zalo
Dấu hiệu mang thai đôi sớm và chuẩn xác nhất dành cho mẹ bầu
Chuẩn bị mang thai

Dấu hiệu mang thai đôi sớm và chuẩn xác nhất dành cho mẹ bầu

Đào Nhàn
Đào Nhàn

02/09/20223 phút đọc

Mục lục bài viết

Mang thai đôi không phải là tình huống xảy ra phổ biến. Khi mang song thai, mẹ bầu sẽ giảm bớt được số lần sinh con nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy hiểm. Vì vậy, nhận biết được dấu hiệu mang thai đôi sớm sẽ giúp các mẹ chủ động chăm sóc sức khỏe thai kỳ được tốt hơn, phòng tránh xảy ra điều ngoài ý muốn.

Nhận biết các dấu hiệu mang thai đôi sớm nhất

Mang thai đôi là trường hợp mẹ bầu cùng lúc tới hai em bé. Tình trạng này xảy ra khá hiếm hoi, chủ yếu xuất hiện ở những người sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản. Rất hi hữu gặp người mang thai tự nhiên mà được song thai. 

Mang thai đôi là mẹ bầu mang thai cùng lúc hai em bé. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Nguyên nhân bởi trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, buồng trứng của phụ nữ chỉ giải phóng 1 quả trứng. Việc mang thai đôi nghĩa là có tới 2 trứng rụng và được thụ tinh trong cùng thời điểm. Vậy mang thai đôi có dấu hiệu gì? Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết mang song thai sớm và chính xác nhất các chị em nên ghi nhớ:

  • Nồng độ hCG cao: Đây là một loại hormone thai kỳ do nhau thai tiết ra. Nếu nồng độ hCG trong máu và nước tiểu của bà bầu cao hơn bình thường rất nhiều thì khả năng cao mẹ đã mang song thai.

  • Ốm nghén nặng: Tình trạng này thường xuất hiện trong 3 tháng đầu và kết thúc từ đầu tam cá nguyệt thứ 2. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có thể ốm nghén đến khi sinh con. So với những người mang thai đơn, bà bầu song thai thường cảm thấy ốm nghén như mệt mỏi, buồn nôn,...ở mức nặng hơn rất nhiều.

  • Tăng cân quá nhanh: Trong bụng mẹ đang có tới hai sinh linh đang phát triển, đồng thời còn có nhau thai và lượng nước ối cũng nhiều hơn. Do đó, phụ nữ mang thai đôi cảm thấy tăng cân nhanh cũng là điều rất dễ hiểu.

  • Bụng bầu to hơn bình thường: Có thể nói đây là dấu hiệu mang thai sinh đôi rất dễ nhận biết bởi trong bụng mẹ chứa tới 2 thai nhi, 2 nhau thai và nhiều nước ối hơn.

  • Huyết áp cao: Khi mang thai, nồng độ hormone và quá trình chuyển hóa cơ thể tăng lên rất nhiều khiến mẹ bầu có nguy cơ đối mặt với biến chứng liên quan đến tăng huyết áp.

  • Mệt mỏi quá mức: Sự phát triển kích thước của bụng bầu và cân nặng cũng như những thay đổi hormone trong cơ thể khiến bà bầu song thai vô cùng mệt mỏi. Để giảm bớt triệu chứng này, mẹ cần hạn chế làm việc quá sức và nên chú ý ngủ nghỉ nhiều hơn.

  • Thai nhi cử động sớm và thường xuyên hơn: Theo kinh nghiệm của nhiều bà mẹ từng mang song thai thì thai nhi bắt đầu cử động từ rất sớm và thường xuyên hơn.

  • Khó thở: Kích thước tử cung ngày càng lớn đè nén lên phổi khiến mẹ bầu bị khó thở. Với những bà bầu song sinh sẽ gặp triệu chứng này nặng hơn những người mang thai đơn.

  • Hệ tiêu hóa có vấn đề: Khi nhắc đến các dấu hiệu mang thai đôi thì không thể thiếu được các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa. Mẹ bầu có thể cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ hơi, xì hơi, táo bón,... Tình trạng này xuất hiện ở người mang thai đôi thường nghiêm trọng hơn các trường hợp mang thai bình thường khác.

  • Đau lưng: Đây cũng là dấu hiệu mang song thai dễ nhận biết. Nguyên nhân là do kích thước tử cung tăng lên và tạo áp lực lớn lên vùng lưng gây ra đau.

  • Mất ngủ: Ngay từ khi mới cấn bầu, sức khỏe mẹ bầu bị ảnh hưởng rất lớn như đau nhức, mệt mỏi, khó thở, đi tiểu nhiều,...Tất cả những yếu tố đó khiến mẹ bầu bị mất ngủ nên đây cũng được xem là một trong những dấu hiệu nhận biết mang thai đôi.

