Sữa mẹ như thế nào là tốt nhất? Chất lượng sữa mẹ thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như chế độ ăn, tinh thần, sức khỏe của mẹ. Vậy nên, không phải lúc nào sữa mẹ cũng đạt chuẩn chất lượng 100%. Để biết màu và mùi vị của sữa mẹ thế nào là tốt nhất, hãy tham khảo bài viết sau đây mẹ nhé. Trong bài viết này, Monkey sẽ bật mí cho mẹ về cách nhận biết sữa mẹ chất lượng thông qua màu sắc và mùi vị cực kỳ chuẩn xác.
Nhận biết sữa mẹ như thế nào là tốt qua màu sắc
Màu sắc của sữa mẹ là một trong những yếu tố phản ánh đúng nhất chất lượng của nó. Bên cạnh đó, sự thay đổi màu sắc của sữa cũng rất dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. Dưới đây là các trạng thái màu sắc của sữa mẹ khi bình thường, và khi khác lạ. Cụ thể:
Màu sắc sữa mẹ khi bình thường
Sữa mẹ được chia ra ba dạng khác nhau, gồm: Sữa non, sữa chuyển tiếp, sữa trưởng thành. Mỗi loại sẽ có đặc điểm khác nhau về màu sắc và độ đặc sánh.
-
Sữa non có màu VÀNG NHẠT: Sữa non là sữa mẹ tiết ra trong khoảng 5 ngày đầu tiên sau khi sinh. Theo các chuyên gia, sữa non thường có màu vàng nhạt hoặc đậm, tùy vào cơ địa của mỗi mẹ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hàm lượng beta-carotene trong sữa non khá cao.
-
Sữa chuyển tiếp có màu TRẮNG ĐỤC: Sữa chuyển tiếp là dạng sữa được tiết ra trong khoảng thời gian từ ngày thứ 5 đến 14 sau sinh. Nó thường có màu trắng đục giống nước vo gạo nhưng khá loãng. Vậy nên rất nhiều mẹ cảm thấy hoang mang khi sữa mẹ loãng trong giai đoạn này.
-
Sữa trưởng thành có MÀU XANH hoặc VÀNG NHẠT: Sữa trưởng thành là dạng sữa được tiết ra sau 14 ngày sinh em bé. Nó được chia thành sữa đầu và sữa cuối. Trong đó sữa đầu thường có màu trong, hơi xanh nhẹ. Sữa cuối thường có màu trắng đục hoặc hơi vàng.
Xem thêm: Sữa mẹ có màu gì?
Màu sắc khác lạ của sữa mẹ
Trong một vài trường hợp, sữa mẹ sẽ có màu lạ do chế độ ăn uống và sinh hoạt.
-
Sữa mẹ có màu xanh: Do mẹ ăn một số thực phẩm có màu xanh đậm như rau chân vịt, cải bó xôi. Lúc này, sữa mẹ sẽ chuyển qua màu xanh nhẹ, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ sử dụng.
-
Sữa mẹ có màu hồng/cam/đỏ: Tương tự với màu xanh, sữa mẹ có màu hồng hoặc cam cũng do ảnh hưởng bởi thực phẩm. Khi mẹ ăn cà rốt, củ dền hoặc uống nước ngọt cũng có thể khiến sữa có màu này.
-
Sữa mẹ có màu nâu: Sữa mẹ có màu nâu xuất phát từ nguyên nhân trong sữa có lẫn máu. Đây được gọi là hội chứng ống rỉ. Khi lượng máu đến vú tăng đáng kể, một phần máu sẽ bị lưu lại trong ống dẫn và tiết vào sữa trong mấy ngày đầu.
-
Sữa mẹ có màu đen: Sữa có màu đen do mẹ dùng thuốc kháng sinh Minocin trong thời kỳ cho con bú. Trong giai đoạn này, các mẹ không được tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Việc uống thuốc phải tuân thủ theo chỉ định và liều lượng bác sĩ kê. Vậy nên, việc uống thuốc không đúng cách sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của mẹ sau sinh.
