Suy dinh dưỡng là tình trạng không còn phổ biến so với thời kỳ trước đây, nhưng vẫn là vấn đề ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến rất nhiều trẻ em, đặc biệt dưới 3 tuổi. Cụ thể, cùng tìm hiểu những hậu quả của suy dinh dưỡng gây nên cho trẻ sơ sinh và trẻ em từ chia sẻ từ của các bác sĩ dinh dưỡng và nhi khoa trong bài viết sau đây.
Nguyên nhân gây nên suy dinh dưỡng ở trẻ em
Suy dinh dưỡng ở trẻ em là một trong những vấn đề sức khỏe xảy ra khi chế độ ăn uống của trẻ em không chứa đủ chất dinh dưỡng cần thiết, hoặc khi cơ thể gặp những vấn đề gây kém hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn, dẫn tới trẻ bị còi cọc, chậm lớn về thể chất lẫn trí tuệ so với bạn bè cùng độ tuổi.
Bên cạnh đó, một số lý do khác có thể gây ra suy dinh dưỡng theo các nghiên cứu khoa học bao gồm:
-
Trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ đầy đủ, trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn.
-
Thức ăn cho trẻ nhỏ không được ăn đa dạng hóa, thiếu chất dinh dưỡng cần cho sự phát triển đặc biệt quan trọng trong những năm đầu đời.
-
Trẻ biếng ăn do chán ăn, bệnh lý hoặc thức ăn không hợp khẩu vị hợp của trẻ.
-
Trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng một cách thường xuyên, như viêm phổi, tiêu chảy, giun sán,... Sau đó, trẻ phải điều trị bằng cách uống thuốc diệt vi khuẩn gây bệnh, tạo ra ảnh hưởng xấu tới hệ miễn dịch của trẻ bởi thuốc đồng thời diệt những vi khuẩn có lợi tại đường ruột, làm giảm quá trình lên men thức ăn và khiến trẻ biếng ăn, đầy bụng, khó hấp thụ thức ăn.
-
Trẻ gặp phải một số vấn đề tâm lý bởi phụ huynh không biết cách chăm sóc trẻ đúng cách. Tiêu biểu như phụ huynh có những hành động ép buộc trẻ ăn quá mức, khiến trẻ bị hoảng sợ và ám ảnh khi ăn, dẫn tới chán ăn, bỏ ăn và thiếu chất, từ đó bị suy dinh dưỡng.
Khi trẻ gặp phải những nguyên nhân suy dinh dưỡng trên thì trẻ sẽ có những triệu chứng cụ thể như chia sẻ của chuyên gia sau đây.
Những dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ
Một số biểu hiện phổ biến của bệnh suy dinh dưỡng mà phụ huynh có thể quan sát, kịp thời phát hiện phải kể tới:
-
Trẻ trong 3 tháng liên tiếp không tăng thêm cân nặng hoặc chiều cao so với mức dự kiến dù trẻ đang trong độ tuổi lớn nhanh.
-
Trẻ có những thay đổi tiêu cực trong hành vi ứng xử, ví dụ như trẻ đột nhiên trở nên ít vui chơi và thiếu hoạt bát hơn trước đây. Hoặc trẻ thường xuyên quấy khóc, ít ngủ, cơ thể phản ứng chậm chạp hơn so với các bạn cùng lứa tuổi.
-
Những bắp thịt tại các vị trí tay và chân của trẻ khi sờ vào sẽ thấy sự mềm nhão và quan sát thấy bụng trẻ to dần.
-
Trẻ chậm phát triển vận động như đến tuổi nhưng chưa biết lẫy, bò, ngồi hoặc đi, đứng.
Nếu xuất hiện những dấu hiệu bị suy dinh dưỡng kể trên, trẻ sẽ gặp phải nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống như chia sẻ trong phần tiếp theo.
Những hậu quả của suy dinh dưỡng ở trẻ em là gì?
Có rất nhiều hậu quả về thể chất, trí tuệ và tinh thần mà suy dinh dưỡng gây nên, được chia thành 5 nhóm chính dưới đây.
Tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới thống kê, có tới hơn một nửa (chiếm tới 54%) số trường hợp tử vong ở trẻ em ở độ tuổi dưới 5 tuổi, sinh sống tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) đều có nguyên nhân liên quan đến bệnh suy dinh dưỡng ở mức độ vừa và nhẹ.
Đây là con số đáng báo động. Do đó, bệnh suy dinh dưỡng cần được phụ huynh đặc biệt chú ý quan sát, kịp thời phát hiện dấu hiệu và chữa trị sớm nhất.
Thể chất chậm phát triển
Thêm một hậu quả nữa mà suy dinh dưỡng đem đến cho trẻ em ở thời điểm hiện tại và tương lai là tầm vóc của bé bị thấp bé và còi cọc hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Lý do là bởi trẻ suy dinh dưỡng không được cung cấp lượng dinh dưỡng đầy đủ theo nhu cầu, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể.
Khi tất cả các cơ quan trong cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng thì dẫn tới hệ xương, khớp, cơ bắp… đều chậm phát triển. Trẻ sẽ bị thấp còi, suy dinh dưỡng so với bạn bè cùng tuổi.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng thiếu dinh dưỡng đã diễn ra sớm hơn, như trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong giai đoạn bào thai và trước khi trẻ được 2 tuổi thì tình trạng này sẽ càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm vóc của trẻ khi lớn lên. Nếu vấn đề suy dinh dưỡng kéo dài đến độ tuổi trẻ dậy thì hậu quả là chiều cao của trẻ sẽ bị thấp hơn so với mức trung bình.
