zalo
[Hỏi đáp] Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn ăn có sao không?
Giai đoạn đầu đời của bé (0-1 tuổi)

[Hỏi đáp] Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn ăn có sao không?

Lê Hương
Lê Hương

08/08/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, việc con ngủ quá nhiều không chịu dậy ăn khiến những người mới lên chức cha mẹ vô cùng lo lắng và sợ con ăn ít sẽ phát triển chậm hơn những bạn cùng trang lứa. Vậy trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn ăn có sao không? Cùng Monkey tìm hiểu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây nhé!

Nhu cầu ngủ của trẻ sơ sinh 

Đối với trẻ em, giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển hệ thần kinh và cảm xúc. Trẻ sẽ xử lý những thông tin tiếp nhận vào ban ngày và sản xuất hormone tăng trưởng, có lợi cho sự phát triển xương và cơ bắp khi trẻ ngủ. 

Trẻ sơ sinh có giấc ngủ khác hoàn toàn so với người lớn. Trẻ trong giai đoạn sơ sinh thường ngủ từ 18 đến 20 giờ vào bất kỳ khung giờ nào trong ngày. Mỗi giấc ngủ của trẻ có thể kéo dài từ 2 đến 3 tiếng xen kẽ với những bữa bú.

Nguyên nhân là do dạ dày của trẻ khá nhỏ, không chứa được nhiều thức ăn nên con phải dậy để nạp thêm năng lượng. Trẻ thường ngủ nhiều vào ban ngày hơn là ban đêm.

Trẻ sơ sinh thường ngủ từ 18 đến 20 giờ mỗi ngày (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Các loại giấc ngủ

Giấc ngủ nhanh (giấc ngủ nông): Khoảng một nửa thời gian ngủ của trẻ sơ sinh là ngủ nông, mắt trẻ cử động nhanh theo chiều trước - sau.

Giấc ngủ chậm (giấc ngủ sâu): Trẻ không cử động mắt. Trẻ ngủ sâu khoảng 8 tiếng/ngày, gồm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, mí mắt trẻ sụp xuống hoặc chớp liên tục;

  • Giai đoạn 2: ngủ lơ mơ, trẻ vẫn có thể cử động, vặn mình, giật mình.

  • Giai đoạn 3: ngủ sâu, không cử động, im lặng;

  • Giai đoạn 4: ngủ rất sâu, không cử động, im lặng.

Thời gian ngủ

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều không chịu dậy ăn có đáng lo? Muốn biết đáp án thì mẹ cần nắm rõ được thời gian ngủ bình thường của bé. Từ khi con chào đời cho đến khi con được 1 tuổi, thời gian ngủ của con sẽ rất khác nhau và được phân chia thành các giai đoạn như sau: 

  • Trẻ từ 1 đến 4 tuần tuổi: Ở giai đoạn này, do con chưa hình thành đồng hồ sinh học và chu kỳ giấc ngủ nên con thường ngủ rất nhiều, không phân biệt ngày hay đêm. Trẻ cần ngủ khoảng 15 đến 18 tiếng mỗi ngày. Con sẽ thức dậy để bú sữa, uống nước hoặc đi vệ sinh sau 2 đến 4 giờ. 

  • Trẻ từ 1 tháng đến 4 tháng tuổi: Trẻ thường ngủ từ 14 đến 15 tiếng mỗi ngày. Trong giai đoạn này, giấc ngủ của con sẽ kéo dài hơn, sau 4 đến 6 tiếng ngủ sâu con sẽ tỉnh để nạp năng lượng. Bên cạnh đó, con cũng sẽ bắt đầu ngủ nhiều hơn vào buổi tối và thức dậy vào buổi sáng để đùa giỡn hoặc “hóng chuyện”. 

  • Trẻ từ 4 tháng đến 1 tuổi: So với các giai đoạn trước thì chu kỳ giấc ngủ và giờ giấc sinh học của trẻ thể hiện rõ hơn hẳn. Con sẽ ngủ giấc dài 7 đến 8 tiếng vào ban đêm và ngủ thêm 1 – 2 giấc ngắn vào ban ngày. Con sẽ ngủ khoảng 12 tiếng mỗi ngày và cần được bú sữa nhiều hơn để có năng lượng khám phá thế giới bên ngoài.

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn ăn có sao không?

Nếu trẻ ngủ nhiều nhưng nằm trong thời gian ngủ như khuyến cáo ở trên thì cha mẹ hoàn toàn không phải lo lắng nhé! Dù vậy, mẹ cũng không nên để trẻ sơ sinh ngủ nhiều mà không ăn vì dạ dày con còn nhỏ, nếu không bú liên tục thì sẽ không đảm bảo năng lượng cho cơ thể con. Bên cạnh đó, sữa mẹ cũng rất dễ tiêu hóa nên con sẽ nhanh đói hơn. Vì vậy, mẹ hãy canh giờ để cho con bú nhé! 

