Mất ngủ ở bà bầu tháng đầu khiến cho cơ thể, tinh thần mẹ luôn mệt mỏi và nhiều di chứng cho trẻ sơ sinh. Tình trạng này cần sớm được cải thiện bằng những phương pháp phù hợp để giúp thai phụ ngủ ngon hơn.
Một số triệu chứng ở phụ nữ mang thai tháng đầu
Cơ thể mẹ bầu tháng thứ nhất rất nhạy cảm với nhiều triệu chứng như: Cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, bị táo bón, đầy hơi, co thắt bụng, ngực đau, buồn nôn, đi tiểu nhiều, bị đau đầu, chóng mặt, tâm lý thất thường và dễ xúc động,…
Trong đó, triệu chứng mất ngủ rất hay xảy ra với bà bầu và là nỗi lo lắng của không ít thai phụ. Tình trạng này thường diễn ra về đêm và có thể xảy ra từ những tháng đầu tiên cho đến tận ngày dự sinh khiến cơ thể mẹ rất mệt mỏi.
Dấu hiệu mất ngủ ở mẹ bầu 4 tuần đầu
Tùy thuộc vào các giai đoạn thai kỳ mà mất ngủ có những dấu hiệu cụ thể. Mất ngủ ở bà bầu tháng đầu biểu hiện qua những dấu hiệu sau:
-
Rất khó đi vào giấc ngủ, đặc biệt là giấc về đêm.
-
Ngủ không được sâu và dễ bị tỉnh giấc giữa chừng, có thể ngủ không quá 30 phút lại tỉnh và thường khó ngủ lại nếu lỡ thức.
-
Ngủ chập chờn, dễ giật mình, thức dậy khi chưa ngủ đủ giấc.
-
Ngủ không ngon giấc, sau một đêm thức dậy vẫn thấy buồn ngủ, cơ thể không sảng khoái mà mệt mỏi, đầu óc thiếu tỉnh táo.
-
Buổi đêm thì khó ngủ và thường buồn ngủ vào các thời điểm khác trong ngày khiến nhịp sinh hoạt bị đảo lộn.
Trong thai kỳ, dù mẹ đang gặp tình trạng mất ngủ với dấu hiệu như thế nào cũng nên thông báo chi tiết về hiện tượng này cho các bác sĩ, bởi mất ngủ kéo dài dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Tại sao bà bầu tháng thứ nhất hay bị mất ngủ?
Tình trạng mất ngủ ở bà bầu tháng đầu chủ yếu do các nguyên nhân sau:
Khó thở
Mang thai khiến cơ thể phụ nữ bị thay đổi hormone cùng với sự phát triển của thai nhi ép lên cơ hoành khiến thai phụ cảm thấy hụt hơi, khó thở, hơi thở chậm hơn và phải hít thở sâu mới thấy thoải mái. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mẹ khó chịu khi ngủ, ngủ không ngon giấc.
Đi tiểu nhiều lần
Khi mang thai, thận của mẹ bầu phải làm việc thêm 30 đến 35% để lọc thêm khối lượng máu khiến lượng urê tăng lên, làm bàng quang phải chứa lượng nước tiểu nhiều hơn. Mặt khác, tử cung phát triển lớn lên gây chèn ép bàng quang. Đó là nguyên nhân khiến mẹ đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là về đêm.
Đau lưng và nhức chân
Không ít bà bầu bị đau lưng và nhức chân trong thai kỳ. Nguyên nhân là do chân và lưng người mang thai phải gánh thêm một sinh linh đang lớn lên mỗi ngày khiến cơ thể mẹ có cảm giác khó chịu ngay trong lúc ngủ.
Vấn đề tiêu hóa
Các vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu… đều khiến mẹ bầu bị khó ngủ. Nguyên nhân là do sự phát triển về kích thước của tử cung gây chèn ép dạ dày, làm cho thức ăn trào ngược lên thực quản và việc mẹ bầu bổ sung quá nhiều lượng thức ăn khiến cơ thể không kịp hấp thu.
Ốm nghén
Phụ nữ mang thai những tháng đầu rất hay bị ốm nghén với các dấu hiệu như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, nhạy cảm với mùi vị, không muốn ăn uống gì,… khiến cơ thể của mẹ rất mệt mỏi, thật khó để cho mẹ có được giấc ngủ ngon khi bị cơn ốm nghén hành hạ.
Tăng nhịp tim
Khi có thai, tim của mẹ phải làm việc nhiều hơn bình thường mới bơm được nhiều máu tới tử cung để nuôi thai. Tăng nhịp tim khiến mẹ cảm thấy khó thở, dễ bị mệt hơn. Đây là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ ở bà bầu tháng đầu.
