zalo
Dinh dưỡng có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người
Dinh dưỡng gia đình

Dinh dưỡng có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người

Đào Nhàn
Đào Nhàn

13/07/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Theo thống kê, có đến 70% người tử vong do thiếu một hoặc một vài thành phần dinh dưỡng thiết yếu. Vậy, cơ thể con người cần những loại dinh dưỡng nào? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời. 

Dinh dưỡng là gì?

Dinh dưỡng là những hợp chất hoá học quan trọng có tác dụng duy trì sự sống của con người và hỗ trợ quá trình trao đổi chất. Phần lớn dưỡng chất được bổ sung qua các bữa ăn hàng ngày hoặc một số thực phẩm chức năng.

Chất dinh dưỡng giúp con người duy trì sự sống. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Nếu bạn có một chế độ ăn uống điều độ, chuẩn khoa học thì hệ miễn dịch sẽ ổn định từ đó hạn chế tối đa những vấn đề về sức khỏe. Ngược lại, một thực đơn ăn uống thiếu dinh dưỡng cần thiết sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề tiêu cực như: suy dinh dưỡng, loãng xương, tiểu đường, tim mạch,...

Các loại chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

Để cơ thể phát triển khỏe mạnh thì việc cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết là điều vô cùng quan trọng. Dưới đây là 4 loại dưỡng chất không thể bỏ qua trong thực đơn hàng ngày.

Chất đạm

Chất đạm hay còn được gọi là protein có vai trò quan trọng trong việc cấu tạo nên tế bào, xây dựng cấu trúc và bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại. Nguyên lý hoạt động của protein là tạo ra các kháng thể để chống lại các virus, vi khuẩn lây bệnh.

Chất đạm cấu tạo nên tế bào và xây dựng cấu trúc cơ thể. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài ra, chúng còn tham gia vào quá trình cân bằng nồng độ pH và vận chuyển các dưỡng chất đi khắp cơ thể để giúp các cơ quan hoạt động hiệu quả. Chính vì thế, chất đạm có mặt ở mọi nơi như xương, da, tóc, gan, thận,...

Khoa học đã chứng minh, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 0,8 gam protein/ 1 kg. Bạn nên dựa vào thể trạng sức khỏe, độ tuổi và cân nặng của mình để bổ sung hàm lượng protein phù hợp. Nếu lạm dụng quá nhiều chất đạm có thể gây ra ngộ độc, béo phì và một số bệnh lý nguy hiểm khác.

Chất béo

Chất béo hay còn được gọi là lipit thường tồn tại ở dạng lỏng và dạng rắn. Chúng được coi là một chất dung môi để hỗ trợ cơ thể hoà tan các vitamin A, D, E, K,... Ngoài ra, lipit còn là nguồn dự trữ, cung cấp năng lượng và điều hoà nhiệt độ cơ thể. 

Chất béo khi đưa vào cơ thể sẽ được chuyển hoá và tích tụ dưới dạng mỡ ở vùng an toàn và vùng không an toàn. Vùng an toàn chính là lớp mỡ ở mông, đùi, bụng, bắp tay,... 

Chất béo tập trung nhiều ở bụng, mông, đùi, bắp tay. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Sau khi lipit đã tích trữ quá nhiều ở vùng an toàn thì cơ thể sẽ tự động đưa đến những bộ phận khác như xung quanh nội tạng. Lúc này, bạn cần đặc biệt chú ý đến sức khoẻ của mình vì dư thừa chất béo có thể gây ra các bệnh mãn tính như: đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao,...

Xem thêm:

Chất bột đường

Chất bột đường hay còn gọi là carbohydrate là nguồn dinh dưỡng chính để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Theo thống kê, chất bột đường chiếm hơn 50% năng lượng từ các bữa ăn hàng ngày. Đây là dưỡng chất quan trọng hàng đầu vì não bộ con người hoạt động được và tư duy tốt chính là nhờ dinh dưỡng từ carbohydrate.