Nhận biết sữa mẹ như thế nào là tốt qua vị
Sữa mẹ đạt chuẩn chất lượng thường có mùi thơm nhẹ, thanh mát đặc trưng. Nó sẽ không có mùi khó chịu và gắt như sữa bò, thường thiên về vị nhạt, không mặn, không ngọt, thanh mát như sữa dê.
Ngoài ra, sữa mẹ có vị gì cũng sẽ phụ thuộc một phần vào cơ địa của mỗi mẹ và chế độ ăn của mẹ. Ví dụ, khi mẹ ăn một số thực phẩm như chuối, hạt dinh dưỡng,... sẽ khiến sữa mẹ đặc và thơm hơn. Ngược lại, khi mẹ ăn thực phẩm cay nóng, đóng hộp sẽ khiến sữa có vị gắt, mặn khó chịu.
Sữa mẹ có vị ngọt có cho bé bú không?
Khi hàm lượng lactose trong cơ thể tăng cao sẽ khiến sữa mẹ có vị ngọt hơn bình thường. Lúc này, nhiều mẹ lo lắng việc cho trẻ bú sữa mẹ sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt. Tuy nhiên, mẹ có thể yên tâm khi cho con bú dù sữa có vị ngọt hơn nhé.
Lactose là thành phần quan trọng trong sữa mẹ giúp hấp thụ canxi và photpho tốt nhất. Đồng thời, nó giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ trong giai đoạn đầu đời. Tuy nhiên, khi sữa mẹ quá ngọt sẽ dẫn đến rủi ro quá tải hấp thụ lactose của trẻ. Nếu trẻ không thể hấp thụ hết lactose có thể dẫn đến đầy hơi, khó chịu bụng.
Sữa mẹ có vị mặn có cho bé bú không?
Sữa mẹ có vị mặn xuất phát từ nguyên nhân mẹ ăn nhiều thực phẩm chứa Natri. Theo ý kiến của các chuyên gia, sữa mẹ có vị mặn không tốt cho trẻ sơ sinh, thậm chí nhiều trẻ sẽ bỏ bú khi sữa có vị mặn, ảnh hưởng đến dinh dưỡng. Đồng thời, việc hấp thụ nhiều Natri cũng không tốt cho sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Hệ tiêu hóa của trẻ trong giai đoạn đầu đời thường hoạt động chưa ổn định, khả năng lọc và bài tiết kém. Nếu phải chịu áp lực quá lớn sẽ dẫn đến quá tải, không đào thải hết ra bên ngoài, gây hại thận.
Các yếu tố ảnh hưởng đến màu, vị của sữa mẹ
Có thể thấy rằng, màu và vị của sữa mẹ bị ảnh hưởng khá nhiều bởi chế độ ăn uống, sinh hoạt của mẹ. Dưới đây là những yếu tố chính ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Mẹ hãy tham khảo để biết cách điều chỉnh sao cho chất lượng sữa tốt nhất nhé.
3+ Yếu tố ảnh hưởng đến màu sữa mẹ:
-
Chế độ ăn uống: Như đã nói trong phần 1, thông thường, sữa mẹ sẽ có màu trắng, màu xanh hoặc vàng nhẹ. Tuy nhiên, khi mẹ ăn các thực phẩm có màu như rau chân vịt, cà rốt, củ dền,... có thể khiến sữa bị đổi màu. Về cơ bản, khi sữa đổi màu do chế độ ăn uống vẫn đảm bảo chất lượng cho bé sử dụng. Vậy nên mẹ không cần lo lắng quá nhé.
-
Cách bảo quản sữa: Trong thời gian trữ sữa mẹ ở ngăn đá, sữa có thể xảy ra sự đổi màu nhẹ. Cụ thể, các mẹ sẽ thường thấy sữa đổi từ màu trắng đục qua vàng hoặc xanh nhạt. Hiện tượng này cũng khá bình thường do lớp protein, chất béo của sữa đóng váng ở phía trên. Khi sữa mẹ được hâm nóng, lớp váng này sẽ được tan ra giúp sữa trở về màu trắng như thường.
-
Tình trạng sức khỏe: Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc và chất lượng sữa. Trong một vài trường hợp mẹ phải dùng thuốc khi cho con bú, màu sữa có thể bị biến đổi qua đen. Khi này, mẹ không nên cho bé bú mẹ trực tiếp, hãy sử dụng sữa dự trữ.