Chậm phát triển về trí tuệ
Hậu quả của suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng tới vóc dáng bên ngoài mà còn tác động đến sự phát triển trí tuệ của các bé. Lý do cũng tương tự như việc chậm phát triển vóc dáng, là bởi trẻ bị thiếu dinh dưỡng, trong đó luôn có cả những chất cần thiết quan trọng cho sự phát triển của não bộ và trí tuệ của trẻ như chất béo, khoáng chất sắt, iốt, DHA, Taurine… Vì thế, trẻ bị suy dinh dưỡng thường kém phát triển về vóc dáng lẫn trí tuệ.
Biểu hiện của việc chậm phát triển trí tuệ là trẻ trở nên thờ thẫn, lờ đờ, chậm phát triển, giao tiếp xã hội kém hơn bình thường. Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập, kết bạn bè, hoạt động thể thao và tương lai sau này của trẻ em.
Tăng nguy cơ mắc bệnh
Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng còn làm cơ thể của trẻ em trở nên yếu ớt, giảm sức đề kháng nghiêm trọng. Trong khi sức đề kháng ở trẻ vốn đã rất yếu, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Tất cả những điều này cùng kết hợp khiến trẻ em suy dinh dưỡng tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cao hơn bình thường. Một số bệnh phổ biến có thể kể đến như nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi hay tiêu chảy…
Các bệnh lý này còn làm trẻ em trở nên ăn uống kém hơn, trong khi nhu cầu năng lượng tăng cao hơn để điều trị bệnh, nên khiến tình trạng suy dinh dưỡng lại càng trở nên trầm trọng. Vòng luẩn quẩn suy dinh dưỡng - bị bệnh tật đó kéo dài lặp lại làm ảnh hưởng đến sự phát triển vóc dáng và cả trí tuệ của trẻ em.
Suy dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của trẻ
Khi trẻ em bị thiếu dinh dưỡng dẫn đến chậm phát triển về cả thể chất, trí tuệ, sẽ khiến trẻ thấp còi, trí thông minh kém, học tập kém. Tất cả những điều này ảnh hưởng tới sự tự tin và việc phát triển bản thân của trẻ trong suốt thời niên thiếu. Trẻ khó có thể hòa nhập vào cộng đồng, tham gia vào các công việc, hoạt động trong xã hội khi trưởng thành. Tất cả khiến tương lai của trẻ bị hạn chế rất nhiều so với những trẻ em khỏe mạnh, không bị suy dinh dưỡng.
Thêm vào đó, nếu tình trạng suy dinh dưỡng tiếp tục xảy ra mà không được cải thiện qua nhiều thế hệ sẽ khiến tầm vóc con người của cả đất nước, khu vực bị thấp bé, giảm trí thông minh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực trong tương lai và sự phát triển của cả dân tộc, đất nước.
Ứng dụng học Toán theo Chương trình GDPT mới cho trẻ Mầm non & Tiểu học số 1 Việt Nam
Suy dinh dưỡng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Bệnh suy dinh dưỡng thiếu chất gì? Làm cách nào để cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn?
Biện pháp ngăn ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ
Để ngăn ngừa bệnh suy dinh dưỡng, phụ huynh cần chủ động áp dụng các phương pháp phòng ngừa sau đây:
-
Chủ động phòng chống trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng, ngăn ngừa các bệnh nhiễm khuẩn ngay từ khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ bằng cách uống viên sắt, axit folic hàng ngày khi mang thai; cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tiêm phòng đầy đủ theo đúng thời gian biểu quy định.
-
Phụ nữ mang thai cần chú ý ăn uống hợp lý, đủ chất, chăm sóc sức khỏe, thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ, để đạt mức tăng từ 10 – 12 cân trong thai kỳ và luôn khám thai định kỳ để nhận biết các dấu hiệu suy dinh dưỡng bào thai (nếu có), điều này giúp bác sĩ đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời, phòng tránh nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh.
-
Phụ nữ sau sinh cần cho bé bú sớm trong nửa giờ đầu tiên. Trong giai đoạn tiếp đến, mẹ cần nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong thời gian 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú cho đến khi trẻ được 18 – 24 tháng tuổi. Vì trong sữa mẹ có rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh mà không có bất kỳ loại sữa nào khác thay thế được.
-
Phụ huynh chú ý cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm quy định (từ tháng thứ 6 trở đi), phấn đấu tất cả các bữa ăn dặm nào cũng đủ 4 nhóm chất: bột đường (cháo), chất đạm (thịt bằm, cá gỡ xương, xé nhỏ, trứng, chất béo (dầu ăn cho trẻ), chất xơ, vitamin và khoáng chất (rau củ quả băm nhuyễn) để bé luôn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Sau thời gian ăn dặm, phụ huynh tiếp tục cho trẻ ăn bữa ăn giống người trưởng thành, đầy đủ 4 nhóm chất kể trên.
-
Tẩy giun định kỳ 2 lần mỗi năm cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
-
Chủ động phòng ngừa và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng ở trẻ; đảm bảo bé luôn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng trong suốt thời gian trị bệnh để phòng tránh thiếu chất dinh dưỡng.
Như vậy, với những chia sẻ về nguyên nhân, hậu quả của suy dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa trên đây, hy vọng các gia đình sẽ chủ động tìm hiểu và quan tâm bệnh để đảm bảo trẻ có sự phát triển hoàn thiện và tối ưu nhất trong suốt những năm tháng đầu đời.
What are the consequences of malnutrition? - Truy cập ngày 10/1/2023
https://www.bapen.org.uk/malnutrition-undernutrition/introduction-to-malnutrition?start=2
Malnutrition: causes and consequences - Truy cập ngày 10/1/2023
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4951875/