Tuỳ thuộc vào chiều cao, cân nặng, nhu cầu và tần suất hoạt động mà mỗi người sẽ cần một hàm lượng carbohydrate khác nhau. Để biết được con số chính xác, bạn có thể tính toán dựa vào công thức sau đây:

Bước thực hiện

Công thức

Ví dụ (cao 1m65)

Bước 1

Số lẻ chiều cao x 0,9 = Cân nặng lý tưởng (kg)

65 x 0,9 = 58,5 (kg)

Bước 2

Cân nặng lý tưởng x 30 = Năng lượng cần/ngày (calo)

58,5 x 30 = 1755 (calo)

Bước 3

Năng lượng cần/ngày x 60% = Nhu cầu carbohydrate cần/ngày

1755 x 60% = 1065 (calo)

Vitamin và khoáng chất

Vitamin và khoáng chất là nguồn dinh dưỡng thiết yếu để nuôi sống cơ thể. Chúng tham gia hỗ trợ quá trình điều hoà những cơ quan quan trọng như tim và hệ thần kinh. Ngoài ra, khoáng chất và vitamin còn giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại quá trình oxy hoá và là “tấm khiên” phòng ngừa vi khuẩn gây bệnh.

Vitamin và khoáng chất giúp phòng ngừa vi khuẩn gây bệnh. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Vitamin được chia thành 2 nhóm chính là vitamin tan trong nước và vitamin tan trong chất béo.

  • Nhóm vitamin tan trong nước bao gồm: Vitamin nhóm B, C.

  • Nhóm vitamin tan trong dầu bao gồm: Vitamin A, D, E, K.

Khoa học đã chứng minh, có đến hơn 60 nguyên tố khác nhau được coi là khoáng chất và được phân chia thành 2 nhóm chính là:

  • Khoáng chất vi lượng bao gồm: Sắt, i-ốt, mangan, kẽm, đồng,...

  • Khoáng chất đa lượng bao gồm: Canxi, kali, phốt pho, natri,...

Ảnh hưởng của dinh dưỡng tới sức khỏe

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thể trạng sức khoẻ của con người. Nếu bạn thường xuyên thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ có nguy cơ gặp phải hàng loạt bệnh lý liên quan như: ung thư, huyết áp, tim mạch, hệ thần kinh,...

Thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Chế độ dinh dưỡng không khoa học là nguyên nhân dẫn đến 33,8% người trưởng thành và 17% trẻ em bị mắc bệnh béo phì tại Hoa Kỳ. Thậm chí, rất nhiều nơi đã ghi nhận những ca tử vong do hậu quả của thói quen ăn uống vô bổ.

Chính vì vậy, một thực đơn đảm bảo chất dinh dưỡng là chìa khoá để bảo vệ cơ thể luôn khỏe mạnh, dẻo dai và năng động.

Dấu hiệu báo động cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng

Tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Những dấu hiệu này thường biểu hiện rất rõ và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các chức trên cơ thể.

Cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống

Cơ thể mệt mỏi do thiếu sắt, kali. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi, thiếu sức sống là do bạn không cung cấp đủ một vài dưỡng chất cần thiết như: vitamin B12, Kali, Sắt,.... Cách tốt nhất để cân bằng chế độ dinh dưỡng là gặp bác sĩ để được tư vấn, thông qua đó rút ra những lưu ý quan trọng để xây dựng thực đơn ăn uống khoa học.

Tóc khô, dễ gãy rụng

Thiếu vitamin B6 và kẽm là nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc. Nếu tóc gặp tình trạng khô xơ là do bạn không cung cấp đủ hàm lượng vitamin A cho cơ thể. 

Trong trường hợp tóc chỉ rụng vài sợi và có thể khắc phục bằng các sản phẩm dưỡng tóc thì bạn không nên quá lo lắng. Ngược lại, nếu tóc rụng nhiều hoặc không có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian chăm sóc thì bạn cần xem lại khẩu phần ăn hàng ngày của mình.