3+ Yếu tố ảnh hưởng đến vị sữa mẹ:
-
Gia vị cay nồng: Theo khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ không nên ăn các loại gia vị cay, mùi nồng như hành, tỏi, ớt, hồi khi cho con bú. Bởi chúng sẽ khiến sữa mẹ có vị gắt, nồng, gây khó chịu cho bé khi ti.
-
Thực phẩm đóng hộp: Trong các sản phẩm, đồ ăn đóng hộp có chứa thành phần Natri khá cao. Hàm lượng Natri cao khiến sữa có vị mặn hơn bình thường, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
-
Ngũ cốc, trái cây: Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, sữa sẽ có vị béo và thơm hơn khi mẹ thường xuyên ăn ngũ cốc và trái cây. Đặc biệt quả chuối rất tốt cho sữa mẹ, giúp sữa mẹ thơm và đặc hơn.
-
Cơ địa của mẹ: Mẹ có cơ địa hấp thụ tốt lactose sẽ khiến sữa có vị ngọt hơn bình thường. Tuy nhiên, nếu sữa mẹ quá ngọt có thể gây quá tải hệ tiêu hóa của trẻ. Vậy nên, khi thấy sữa mẹ có vị ngọt hơn bình thường, hãy điều chỉnh lại mẹ nhé.
Sữa mẹ màu vàng do đâu?
Hướng dẫn cách trữ đông sữa mẹ trong ngăn đá đảm bảo chất lượng
Hút sữa ra máu có nguy hiểm không?
Cách khắc phục tình trạng sữa mẹ có màu lạ, mùi hôi
Sữa mẹ có màu lạ, mùi khó chịu ngay cả khi mới vắt ra cho thấy sức khỏe, chế độ sinh hoạt của mẹ đang gặp vấn đề. Những lúc như vậy, mẹ nên chủ động điều chỉnh lại chế độ ăn, chăm sóc sức khỏe của mình tốt hơn.
Điều chỉnh lại chế chế độ ăn
Chế độ ăn uống tác động trực tiếp đến chất lượng sữa mẹ, bao gồm màu sắc và mùi vị. Vì vậy, trong thời kỳ cho con bú, mẹ nên thiết lập một chế độ dinh dưỡng khoa học để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho chính mình và em bé.
Trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, chị em nên bổ sung đầy đủ các nhóm dinh dưỡng sau:
-
Tinh bột: Tinh bột là thành phần quan trọng không thể thiếu đối với sự hồi phục sức khỏe của mẹ và phát triển của trẻ. Mẹ có thể bổ sung nhóm tinh bột qua các thực phẩm như gạo, ngũ cốc, bánh mì, khoai tây, khoai lang,....
-
Chất đạm: Chất đạm đóng vai trò chính trong việc duy trì năng lượng của cơ thể. Khi cho con bú trong 6 tháng đầu đời, mỗi ngày mẹ cần nạp 80g protein. 6 tháng tiếp theo, chất đạm mẹ cần mỗi ngày khoảng 73g. Mẹ có thể bổ sung chất đạm qua các nhóm thực phẩm như cá, thịt, trứng, sữa, đậu, ngũ cốc,...
-
Chất béo: Chất béo chiếm khoảng 30% năng lượng mà các mẹ cho con bú cần. Đặc biệt, chất béo rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và thị lực của trẻ. Mẹ có thể bổ sung một số loại chất béo như DHA, n3, n6,... qua các thực phẩm như cá hồi, dầu thực vật, các loại hạt dinh dưỡng,....
-
Vitamin và khoáng chất: Các loại vitamin và khoáng chất là thành phần không thể thiếu đối với sự phát triển của trẻ. Phải đặc biệt kể đến một số loại quan trọng như vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng, vitamin D giúp tăng cường hệ miễn dịch, Canxi giúp xương chắc khỏe,.... Do đó, mẹ nên bổ sung đủ ít nhất 400g trái cây, rau củ mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu vitamin của chính bản thân và em bé.