Tâm lý lo lắng và căng thẳng
Thời điểm đầu mới mang thai, chị em thường hay lo lắng, suy nghĩ về nhiều vấn đề như làm sao để cho con phát triển khỏe mạnh, sau sinh sẽ chăm sóc và nuôi dạy bé như thế nào… cộng với các vấn đề trong cuộc sống làm đầu óc của mẹ bị căng thẳng. Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến mẹ bầu khó đi vào giấc ngủ.
Mẹ bị mất ngủ có ảnh hưởng đến thai nhi?
Mất ngủ ở bà bầu tháng đầu kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn cả thai nhi. Nếu thai phụ ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày thì em bé sẽ phải đối mặt với những nguy cơ sau:
Thiếu máu ở trẻ sơ sinh
Từ 23 giờ đêm đến 3 giờ sáng là thời điểm thuận lợi nhất cho sự tạo máu trong cơ thể trẻ. Nếu lúc này mẹ bầu lại trằn trọc, khó ngủ, mất ngủ sẽ làm giảm sự tuần hoàn máu và làm chậm quá trình tự tạo máu tự nhiên của bào thai.
Bé dễ quấy khóc
Khi mẹ thức, em bé trong bụng cũng thức theo; Nếu mẹ bầu ngủ muộn thì bé cũng như vậy và lâu dần trở thành thói quen của con. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ sơ sinh sau khi chào đời, bé sẽ hay quấy khóc, cáu giận, thức đêm vì đã có thói quen này ngay từ khi còn trong bụng.
Chậm phát triển
Nếu mẹ thức quá khuya, thiếu ngủ sẽ dẫn tới sự thay đổi đồng hồ sinh học của trẻ, từ đó gây rối loạn hormone tăng trưởng thùy trước tuyến yên của con. Đây chính là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi khiến trẻ sinh ra có thể nhẹ cân, chậm phát triển…
Những ảnh hưởng trên thật sự nghiêm trọng. Vì vậy, mẹ bầu cần có biện pháp để khắc phục tình trạng mất ngủ càng sớm càng tốt, tránh những tác động tiêu cực đối với sự phát triển của con.
Xem thêm: Mẹ bầu bao nhiêu tuần có sữa non: Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý
5+ mẹo giúp bà bầu tháng đầu ngủ ngon, sâu giấc
Tháng đầu mang thai, phôi thai phát triển chưa ổn định, mẹ cần có biện pháp khắc phục được chứng mất ngủ nhưng phải cẩn trọng khi lựa chọn phương pháp. Sau đây là những mẹo an toàn, hỗ trợ tích cực trong việc khắc phục tình trạng mất ngủ ở bà bầu tháng đầu.
Chế độ dinh dưỡng
Mẹ bầu hãy áp dụng ngay chế độ dinh dưỡng khoa học sau đây để vừa cung cấp đủ chất cho cả mẹ và bé, vừa khắc phục các vấn đề về tiêu hóa, đau nhức cơ thể và giúp mẹ ngủ ngon.
-
Không ăn quá no trước khi ngủ và chỉ nên ăn trước lúc ngủ khoảng 2 đến 3 tiếng để dạ dày có đủ thời gian tiêu hóa hết thức ăn.
-
Bổ sung các thực phẩm có chứa vitamin B để giúp ngủ ngon hơn như cá hồi, trứng, gan, rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám,...
-
Nên chia bữa ăn trong ngày thành các bữa nhỏ thay vì 3 bữa chính, ăn chậm và nhai kỹ để giúp dạ dày không bị quá tải.
-
Phòng tránh nguy cơ tiểu đường thai kỳ bằng cách hạn chế ăn đồ ngọt.
-
Không nên uống các loại nước có chất kích thích gây khó ngủ như trà, socola, cà phê,...
-
Có thể dùng các loại thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên và đã được Bộ Y tế kiểm định sử dụng được cho bà bầu để làm thư giãn tinh thần như trà tâm sen, trà hoa cúc, trà táo đỏ,…
-
Uống nhiều nước và ăn thực phẩm dạng mềm trong buổi ngày nhưng hạn chế vào buổi tối để tránh đi tiểu đêm nhiều.
-
Giảm buồn nôn bằng đồ ăn nhẹ và bánh quy.
-
Tránh dùng gia vị cay, thức ăn chiên rán và có nhiều chất béo để không bị ợ nóng, khó tiêu.
