưu ý mỗi lần áp chảo chỉ cho 1 thìa canh để tạo hình tròn đẹp mắt.
Bánh pancake, yến mạch và lê
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
4 thìa yến mạch
-
1 lòng đỏ trứng
-
60ml sữa mẹ/sữa công thức
-
½ quả lê
Các bước thực hiện:
-
Lê gọt vỏ, bỏ hạt thái hạt lựu
-
Yến mạch ngâm nước 30 phút, sau đó vớt ra để ráo
-
Cho vào cối xay yến mạch, lê, lòng đỏ trứng và sữa sau đó xay nhuyễn để thu được hỗn hợp mịn.
-
Làm nóng chảo chống dính, cho 1 thìa canh hỗn hợp vào áp chảo mỗi bên khoảng 3 phút đến khi chín. Lặp lại đến khi hết nguyên liệu, cho bé ăn khi còn nóng.
Các loại rau củ luộc
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
Cà rốt: nửa củ
-
Mướp hương: nửa củ
-
Su su: nửa củ
-
Ớt chuông: nửa củ
Các bước thực hiện:
-
Sơ chế tất cả các loại củ quả trên, sau đó dùng dao lượn sóng cắt thành hình chữ nhật kích thước 2 x 4cm.
-
Đun sôi nước rồi cho củ quả vào luộc, lưu ý loại củ nào dễ chín thì cho vào sau (hoặc có thể hấp cách thuỷ).
-
Cho rau củ vào đĩa và cho bé ăn khi còn ấm.
Bánh mì sốt bơ
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
Bánh mì hữu cơ: 3 lát
-
Tỏi băm
-
Bơ: nửa quả
-
Dầu oliu, nước cốt chanh
Các bước thực hiện:
-
Bơ bóc vỏ, bỏ hạt rồi dằm nhuyễn, thêm nước cốt chanh và dầu oliu vào trộn đều.
-
Phết 1 lớp bơ mỏng và tỏi băm lên mặt bánh mì, sau đó cho vào lò nướng nước 2 phút trong 160 độ.
-
Kiểm tra thấy bánh đã có độ giòn thì bỏ ra ngoài, để nguội và cho bé thưởng thức.
Cơm sườn xay
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
Cơm nóng: 1 bát con
-
Sườn: 200gr
-
Cà chua: 1 quả
-
Dầu ăn, bột hành
-
Bí xanh: 30gr
Các bước thực hiện:
-
Sườn rửa sạch, trần sơ qua với nước cho hết mùi hôi, sau đó ướp cùng chút bột hành.
-
Cà chua rửa sạch, bổ múi cau.
-
Làm nóng chảo, cho thêm chút dầu ăn vào rán sơ sườn. Sau đó cho cà chua vào dằm nát, thêm nước ninh khoảng 10 phút đến khi nước sốt sệt lại.
-
Bí xanh gọt vỏ, rửa sạch cắt miếng vừa ăn rồi hấp chín.
-
Cơm nóng tạo hình con vật bé yêu thích, cho bé ăn cùng sườn và bí xanh hấp.
Bánh mì trứng
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
Bánh mì hữu cơ
-
1 lòng đỏ trứng gà
-
Sữa mẹ/sữa công thức: 30ml
-
Bơ lạt
Các bước thực hiện:
-
Đánh tan sữa và lòng đỏ trứng gà, sau đó lọc qua rây để thu được hỗn hợp mịn.
-
Bánh mì cắt viền, có thể dùng khuôn để tạo hình ngộ nghĩnh.
-
Bơ đun chảy, sau đó dùng chổi quét bơ lên khắp mặt chảo nóng.
-
Nhúng bánh vào hỗn hợp trứng sữa khoảng 20 giây rồi áp chảo trên lửa vừa, mỗi mặt chiên 40 – 50 giây tới khi bánh ráo nước và có màu nâu cánh gián là được.
Cơm chả tôm
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
Tôm: 4 – 5 con
-
Thịt nạc thăn: 50gr
-
1 lòng đỏ trứng
-
Hành lá
-
1 thìa bột bắp
-
Cọng cải bó xôi
-
Cơm nóng: 1 bát
Các bước thực hiện:
-
Hành lá rửa sạch, thái nhỏ
-
Tôm làm sạch, rút chỉ đất; sau đó cho vào máy xay cùng thịt nạc thăn, lòng đỏ trứng, hành lá và bột bắp xay nhuyễn.
-
Làm nóng chảo với dầu ăn, sau đó cho hỗn hợp trên vào rán vàng đều 2 mặt. Nên nặn thành từng miếng tròn để bé dễ ăn hơn.
-
Cọng cải bó xôi rửa sạch, luộc chín rồi bày ra đĩa cho bé ăn cùng chả tôm và cơm.
Bánh bí đỏ
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
Bí đỏ: 50gr
-
Bột mì hữu cơ: 30gr
-
Phô mai tách muối
Các bước thực hiện:
-
Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, mang đi hấp chín rồi rây thật mịn.
-
Trộn bí đỏ với bột mì hữu cơ nhào cho đến khi thu được một khối bột không dính tay.