  • Trầm cảm: Theo thống kê có tới ⅓ phụ nữ mang thai đôi bị trầm cảm trước khi sinh. Nguyên nhân là do bà bầu rất dễ bị căng thẳng, lo lắng, áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Để không ảnh hưởng đến thai nhi, mẹ bầu cần được chồng, người thân san sẻ công việc, tâm sự, động viên kích lệ tinh thần thường xuyên để giảm bớt áp lực.

  • Đau ngực: Đây là dấu hiệu nhận biết mang thai song sinh thường xuất hiện từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Khi đó, mẹ sẽ có cảm giác sưng, đau tức vùng ngực, núm vú ngày càng to ra và thâm đen hơn.

  • Đi tiểu thường xuyên: Có thể nói đây là dấu hiệu nhận biết mang song thai rất điển hình. Bởi khi mang thai, lưu lượng máu trong cơ thể mẹ bầu tăng cao và tử cung tăng kích thương gây áp lực lên thận và bàng quang khiến mẹ hay buồn tiểu.

  • Đau bụng dưới: Tình trạng này xảy ra ở hầu hết phụ nữ mang thai. Với những người mang thai đôi thì cảm giác đau tức khó chịu sẽ càng tăng cao.

  • Tim đập nhanh: Khi mang thai, sự thay đổi về huyết áp và lưu lượng máu trong cơ thể khiến tim của mẹ bầu đập nhanh hơn. Do đó, tim đập nhanh cũng là dấu hiệu có thai sinh đôi mà các chị em cần lưu ý.

  • Trực giác: Đôi khi việc xác định mang thai đôi không phải dựa vào các dấu hiệu mang thai đôi nhanh mà do trực giác của người phụ nữ. Bởi mang thai, làm mẹ là một “thiên chức” vô cùng cao cả của người phụ nữ. Tình mẫu tử thiêng liêng đã giúp họ có trực giác, linh cảm rất chính xác. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với mọi bà bầu thai đôi.

Các dấu hiệu mang thai đôi tương tự như thai đơn. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Có thể thấy rất nhiều dấu hiệu mang song thai sớm giúp chúng ta dễ dàng nhận biết ngay tại nhà. Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ mang thai, chúng ta nên kiểm tra chắc chắn lại bằng các phương pháp khoa học để biết cách chăm sóc sức khỏe thai kỳ được tốt nhất.

Phương pháp xác định dấu hiệu có thai đôi là đúng

Thông qua những dấu hiệu có thai đôi chắc hẳn nhiều người đã biết đáp án chính xác tới 90%. Để chắc chắn hơn về kết quả chúng ta cần kiểm tra lại bằng các phương pháp khoa học.

Hiện nay, siêu âm đang là phương pháp chẩn đoán mang thai đôi chính xác nhất. Mẹ bầu có thể đi siêu âm thai để biết kết quả ngay từ những tuần thứ 6-8 của thai kỳ. Tuy nhiên, thời điểm bác sĩ có thể quan sát thấy hình thái và tim thai rõ nhất để kết luận bạn có mang thai đôi hay không là từ tuần 10-12 của thai kỳ.

Siêu âm là cách xác định mang thai đôi chính xác nhất. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Ngoài ra, mẹ bầu còn có thể xác định dấu hiệu mang thai đôi có chính xác hay không thông qua một số phương pháp khác như khám lâm sàng và chụp cộng hưởng từ. Trong đó:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để xác định nhịp tim của thai nhi khi bé được 18-20 tuần tuổi. Nếu phát hiện thai nhi có hơn 1 nhịp tim, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu tiến hành siêu âm để xác định số lượng phôi thai trong tử cung.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Mẹ bầu có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ trong trường hợp kết quả siêu âm vẫn có sự nghi ngờ. Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho biết, việc mẹ bầu chụp MRI trong 3 tháng đầu của thai kỳ rất an toàn không có gì đáng lo ngại.

Phụ nữ mang thai đôi tăng cân như thế nào là vừa?

Sau khi đã chắc chắn những dấu hiệu có thai đôi là chính xác, mẹ bầu cũng cần quan tâm đến mức cân nặng cần tăng trong suốt thời gian mang thai để có kế hoạch thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp. 

Các bác sĩ cho biết, phụ nữ mang song thai cần tăng nhiều cân hơn so với người mang thai đơn vì có tới hai em bé, hai nhau thai và lượng nước ối cũng nhiều hơn. Ngay cả trong quá trình mang thai và sinh nở, mẹ bầu mang thai đôi cũng cần nhiều calo hơn.

Do đó, bà bầu song thai cần đạt được mức tăng cân lý tưởng từ 16-25 kg trong suốt thai kỳ. Trong đó, cân nặng của thai nhi sẽ chiếm khoảng 4,5 - 5,5 kg, phần còn lại sẽ bao gồm nước ối, nhau thai, máu, chất béo dự trữ,...