-
Nước: Nước là thành phần quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển của cơ thể. Các mẹ đang cho con bú nên uống đủ ít nhất 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày. Nhờ đó sẽ đảm bảo chất lượng và số lượng sữa mẹ được tiết ra.
Bảo quản/ trữ sữa đúng cách
Cách bảo quản sữa thế nào cũng tác động trực tiếp đến màu sắc và mùi vị của sữa sau khi được rã đông và hâm nóng. Do vậy, mẹ nên tìm hiểu cách trữ sữa đảm bảo chất lượng cũng như rã đông, hâm nóng đúng cách.
Với mỗi điều kiện nhiệt độ khác nhau, thời gian bảo quản sữa sẽ có sự chênh lệch nhất định. Cụ thể như sau:
-
Bảo quản sữa ở nhiệt độ phòng: Tối đa 6 giờ. Nên sử dụng trong 1 giờ đầu.
-
Bảo quản sữa ở ngăn mát tủ lạnh: Tối đa 5 ngày. Nên sử dụng trong 3 ngày đầu tiên.
-
Bảo quản sữa ở ngăn đá tủ lạnh: Tối đa 6 tháng.
Bên cạnh việc quan tâm đến thời gian bảo quản, mẹ cũng đừng bỏ qua những nguyên tắc quan trọng như:
Trước khi trữ sữa:
-
Trữ sữa trong túi/bình chuyên dụng.
-
Không làm lạnh sữa đột ngột bằng cách cho thẳng vào ngăn đá.
-
Không trộn chung sữa từ nhiều lần vắt bảo quản cùng nhau.
-
Ghi rõ ngày tháng vắt sữa trên mỗi túi
Khi rã đông sữa:
-
Không rã đông sữa ở nhiệt độ thường.
-
Không thay đổi nhiệt độ sữa đột ngột.
-
Không rã đông sữa bằng lò vi sóng.
-
Không lắc mạnh bình/túi đựng sữa sau khi rã đông.
Khi hâm sữa:
-
Không sử dụng nước quá nóng để hâm sữa, nhiệt độ nước 40 độ là đạt chuẩn.
-
Không hâm lại sữa nhiều lần.
-
Chỉ sử dụng sữa đã hâm trong vòng 1 tiếng.
-
Không cấp đông sữa lại sau khi đã rã đông và hâm.
Để hiểu rõ hơn về cách rã đông, cách hâm sữa giữ chất lượng tốt nhất, hãy tham khảo các bài viết dưới đây mẹ nhé.
Xem thêm: Sữa mẹ để ngăn mát được bao lâu? Hướng dẫn bảo quản đúng cách
Chú ý chăm sóc sức khỏe của mẹ
Chất lượng sữa cũng ảnh hưởng nhiều từ sức khỏe của mẹ. Khi sức khỏe mẹ tốt, sức đề kháng và hệ miễn dịch cao, chất lượng sữa cũng đảm bảo hơn. Ngược lại, khi sức khỏe của mẹ kém, thành phần kháng thể trong sữa cũng kém hơn.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt mẹ phải uống thuốc sẽ gây ảnh hưởng mạnh hơn đến chất lượng sữa. Ví dụ, khi mẹ phải dùng kháng sinh Minocin có thể khiến sữa biến thành màu đen. Những lúc này, mẹ cần hết sức cảnh giác, và không nên cho em bé bú. Để khắc phục tình trạng, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ bú.
Trên đây là những thông tin giúp mẹ hiểu rõ hơn về sữa mẹ như thế nào là tốt. Có thể thấy rằng, chất lượng sữa mẹ phụ thuộc khá nhiều vào chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và sức khỏe. Vậy nên, mẹ đừng quên chăm sóc thật tốt sức khỏe của chính mình để nâng cao chất lượng sữa cho con nhé. Chúc mẹ và bé có một thời kỳ sau sinh khỏe mạnh, an toàn.
The Many Colors of Breast Milk: What They Mean and When to Be Concerned - Truy cập ngày 25/10/2022
https://www.healthline.com/health/breast-milk-color
Everything You Need to Know About Breast Milk Color - Truy cập ngày 25/10/2022
https://www.parents.com/baby/breastfeeding/everything-to-know-about-breast-milk-color/