-
Chia bột thành các phần nhỏ, vo tròn rồi cán dẹt; sau đó cho miếng phô mai vào làm nhân rồi vo tròn. Dùng tăm tạo hình viền giống quả bí đỏ.
-
Cho bánh đã tạo hình vào xửng hấp khoảng 20 phút, dùng tăm xiên không bị dính bột nghĩa là bánh đã chín. Lấy ra cho bé thưởng thức.
Bơ dầm sữa
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
Bơ: ½ quả
-
Sữa mẹ/sữa công thức: 30ml
Các bước thực hiện:
-
Bơ gọt vỏ, bỏ hạt rồi nghiền nhuyễn; có thể lọc qua rây thêm 1 lần cho mịn.
-
Trộn bơ và sữa lại với nhau để thu được hỗn hợp sệt và cho bé thưởng thức.
Cháo thịt gà nấm
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
Lườn gà: 30gr
-
Nấm hương: 2 cái
-
Hành lá
-
Gạo: 30gr
Các bước thực hiện:
-
Lườn gà rửa sạch, luộc chín rồi xé nhỏ hoặc xay nhuyễn.
-
Gạo vo sạch sau đó cho vào nồi cùng lượng nước luộc gà vừa đủ ninh thành cháo.
-
Nấm hương ngâm nở mềm, cắt chân rồi băm nhuyễn.
-
Hành lá rửa sạch thái nhỏ.
-
Khi cháo đã chín cho gà và nấm hương vào đảo đều, nấu thêm 5 – 7 phút rồi cho hành lá vào và tắt bếp.
Cháo rau ngót thịt băm
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
-
Thịt thăn lợn: 30gr
-
Gạo tẻ: 30gr
-
Rau ngót: 10gr
Các bước thực hiện:
-
Thịt thăn lợn rửa sạch, băm nhuyễn rồi đảo trên bếp đến khi chín. Có thể mang đi xay nhuyễn nếu con ăn thô chưa tốt.
-
Gạo tẻ ngâm với nước khoảng 30 phút, sau đó đổ vào nồi cùng lượng nước vừa đủ ninh thành cháo.
-
Rau ngót tuốt lá, rửa sạch rồi vò nát hoặc xay nhuyễn tuỳ vào độ ăn thô của bé.
-
Khi cháo chín, cho thịt và rau ngót vào khuấy đều, cháo sôi thêm 2 – 3 phút thì tắt bếp, múc ra bát.
Thực phẩm bé 10 tháng tuổi nên ăn và không nên ăn?
Thực phẩm nên bổ sung
Ở độ tuổi 10 tháng con đã có khoảng 3 – 4 chiếc răng bé xinh; vì thế có thể cắn đa dạng thực phẩm. Tuy nhiên mẹ vẫn nên cho bé ăn thức ăn mềm để việc nhai nuốt thức ăn dễ dàng hơn. Một số thực phẩm nên bổ sung cho bé giai đoạn này đó là:
-
Các loại hoa quả mềm, quả mọng cắt miếng nhỏ. Những hoa quả cứng như lê, đào, táo… mẹ có thể hấp cách thuỷ cho mềm giúp ăn tốt hơn.
-
Ngũ cốc được nghiền từ các loại hạt như: Đậu đen, vừng, hạt óc chó, đậu đỏ…
-
Rau củ các loại cần được nấu chín và cắt miếng dài vừa ăn, không nên cắt quá nhỏ dễ khiến con bị hóc.
-
Các loại thịt gia súc, gia cầm và cá nấu chín kỹ
-
Sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, váng sữa…
-
Lòng đỏ trứng
-
Các loại thực phẩm giàu tinh bột như: bánh mì, mì ống, bún, phở…
Thực phẩm nên tránh
Chế biến món ăn BLW cho trẻ 10 tháng chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là khâu chuẩn bị và lựa chọn nguyên liệu. Những thực phẩm dưới đây không nên cho bé ăn:
-
Trái cây nguyên quả, rau nhiều lá không được nấu chín mềm.
-
Thực phẩm khó nhai, chế biến dễ bị dai như thịt bò, thịt trâu, thịt dê…
-
Các loại hạt có kích thước nhỏ, quả oliu, sữa tươi, mật ong…
-
Các loại thực phẩm ăn liền, thức ăn nhanh, đồ uống có gas, nhiều đường.
-
Lòng trắng trứng
Xem thêm: Gợi ý thực đơn BLW cho bé 11 tháng từ chuyên gia
Ăn dặm BLW cho bé 10 tháng tuổi cần đa dạng về nguồn thực phẩm và ưu tiên những cách chế biến như hấp, luộc để con có thể khám phá được trọn vẹn hương vị của món ăn. Chỉ cần một chút kiên trì đồng hành cùng con chắc chắn mẹ sẽ sớm hái được quả ngọt.
1. 10 - 11 month baby-led weaning food chart - truy cập ngày 26/8/2022
https://huckleberrycare.com/blog/baby-led-weaning
2. Baby-Led Feeding (BLW) with Clara: a 10-month update - truy cập ngày 26/8/2022
https://simplebites.net/baby-led-feeding-blw-with-clara-a-10-month-update/