Phụ nữ mang thai đôi cần tăng từ 16-25kg. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Mức cân nặng cân tăng theo từng tam cá nguyệt được xác định ở mức như sau:

  • Tam cá nguyệt thứ nhất: Phụ nữ mang song thai cần tăng từ 2-3kg. Tuy nhiên, một số trường hợp mẹ bầu có thể bị sụt cân do ốm nghén nặng, không ăn uống được nhiều. Vì vậy, mẹ bầu nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng nuôi thai nhi.

  • Tam cá nguyệt thứ hai: Đây là giai đoạn mẹ bầu tăng cân nhiều nhất, dao động từ 0,5 - 0,7kg/tuần. Để thai nhi phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí não, mẹ nên chú ý bồi bổ đầy đủ dinh dưỡng và thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh.

  • Tam cá nguyệt thứ ba: Đây sẽ là giai đoạn thai nhi tăng trưởng nhanh về cân nặng. Từ tuần thứ 32 của thai kỳ, em bé có thể đạt 1,8 - 2kg và mẹ bầu có thể tăng từ 0,5 - 1kg/tuần.

Các mẹ cũng cần lưu ý, khi mang thai đôi cân nặng không nên tăng vượt quá 21 kg hoặc tăng ít hơn 7kg. Nếu tăng quá nhiều, mẹ có nguy cơ cao bị tiểu đường, tiền sản giật,...rất nguy hiểm cho quá trình sinh nở. Ngược lại, cân nặng tăng quá ít chắc chắn thai nhi sẽ không có đủ dinh dưỡng để phát triển, dẫn đến suy dinh dưỡng, còi cọc, đề kháng kém,...

Xem thêm:

Phụ nữ mang song thai nên sinh thường hay sinh mổ?

Theo các chuyên gia, việc sinh thường hay sinh mổ của bà bầu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cụ thể như:

  • Điều kiện liên quan đến mẹ bầu: Tình trạng sức khỏe và đặc điểm quá trình chuyển dạ.

  • Điều kiện liên quan đến thai nhi: Cân nặng, tư thế và vị trí của thai, tình trạng sức khỏe thai nhi.

  • Điều kiện y tế: Bác sĩ, y tá sản khoa có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trang thiết bị đầy đủ.

Hầu hết bà bầu mang thai đôi đều sinh mổ. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Nếu phụ nữ mang thai đôi có thể trạng tốt, đồng thời em bé đã xoay đầu, nằm đúng tư thế thuận lợi cho quá trình sinh đẻ thì mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn biện pháp sinh thường. Tuy nhiên, để đảm bảo sự an toàn khi sinh cao nhất có thể, các mẹ cần trải qua quá trình khám trước sinh của bác sĩ. 

Sau khi đánh giá thuận lợi và khó khăn, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp nhất cho từng trường hợp mang thai đôi nên sinh thường hay sinh mổ. Song trên thực tế thì hầu hết các ca mang thai đôi đều có khả năng phải sinh mổ cao hơn sinh thường. 

Những nguy cơ có thể xảy ra khi mang thai đôi mẹ bầu cần lưu ý

Mẹ mang thai đôi có nguy cơ cao bị sinh non. (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Mang thai đôi có một lợi ích rất to lớn là giúp mẹ giảm bớt số lần mang bầu mà được đón nhận tới hai thiên thần. Tuy nhiên, đi cùng với lợi ích to lớn ấy cũng là hàng loạt rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dưới đây là những nguy cơ khi mẹ mang thai đôi cần lưu tâm:

  • Thai nhi có nguy cơ cao bị sinh non

  • Kích thước, trọng lượng của hai em bé đều nhỏ hơn so với những bà mẹ mang thai đơn.

  • Trong số 2 thai nhi thường có một em bé lớn hơn và một em bé nhỏ hơn.

  • Bà bầu có nguy cơ mắc biến chứng tiền sản giật hay tiểu đường thai kỳ.

Để giảm thiểu nguy hiểm xảy ra với cả mẹ và bé, mọi trường hợp mang thai đôi cần đi khám theo dõi sức khỏe thường xuyên. Điều này nhằm mục đích tầm soát nguy hiểm và có phương án xử lý kịp thời.

Tóm lại, bài viết này đã giúp chúng ta nắm rõ các dấu hiệu mang thai đôi và các vấn đề quan trọng cần lưu tâm. Hy vọng những kiến thức này sẽ góp phần giúp mẹ bầu và thai nhi luôn khỏe mạnh và “vượt cạn” an toàn.

Are There Signs You’re Pregnant With Twins? - Ngày truy cập: 30/08/2022

https://www.whattoexpect.com/pregnancy/multiples/signs-of-twin-pregnancy

Đào Nhàn
Đào Nhàn

Tôi là Đào Nhàn, biên tập viên có hơn 3 năm kinh nghiệm viết bài nhiều lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe, công nghệ...

Bài viết liên quan

Đăng ký tư vấn nhận ưu đãi

Monkey Junior

Mới!