Mỗi giấc ngủ của trẻ có thể kéo dài từ 2 đến 3 tiếng xen kẽ với những bữa bú (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tuy nhiên, nếu trẻ ngủ quá nhiều so với thời gian giấc ngủ được đề cập ở trên, trẻ có các dấu hiệu bất thường như không chịu bú sữa, ngủ li bì, ngủ dài 8 đến 9 tiếng không tỉnh dậy lần nào thì có nhiều khả năng là con đang gặp các vấn đề về sức khỏe. 

Một số lý do khiến trẻ sơ sinh ngủ nhiều gồm: 

  • Ngủ nhiều do sinh lý

Đây là sự phát triển bình thường của con nên cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm nhé! Bởi khi trải qua một số cột mốc tăng trưởng quan trọng như con nâng đầu, trườn bò,... sẽ tiêu tốn khá nhiều năng lượng nên con cần ngủ bù và thường sẽ có xu hướng ngủ nhiều hơn. 

  • Ngủ nhiều do bệnh lý

Cần đưa trẻ đi khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Trong một số trường hợp, các nguyên nhân về bệnh lý có thể khiến con ngủ nhiều hơn. Nếu con bị ốm và mệt mỏi, con cũng thường ngủ nhiều so với bình thường vì giấc ngủ sẽ làm giảm cảm giác đau nhức cho con. Một số bệnh lý khiến trẻ sơ sinh ngủ nhiều quên ăn là: 

  • Tiêu chảy: Trẻ sơ sinh thường ngủ trong trạng thái mệt mỏi khi mất nước do các nguyên nhân như nôn trớ, tiêu chảy, nôn trớ, ra mồ hôi nhiều,...

  • Sốt: Trường hợp trẻ bị sốt thường sẽ ngủ lì bì và kéo dài nhiều giờ. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi, sốt từ 38 độ C trở lên thì cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ ngay để điều trị. 

  • Viêm màng não: Đây là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, nếu trẻ sơ sinh ngủ nhiều không ăn thì mẹ cần lưu ý và đưa con đi thăm khám bác sĩ kịp thời.

Bé ngủ nhiều không chịu dậy ăn ba mẹ nên làm gì?

Như vậy, mẹ đã nắm được nhu cầu, thời gian ngủ thông thường của trẻ trong giai đoạn sơ sinh. Nếu trẻ ngủ nhiều sau đó thức dậy và bú sữa đều đặn thì cha mẹ có thể yên tâm nhưng nếu trẻ sơ sinh ngủ nhiều không chịu dậy ăn thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của con.

Vậy cha mẹ nên làm gì trong trường hợp này? Bỏ túi ngay các cách gọi bé dậy dưới đây:

Gọi bé dậy bằng ti của mẹ 

Gọi bé dậy bằng ti mẹ là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất, mẹ chỉ cần gọi con nhẹ nhàng, tránh làm con giật mình và oe khóc là được. Cụ thể, mẹ cần làm những bước sau để đánh thức thiên thần nhỏ dậy ti sữa: 

Gọi bé dậy bằng ti mẹ (Ảnh: Sưu tầm Internet)

  • Mẹ có thể chạm nhẹ vào người con để gọi con dậy bú. Cơ thể của trẻ sơ sinh cực kỳ nhạy cảm, chỉ cần mẹ chạm nhẹ vào má con là cũng có thể làm con tỉnh giấc. Nhưng lưu ý rằng mẹ chỉ nên chạm nhẹ để tránh làm con bị giật mình nhé!

  • Mẹ cũng có thể bỏ bớt tã, quấn chăn trên người con để con được ngủ sâu và ngủ ngon trong lớp chăn giữ ấm. Hãy bỏ chăn ra nếu mẹ muốn con tỉnh dậy. 

  • Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng một chiếc khăn ẩm để lau mặt, tay, lưng, chân cho con. Qua đó việc đánh thức con sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn.

  • Cho con bú mẹ: Đối với trẻ trong giai đoạn sơ sinh thì bú mẹ là bản năng. Chỉ cần mẹ cho ti vào miệng thì con sẽ bú theo phản xạ tự nhiên. Con cũng sẽ bắt đầu tỉnh ngủ khi bú mẹ.

Bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho con qua thực đơn ăn dặm

Mẹ hãy bổ sung đủ các dưỡng chất cần thiết cho con như vitamin, protein, kẽm, axit nucleic,... cùng nhiều khoáng chất khác để con có thể phát triển tốt, ăn ngon và ngủ đủ giấc. Khi con bắt đầu ăn dặm, mẹ hãy nhớ nạp năng lượng cho bé yêu nhà mình bằng các thực phẩm đa dạng như thịt heo, thịt bò, cá, su hào, đậu xanh, cà rốt, bắp cải, hạt macca,... 

Nếu bé yêu chưa đến giai đoạn ăn dặm và vẫn đang ti sữa thì nhiệm vụ của mẹ là ăn uống lành mạnh và khoa học để tăng sản xuất sữa cũng như nâng cao chất lượng sữa mẹ. Khi đó bé sẽ bú giỏi và ít bị ốm, tránh ngủ li bì.