-
Cung cấp đủ canxi với các thực phẩm như hải sản, sữa chua, các loại đậu,… giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
Chế độ vận động
Một chế độ vận động hợp lý hỗ trợ rất nhiều cho việc trị chứng mất ngủ ở bà bầu tháng đầu:
-
Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với bà bầu như đi bộ, bơi lội,… để giúp lưu thông khí huyết và giảm stress khi mang thai.
-
Tập các tư thế yoga như đứng cân bằng, tư thế quỳ, tư thế nằm con cá, ngồi đưa nôi,... hoặc các bài tập thư giãn trước lúc đi ngủ.
-
Tránh tập thể dục trước giờ đi ngủ 2-3 tiếng bởi sự hưng phấn sảng khoái sau khi tập thể dục thường sẽ khiến cho bà bầu mất ngủ hoặc khó đi vào giấc ngủ.
Lưu ý, tất cả các bài tập mà bà bầu áp dụng cần phải có sự tư vấn của bác sĩ. Chuyên gia sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe, thể trạng của mẹ khi mang thai để đưa ra chế độ vận động phù hợp cho từng người.
Một số lưu ý khác
Sau đây là một số mẹo khác giúp giảm bớt tình trạng mất ngủ ở bà bầu tháng đầu rất hiệu quả:
-
Thiết kế không gian ngủ nghỉ tốt nhất có thể, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông sẽ giúp đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
-
Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi để không bị mệt mỏi, căng thẳng đầu óc.
-
Duy trì giấc ngủ trưa nhưng không nên ngủ nhiều vào ban ngày để không khó ngủ vào ban đêm, tốt nhất là ngủ trưa khoảng 30 đến 60 phút. Nhưng nếu bị mất ngủ, có thể ngủ trưa nhiều hơn một chút để bảo đảm sức khỏe tốt nhất.
-
Duy trì đi ngủ cùng một thời điểm vào mỗi tối để xây dựng được lịch trình cho giấc ngủ.
-
Sau bữa ăn tối nên thư giãn, thả lỏng tinh thần bằng cách đọc sách, đi dạo,...
-
Trước khi ngủ không nên xem phim dễ gây xúc động mạnh để tránh khó ngủ.
-
Cố gắng không sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop, máy tính bảng ít nhất một giờ trước khi đi ngủ để dễ ngủ hơn.
-
Tắm, ngâm chân với nước ấm hoặc xông tinh dầu trước khi ngủ để giúp lưu thông khí huyết, thư giãn và làm dịu thần kinh.
-
Nên đi vệ sinh ngay trước lúc ngủ để đêm không phải thức dậy nhiều lần.
-
Nằm ngủ nghiêng sang bên trái, cong đầu gối hoặc gác chân lên cao giúp cơ thể thoải mái hơn, giảm áp lực lên tĩnh mạch chân, tăng cường lưu thông máu đến tim và tuần hoàn máu tới thai.
-
Nếu lỡ tỉnh giấc vào ban đêm, không nên bật đèn sáng mà chỉ để chế độ ánh sáng dịu nhẹ để có thể tiếp tục ngủ. Nếu vẫn không thể ngủ lại được cũng đừng ép bản thân, hãy dậy đọc sách hoặc nghe nhạc thư giãn để kéo cơn buồn ngủ trở lại.
-
Hãy chia sẻ những điều đang khiến bạn lo lắng với bạn đời hoặc bác sĩ chuyên khoa.
-
Tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng bất cứ loại thuốc nào để trị mất ngủ mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nếu những phương pháp trên vẫn không thể giúp mẹ bầu ngủ ngon thì mẹ nên tìm đến bác sĩ để tư vấn, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp thích hợp nhất. Không ngoại trừ mẹ bị các vấn đề về rối loạn thần kinh hoặc các bệnh lý khác.
Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp mẹ bầu có cái nhìn tổng quan về triệu chứng mất ngủ trong thai kỳ. Nếu mất ngủ ở bà bầu tháng đầu đang xảy ra với bạn, hãy áp dụng ngay những mẹo mà chúng tôi đã chia sẻ để giúp mẹ ngủ ngon hơn.
How to Kick Insomnia in Early Pregnancy - Truy cập ngày 10/06/2022
https://www.healthline.com/health/pregnancy/early-insomnia
What helps with insomnia during early pregnancy? - Truy cập ngày 10/06/2022
https://www.medicalnewstoday.com/articles/323475
First trimester pregnancy sleep: Three disturbances you can count on - Truy cập ngày 10/06/2022