zalo
Phụ nữ hiến trứng có ảnh hưởng đến sinh sản không?
Chuẩn bị mang thai

Phụ nữ hiến trứng có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Đào Nhàn
Đào Nhàn

08/11/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Hiến trứng - việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn giúp những người không có cơ hội làm mẹ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại việc này có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của mình vì “hết trứng”. Vậy thực tế hiến trứng có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Hiến trứng là gì?

Mọi cặp vợ chồng nào cũng đều ước mơ sinh được những đứa con của mình. Bởi con cái là sợi dây kết nối tình cảm ngày càng khăng khít cho cha mẹ. Tuy nhiên, trên thực tế lại có không ít trường hợp hiếm muộn, không thực hiện được ước mơ rất đỗi bình dị đó.

Hiến trứng giúp những người gặp vấn đề sinh sản có thể mang thai. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Có nhiều lý do khiến các cặp vợ chồng không thể có thai. Trong đó, hiện tượng suy giảm chức năng buồng trứng là lý do đáng lo ngại nhất. Các chuyên gia cho biết, chức năng sinh sản buồng trứng của người phụ nữ bắt đầu ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện và bắt đầu giảm dần sau tuổi 30.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, khoảng 1% phụ nữ bị hết trứng khi chưa đến tuổi 40 do vấn đề bẩm sinh hoặc qúa trình tiêu hủy tế bào trứng diễn ra quá nhanh. Ngoài ra, sảy thai hoặc do bệnh lý ở buồng trứng khiến người bệnh phải phẫu thuật trên buồng trứng cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng suy buồng trứng nhanh.

Rất may nhờ sự tiến bộ của Y học, các nhà khoa học đã phát hiện ra tử cung của người phụ nữ vẫn có thể mang thai sau khi buồng trứng ngừng hoạt động một thời gian dài. Nhờ vậy, những người phụ nữ bị suy yếu buồng trứng hoặc buồng trứng không còn hoạt động vẫn có thể mang thai, sinh con.

Chính vì vậy, “hiến trứng” được xem là giải pháp tối ưu giúp những người không thể có con đạt được ước mơ làm cha mẹ. Vậy các chị em phụ nữ, đặc biệt là những người hiếm muộn chưa thể sinh con đã hiểu hiến trứng là gì chưa? 

Hiến trứng là phương pháp giúp cho những người gặp vấn đề về sinh sản có thể tự mang thai và sinh con. Đây là cách lấy trứng của người hiến tặng đem thụ tinh với tinh trùng của người chồng trong ống nghiệm. Sau khi các phôi thai được tạo thành sẽ đem cấy vào tử cung của người vợ, tức là người nhận trứng.

Đứa trẻ đầu tiên trên thế giới sinh ra nhờ trứng hiến tại Australia năm 1984. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Năm 1984, em bé đầu tiên đã được sinh ra nhờ trứng hiến của người khác tại Australia. Còn tại Việt Nam, trường hợp xin trứng thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên được thực hiện năm 1999 tại bệnh viện Từ Dũ.

Đến nay, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã phát triển hơn, được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đối tượng áp dụng cũng mở rộng, không chỉ những trường hợp bị suy buồng trứng sớm mà cả những người bị bất thường nhiễm sắc thể, đáp ứng buồng trứng kém với kích thích buồng trứng,... Điều này đã giúp cho các cặp vợ chồng hiếm muộn giải quyết được mong muốn sinh con.

Người cho trứng có ảnh hưởng đến sinh sản không?

Hiến trứng là việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn, giúp cho những người phụ nữ khác cũng có cơ hội được làm mẹ. Tuy nhiên vẫn có nhiều người lo lắng liệu hiến trứng có ảnh hưởng đến sinh sản không? 

Lý do bởi họ cho rằng, nếu hiến tặng sẽ khiến họ hết trứng, khả năng sinh con tiếp sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, hết trứng lại là vấn đề không thể xảy ra.

Hiến trứng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người cho. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Theo các chuyên gia, kể từ khi chào đời, cơ thể mỗi người phụ nữ sẽ có khoảng 2 triệu nang trứng. Bước sang tuổi dậy thì, do sự thoái hóa của các nang trứng nên số lượng trứng còn khoảng 300.000 - 400.000. 

Cứ mỗi chu kỳ kinh nguyệt sẽ có khoảng 50-100 nang trứng được lựa chọn để sàng lọc và và phát triển. Cuối cùng chỉ có duy nhất 1 trứng rụng, các trứng còn lại sẽ thoái hóa. Bởi FSH - nội tiết tố quyết định sự phát triển của nang trứng chỉ cho phép một nang trứng phát triển và rụng trong kỳ kinh nguyệt.

Khi hiến trứng, người cho sẽ được sử dụng một loại thuốc kích thích buồng trứng, khiến lượng FSH trong cơ thể nhiều hơn. Từ đó, số lượng trứng phát triển trong chu kỳ kinh đó sẽ nhiều hơn, còn số trứng bị thoái hóa được giảm bớt đi.

Như vậy, kích thích buồng trứng để hiến tặng không tác động đến nang trứng của chu kỳ sau mà chỉ tác động đến số nang trứng đáng lẽ sẽ bị thoái hóa ở chu kỳ đó. Nếu không cho trứng thì chúng cũng sẽ bị mất đi trong kỳ kinh nguyệt đó.  Vì vậy, các chị em hoàn toàn có thể yên tâm làm nghĩa cử cao đẹp mà không cần lo hiến trứng có ảnh hưởng gì không?

Điều kiện cho phép phụ nữ hiến tặng trứng

Hiến trứng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không và câu trả lời là không nếu chỉ thực hiện 1 lần nên các chị em không cần lo lắng. Tuy nhiên, việc cho, tặng trứng cho những người khác và người muốn xin trứng cũng đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Đối với người muốn được sử dụng trứng của người khác hiến phải thuộc một trong các trường hợp:

  • Không có buồng trứng.

  • Có buồng trứng nhưng buồng trứng bị bất thường do tai nạn, ung thư, cắt buồng trứng.

  • Người đã kích trứng nhưng chất lượng trứng thu được không tốt.

  • Phụ nữ mắc các bệnh lý di truyền.

Người hiến trứng phải đảm bảo điều kiện theo quy định pháp luật. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Còn đối với người muốn tặng trứng phải đáp ứng các điều kiện theo luật “Sinh con theo phương pháp khoa học” như:

  • Phụ nữ có độ tuổi từ 18 - 35.

  • Người cho trứng không có quan hệ huyết thống với chồng của người nhận trứng.

  • Đã có gia đình và sinh ít nhất 1 con phát triển bình thường khoẻ mạnh.

  • Con nhỏ nhất phải lớn hơn 12 tháng tuổi, không đang cho con bú.

  • Chưa từng có tiền sử cho trứng.

  • Người không bị các bệnh di truyền, nội khoa và bệnh lây qua đường tình dục.

  • Âm tính với HIV, viêm gan siêu vi B, giang mai.

  • Xét nghiệm và siêu âm chức năng buồng trứng bình thường.

  • Chưa từng phẫu thuật trên buồng trứng, tử cung.

  • Không có bệnh lý tại buồng trứng, vú.

Việc tuân thủ các điều kiện như vậy nhằm đảm bảo đứa trẻ được sinh ra nhờ trứng hiến có thể phát triển bình thường, khỏe mạnh.

Xem thêm:

Bao lâu có thể tiếp tục cho trứng một lần?

Như đã nói ở trên, việc hiến trứng không thể ảnh hưởng đến sinh sản của người hiến sau này. Trong khi đó, hiến trứng là một việc làm có ý nghĩa nhân bản sâu sắc, giúp những người phụ nữ khác có cơ hội được làm mẹ, để họ thấy hạnh phúc, cuộc đời có ý nghĩa hơn. Bởi thế mà nhiều người đã từng hiến trứng vẫn muốn tiếp tục được tặng cho người khác.

Thời gian tối thiểu để kích thích buồng lần nữa là 3 tháng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Tuy nhiên, việc này không thể thực hiện thường xuyên, liên tục vì kích thích buồng trứng nhiều sẽ có ảnh hưởng đến sức khỏe người tặng trứng. Các bác sĩ cho biết, sức khỏe người hiến trứng cần được phục hồi, khỏe mạnh trở lại nên cần khoảng cách thời gian tối thiểu 3 tháng để kích thích buồng trứng lần nữa.

Hơn nữa, theo quy định pháp luật “Sinh con theo phương pháp khoa học”, một trong những điều kiện cho phép nữ giới hiến trứng là người đó chưa từng có tiền sử hiến trứng. Như vậy, dù theo Y học, sau 3 tháng có thể tiếp tục hiến trứng nhưng quy định của pháp luật chỉ cho phép mỗi người hiến trứng một lần.

Những điều cần lưu ý khi cho trứng

Như vậy chúng ta đã biết rằng cho trứng có ảnh hưởng đến sức khỏe không, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Nhưng hiến trứng không phải là việc đơn giản mà nó phải trải qua cả một quá trình dài. Người hiến trứng cần phải thực hiện khám sàng lọc để đảm bảo các yếu tố sức khỏe, chất lượng trứng. Bởi những yếu tố này có vai trò quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của ca thụ tinh trong ống nghiệm.

Khám và xét nghiệm sàng lọc trước khi tiến hành hiến trứng. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Theo đó, người hiến trứng sẽ phải làm một số xét nghiệm như:

  • Khám lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình.

  • Xét nghiệm sàng lọc với người nhận trứng

  • Xét nghiệm nhiễm sắc thể

  • Xét nghiệm nhóm máu

Trong quá trình khám và xét nghiệm sàng lọc, người cho trứng cần lưu ý:

  • Áp dụng các phương pháp tránh thai khi đồng ý cho trứng

  • Tránh quan hệ trong những ngày sắp chọc hút trứng

  • Báo rõ tình trạng cho con bú hay không, các loại thuốc đang sử dụng cho bác sĩ

  • Sau khi đã chọc hút trứng, nếu không muốn có thai, bạn vẫn phải tiếp tục phòng tránh thai cho đến khi có kinh trở lại

  • Hỏi rõ bác sĩ các triệu chứng bất thường có thể gặp phải trong thời gian cho trứng và cách xử lý.

Như vậy Monkey đã giải đáp thắc mắc “hiến trứng có ảnh hưởng đến sinh sản không?” cho các chị em. Theo quy luật sinh học, hàng trăm nghìn trứng vẫn tự mất đi dù ta có muốn hay không. Thay vào đó, giờ đây chúng ta có thể hiến trứng để góp phần tạo nên một sinh linh bé nhỏ khác, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người kém may mắn hơn mình.

Will Donating Eggs Hurt My Fertility? - Ngày truy cập: 13/4/2022

https://www.myeggbank.com/blog/will-donating-eggs-hurt-my-fertility

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan
Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available Sign up for consultation, special offers available

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!