Cân nặng thay đổi đột ngột

Tình trạng tăng hoặc giảm cân đột ngột. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tăng hoặc giảm cân đột ngột trong một thời gian ngắn là dấu hiệu điển hình của chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học. Nguyên nhân gây ra hiện tượng tăng cân quá mức là do chế độ ăn uống nặng nề, chứa nhiều calo nhưng lại mất cân bằng giữa các nhóm dinh dưỡng. Còn giảm cân đột ngột là biểu hiện của tình trạng suy dinh dưỡng hoặc một số bệnh lý liên quan.

Gặp các vấn đề về răng miệng

Phần lớn chúng ta đều nghĩ răng miệng có mùi hôi là do vệ sinh không sạch sẽ, ăn đồ ăn có mùi, hút thuốc lá hoặc viêm xoang. Tuy nhiên, thiếu khoáng chất như kẽm, sắt, vitamin B6 cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Để tăng khắc phục các vấn đề về răng miệng, bạn nên tích cực ăn nhiều chuối, thịt gà, đậu, lạ, đỗ, hạt bí,...

Hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng (tiêu chảy, táo bón)

Nếu cơ thể có hàm lượng vitamin C, D, B12 và khoáng chất kẽm thấp, bạn rất dễ mắc phải bệnh tiêu chảy. Ngược lại, tình trạng táo bón xảy ra là do chế độ dưỡng không cung cấp đủ chất xơ từ rau xanh và trái cây. 

Tinh thần bất ổn

Tâm lý không ổn định do thiếu dinh dưỡng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho tâm lý không ổn định như: áp lực cuộc sống, phụ nữ đang mang thai, hoặc thiếu một vài dinh dưỡng thiết yếu. Ta có thể kể đến một vài thành phần tác động lên hệ thần kinh như: amino axit, axit béo omega 3, sắt, kẽm,...

Hệ miễn dịch suy giảm

Chế độ dinh dưỡng không khoa học có thể làm cho hệ miễn dịch suy giảm và cơ thể không còn đủ khả năng để chống lại các virus, vi khuẩn gây bệnh. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên bổ sung vitamin E, C, A, protein và kẽm.

Cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể

Dưới đây là 2 phổ biến nhất để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể luôn khỏe mạnh.

Bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể từ nguồn thực phẩm

Bổ sung 4 nhóm chất từ thực phẩm. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể bằng nguồn thực phẩm, bạn cần nắm được những thực phẩm giàu dưỡng chất điển hình dưới đây:

  • Bổ sung protein: Protein là một trong những nhóm chất quan trọng nhất, chúng giúp con người duy trì năng lượng và thể trọng. Một số loại thực phẩm giàu protein là: sữa, bơ, trứng, cá, súp lơ, hạnh nhân,...

  • Bổ sung canxi: Để ngăn ngừa các vấn đề về xương khớp, chúng ta có thể bổ sung canxi qua các thực phẩm như: chế phẩm từ sữa, đậu xanh, khoai lang, bông cải xanh, cam,...

  • Bổ sung chất xơ: Mỗi ngày cơ thể con người cần khoảng 20-35 gam chất xơ. Chất xơ thường có nhiều trong rau xanh và trái cây như: đậu, rau họ cải, măng, củ dền,...

  • Bổ sung chất bột đường: Carbohydrate tốt thường có nhiều trong thực phẩm nguyên chất chưa chế biến hoặc chế biến đơn giản như: gạo, ngũ cốc, sữa đậu, khoai, sắn,...

Bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể từ thuốc bổ

Thuốc bổ là dạng thực phẩm chức năng giúp cung cấp những chất dinh dưỡng mà cơ thể bị thiếu hụt. Tùy thuộc vào thể trạng sức khoẻ của bản thân mà bạn có thể chọn một trong những nhóm thuốc dưới đây.

Thuốc bổ sung vitamin

Mặc dù vitamin chỉ chiếm một hàm lượng vô cùng nhỏ trong cơ thể, tuy nhiên chúng lại có vai trò vô cùng quan trọng. Một số loại vitamin mà bạn không thể bỏ qua gồm: vitamin A, nhóm B, C, D, E,...

Thuốc vitamin phù hợp với người bị suy nhược sức khỏe. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Đặc biệt cơ thể con người không có cơ chế tự tổng hợp vitamin, vì thế sử dụng thêm thực phẩm chức năng là cách được nhiều người lựa chọn. Những đối tượng nên bổ sung nhiều vitamin để tránh suy nhược cơ thể và nâng cao sức khoẻ là người vừa ốm dậy, người làm việc trong môi trường vất vả, người bị suy nhược tinh thần,...

Thuốc bổ sung khoáng chất

Các khoáng chất như: canxi, phốt pho, sắt, kẽm, i-ốt, magie là những nguyên tố không thể thiếu để cân bằng môi trường bên trong cơ thể và thúc đẩy quá trình trao đổi chất diễn ra hiệu quả. 

Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc bổ sung khoáng chất, bạn cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để nắm được cách sử dụng và liều lượng, tránh tình trạng gây hại cho sức khỏe. Chẳng hạn như làm dụng quá nhiều canxi trong khoảng thời gian dài sẽ tạo thành sỏi hoặc viêm loét dạ dày.

Thuốc bổ sung acid amin

Acid amin trong cơ thể bao gồm 20 nhóm riêng biệt, những hợp chất này có tác dụng chuyển hoá các chất dinh dưỡng thành năng lượng để phục vụ hoạt động sống của cơ thể. Khi bạn không cung cấp đủ acid amin sẽ gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng, người mệt mỏi, kém ăn.

Khi uống thuốc bổ để bổ sung acid amin, bạn không thể sử dụng tuỳ tiện mà cần thăm khám bác sĩ để có đơn thuốc phù hợp.

Lời khuyên của chuyên gia khi bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể

Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Dưới đây là những lưu ý từ chuyên gia để cơ thể dễ dàng hấp thụ đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe:

  • Đủ năng lượng: Điều quan trọng nhất khi xây dựng thực đơn ăn uống là bạn cần phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, giúp cơ thể duy trì sự sống. Nhu cầu sử dụng năng lượng của mỗi người sẽ khác nhau vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cân nặng, giới tính, tuổi tác, cường độ lao động, thể trạng bệnh,...

  • Đa dạng thực phẩm: Không chỉ ăn đủ mà bạn cần đảm bảo tính đa dạng trong những bữa ăn hàng ngày. Trung bình, mỗi người cần ăn từ 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày để cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng cơ bản.

  • Cân đối: Một bữa ăn được coi là cân đối thì cần đảm bảo tỷ lệ: protein (12-14%), lipid (20-30%) và glucid (56-68%).

  • Uống đủ nước: Theo thống kê, mỗi ngày cơ thể tiêu hao 1,5 lít nước qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở và phân. Vì vậy, bạn cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để bù vào lượng nước bị mất đi.

  • Hạn chế đồ ăn nhanh: Các loại thực phẩm như snack, mì tôm, đồ chiên rán mặc dù rất tiện lợi nhưng chúng lại chứa nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, bạn cần hạn chế tối đa đồ ăn nhanh để giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch,...

Trên đây là những vai trò quan trọng của 4 nhóm chất dinh dưỡng và cách bổ sung dưỡng chất hiệu quả cho cơ thể. Mong rằng, với thông tin mà Monkey vừa chia sẻ giúp bạn biết cách bảo vệ sức khỏe để hạn chế được các bệnh lý nguy hiểm.

Nutrition - Ngày truy cập: 13/07/2022

https://www.who.int/health-topics/nutrition

Poor Nutrition - Ngày truy cập: 13/07/2022

https://www.cdc.gov/chronicdisease/resources/publications/factsheets/nutrition

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Trẻ em cần được trao cơ hội để có thể học tập và phát triển tốt hơn. Giúp con khai phá tiềm năng tư duy và ngôn ngữ ngay hôm nay.

Nhận tư vấn Monkey