Đem bé đi thăm khám khi tình trạng ngủ li bì kéo dài 

Sẽ chẳng có cha mẹ nào muốn cho con đi khám bác sĩ nhiều nhưng nếu con ngủ li bì kéo dài, ngủ quá nhiều so với thời gian thông thương, chậm tăng cân hay có những dấu hiệu khác thì cha mẹ cần đưa con đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ thăm khám và cũng phát hiện sớm những tình trạng bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Cách cân đối giấc ngủ và giờ ăn cho bé

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hay ngủ ít đều khơi dậy những niềm lo lắng trong tâm trí của nhiều cha mẹ, đặc biệt với những cha mẹ lần đầu chăm con. Để con có thể phát triển bình thường và khỏe mạnh nhất, cha mẹ cần cân đối giấc ngủ và giờ ăn cho thiên thần nhỏ nhà mình qua những gợi ý dưới đây:

Lên lịch trình ăn ngủ, giờ giấc khoa học

Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen đi ngủ sớm và đúng vào một giờ quy định, có thể phát các tín hiệu để con nhận thấy đã đến giờ đi ngủ như hát ru, hôn chúc ngủ ngon,... Việc lên lịch trình ăn ngủ và giờ giấc khoa học sẽ giúp con có phản xạ nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và ăn uống đủ bữa. 

Cha mẹ hãy lên lịch trình ăn ngủ khoa học cho bé yêu (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tạo các thói quen ngủ tốt cho con

Không chỉ lên lịch trình ăn ngủ cho con, cha mẹ cũng nên tạo cho con những thói quen ngủ tốt như không ăn quá no trước khi ngủ, nằm sai tư thế,... Cha mẹ nên cho trẻ nằm ngửa, không nên nằm sấp khi ngủ.

Ngoài ra, không quấn quá nhiều chăn, khăn khi con ngủ, không trùm kín phần đầu vì có thể gây ngạt thở cho con,... Những thói quen không tốt sẽ gây tác hại xấu đến chất lượng giấc ngủ cũng như sự phát triển của trẻ về sau này. 

Luyện tập ăn uống theo các phương pháp khoa học

Bên cạnh giấc ngủ, dinh dưỡng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con. Cha mẹ có thể luyện tập cho bé yêu ăn uống theo các phương pháp khoa học như: 

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật 

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp bé yêu được thử nhiều loại thực phẩm khác nhau như rau, củ, quả, thịt, cá, gà, tôm,... Qua đó bé có thể phân biệt được mùi vị thức ăn từ sớm, phòng ngừa được tình trạng biếng ăn. 

Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật vô cùng nổi tiếng (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Một trong những ưu điểm của phương pháp này là trong quá trình ăn dặm, mẹ sẽ cho bé ăn từ lỏng đến đặc, từ mịn tới thô. Do đó sẽ giúp bé trang bị được kỹ năng nhai, nuốt tốt hơn. Không chỉ vậy, bé còn học được kỹ năng cầm, nắm thức ăn và biết lựa chọn món ăn mình yêu thích. 

Phương pháp ăn dặm tự bé chỉ huy 

Phương pháp ăn dặm tự bé chỉ huy sẽ cho bé được tự quyết định quá trình ăn của mình ngay từ đầu. Cha mẹ chỉ chọn loại đồ ăn và bé sẽ là người sẽ quyết định khối lượng thức ăn cũng như cách ăn. Bé có thể ngồi cùng bàn và ăn chung với cả nhà, bé sẽ tự ăn và sẽ ăn thô như người lớn. Đồng thời bé cũng sẽ được tự chọn những gì con thích qua việc bốc hoặc cầm nắm đồ ăn đã được hầm mềm bằng tay. 

Phương pháp ăn dặm truyền thống

Phương pháp ăn dặm truyền thống rất phố biển và được nhiều mẹ lựa chọn. Với phương pháp này, đầu tiên bé sẽ được ăn bột xay chung với các loại thực phẩm khác nhau. Đến thời điểm mọc răng, con sẽ đổi sang ăn cháo kèm thức ăn xay nhuyễn.

Xem thêm: Hướng dẫn 3 cách nấu cháo ăn dặm kiểu Nhật cực nhanh

Con ngủ đủ giấc và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thì mới có thể phát triển khỏe mạnh. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp cha mẹ giải đáp câu hỏi trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn ăn có sao không? Đừng quên theo dõi Monkey để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích trong hành trình chăm sóc thiên thần nhỏ đáng yêu nhé!

1. 6 Reasons Why Your Baby May Be Sleeping More and Eating Less - truy cập ngày 8/8/2022

https://dreamlandbabyco.com/blogs/news/6-reasons-why-your-baby-may-be-sleeping-more-and-eating-less 

2. Is my newborn sleeping too much? - truy cập ngày 8/8/2022

https://www.medicalnewstoday.com/articles/322565  

Lê Hương
Lê Hương

Tôi là Hương - chuyên viên sáng tạo nội dung tại Monkey Việt Nam. Tôi đã có hơn 3 năm kinh nghiệm sản xuất content chuyên nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục, sức khoẻ, du lịch, tài chính, công nghệ,...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey